Xây dựng TPHCM thành trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao

Hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, năm 2012, TPHCM đã có nhiều chương trình kèm các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục TP. Đầu năm mới Quý Tỵ 2013, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP đã trao đổi với chúng tôi về những kết quả mà ngành GD-ĐT đạt được.

PV: Thưa giám đốc, nhận định của ông về kết quả mà ngành GD-ĐT TPHCM gặt hái trong năm qua?


Ông LÊ HỒNG SƠN: Nhìn chung tiến độ xây dựng trường lớp được đẩy mạnh, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của ngành đến năm 2020. Theo đó, mạng lưới trường lớp ở các ngành học, bậc học đã được phủ khắp 322/322 phường (xã) của 24 quận huyện trên toàn địa bàn TP với quy mô ngày một tăng (toàn TP hiện có 1.757 trường học các cấp). Về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập cũng được đầu tư trang bị đáp ứng nhu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập. Riêng năm 2012, TP đã đầu tư xây mới 1.193 phòng học, 968 phòng chức năng (thí nghiệm, phòng học ngoại ngữ, phòng tập đa năng…). Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của ngành cũng lớn mạnh từ quy mô đến chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, lương tâm nghề nghiệp được nâng cao.

 

TPHCM có nhiều chương trình nhằm nâng cao chất lượng giáo dục

TPHCM có nhiều chương trình nhằm nâng cao chất lượng giáo dục

Hình minh họa, nguồn Internet

Trước yêu cầu đổi mới giáo dục, công tác quản lý của ngành chuyển biến đến đâu?

Các trường học đều quan tâm đầu tư, áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý và giảng dạy; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Nhìn chung công tác chỉ đạo và tổ chức thi cử, tuyển sinh ở TP giữ vững truyền thống nghiêm túc, khoa học, công bằng ngày càng được sự tín nhiệm của phụ huynh học sinh. Đặc biệt, ngành GD-ĐT TP đã triển khai hệ thống phòng họp trực tuyến trong toàn ngành mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu nâng cao chất lượng và đổi mới giáo dục.

Là địa phương đi đầu trong việc thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường, đến nay chương trình này đã mở rộng đến đâu?


Triển khai từ năm 2000, đến nay chương trình tiếng Anh tăng cường đã thu hút 30% học sinh của TP tham gia. Mục đích của chương trình là tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh TP trang bị kỹ năng ngoại ngữ để các em có thể sử dụng trong giao tiếp, hỗ trợ việc học tập, đặc biệt là việc đọc các tài liệu tiếng Anh. Việc tạo môi trường, điều kiện cho học sinh TP học tiếng Anh chất lượng tốt, kinh phí thấp đã mang lại hiệu quả phổ cập, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông, giúp các em tiếp cận trình độ theo chuẩn quốc tế. Năm qua, Sở GD-ĐT đã thí điểm tuyển dụng giáo viên bản ngữ đến giảng dạy tiếng Anh tại các trường phổ thông trên địa bàn TP, trong đó có giáo viên người Philippines. Việc tuyển dụng giáo viên bản ngữ đến các trường phổ thông giảng dạy sẽ tạo môi trường sử dụng tiếng Anh chuẩn cho học sinh.

Thế nhưng, hiện mới có 30% học sinh TP được tiếp cận chương trình tiếng Anh tăng cường cũng như học tiếng Anh với người nước ngoài? Làm thế nào để học sinh ngoại thành có cơ hội học tiếng Anh tốt hơn?


Trong thời gian tới, với việc thực hiện Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP, học sinh TP nói chung sẽ được học tiếng Anh miễn phí hoặc phụ huynh phải đóng góp một phần nhỏ kinh phí với chất lượng cao, đảm bảo các em đạt được chuẩn kiến thức theo các tiêu chuẩn quốc tế sau khi ra trường.

Ngành GD-ĐT TPHCM có giải pháp đột phá như thế nào để thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục trong thời gian tới?

Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, mang tính chiến lược của TPHCM và mục tiêu đổi mới giáo dục mà Bộ GD-ĐT đề ra, TPHCM xác định phải xây dựng TP thành một trung tâm lớn về GD-ĐT chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Để nâng cao chất lượng đào tạo trong giai đoạn mới, phải quan tâm phát triển nhanh nhưng đảm bảo bền vững ở tất cả các cấp học, sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém, bất cập. Hoàn thiện cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp, đảm bảo đến năm 2020 đạt chỉ tiêu có 300 phòng học trên tổng số 10.000 người dân trong độ tuổi đi học (kể cả không có hộ khẩu TP).

Bên cạnh đó, đề cao đạo đức và trách nhiệm đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đối với sự nghiệp GD-ĐT thế hệ trẻ; tập trung đổi mới toàn diện nội dung và phương thức giáo dục. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp ở các bậc học, huy động mọi nguồn lực vào việc đầu tư cho ngành GD-ĐT, trong đó chú trọng các vấn đề chính sách xã hội trong giáo dục, đảm bảo không để trẻ em nào trong độ tuổi đi học không được đến trường. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, phát huy vai trò thế mạnh của một trung tâm giáo dục trình độ cao của khu vực phía Nam. Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP; tăng cường liên kết quốc tế, trao đổi và học tập kinh nghiệm để nâng cao hệ thống GD-ĐT của TP…

Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng