Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

Tin liên quan:

tot_nghiep_dh_harvard_di_lam_xe_om

Anh ojek (xe ôm) Putra.


Một người tốt nghiệp đại học Harvard danh tiếng đã lập ra một công ty xe ôm để giải quyết phần nào “quốc nạn” tắc đường tại Jakarta, Indonesia.

 

Người Jakarta không mơ mộng, họ không hy vọng sẽ giải quyết được nạn tắc đường trong ngày một, ngày hai bằng một hoặc hai giải pháp. Điều quan trọng với họ là những biện pháp thiết thực để làm quen với hiện trạng giao thông đó.

Những Rossi của đội đua GO - JEK

Ojek (xe ôm - tiếng Indonesia) ở Jakarta chạy nhanh không thể tưởng, đúng như tay đua Valentino Rossi, loáng cái đã đến nơi cần đến. Ngôi chợ khổng lồ nằm trên quảng trường trước Bảo tàng Jakarta có thể đáp ứng nhu cầu mua bán của bất cứ ai.

 

Khi tôi mang chiếc áo đặc trưng của đảo Java ra khoe rồi báo luôn giá là 300.000 rupi thì anh xe ôm tên Putra giật cái áo tôi đang cầm, hầm hầm quay lại nơi bán hàng. Chả biết hai bên cự cãi nhau cái gì nhưng mấy anh bán hàng quần áo quây Putra lại, anh xe ôm xem ra yếu thế chạy ra đường vẫy vẫy mấy cái, lập tức có hơn chục chiếc xe ôm ngay gần đấy lao đến.

 

Mấy anh bán hàng lại bị áp đảo, cu cậu bán chiếc áo cho tôi vội vã móc tiền ra đưa Putra. Putra cầm áo, cầm tiền đưa cho tôi, cả thảy 150.000 rupi rồi anh ta rối rít bằng tiếng Anh bập bẹ: “Only make bad - Indonesia good” (dịch nôm là "có mỗi anh chàng bán hàng kia xấu thôi, còn cả nước Indonesia là tốt cả"). Hóa ra tôi bị “chăn tiền”, chiếc áo bị đội giá lên gấp đôi nên Putra đã vào đòi lại tiền cho tôi, còn mấy anh xe ôm đến “đánh hôi” là người cùng Công ty xe ôm GO - JEK.

 

Từ chối món tiền “boa” của tôi nhưng Putra đưa cho tôi một địa chỉ trang mạng. Về nhà kiểm tra thì trang mạng này được chia sẻ trên GO-JEK Twitter, cho phép khách hàng có thể bình chọn “Lái xe ôm của tháng” và Putra muốn tôi bình chọn cho anh ta.

 

Công ty xe ôm GO - JEK do Makarim, tốt nghiệp Đại học Harvard của Mỹ với tấm bằng quản trị kinh doanh lập ra. Đây là công ty đầu tiên điều hành dịch vụ xe máy ôm một cách chuyên nghiệp.

 

Trụ sở của công ty này nằm trên tầng 16 của một tòa cao ốc sát Quảng trường Monas. Khi chúng tôi đến nơi, cô thư ký cho biết, Makarim đang công tác ở Mỹ. Cô cũng đề nghị chúng tôi để địa chỉ lại. Không ngờ chỉ đến buổi tối, Makarim đã liên lạc lại qua chat. Hóa ra Makarim năm nay mới 28 tuổi.

 

Doanh nhân trẻ này thẳng thắn: “Vấn đề tắc đường tại Jakarta sẽ không thể được giải quyết trong 10 năm tới. Bên cạnh việc thay đổi hệ thống giao thông thì việc làm quen với hệ thống giao thông là điều quan trọng không kém, bởi thế người Jakarta sẽ cần một hình thức di chuyển nhanh hơn, thuận tiện hơn và có thể chấp nhận được về chi phí”.

 

Khi tôi hỏi, sự ra đời của công ty xe ôm này liệu có chặn đường sống của các ojek đường phố, Makarim tự tin: “Vai trò của chúng tôi không phải chỉ để cạnh tranh với những lái xe ôm tự do trên đường phố, mà sẽ còn cạnh tranh khốc liệt với các loại hình dịch vụ giao thông khác. Nếu các xe ôm đường phố không muốn đơn độc, họ nên gia nhập vào đội ngũ GO - JEK”.

 

Lái xe ôm tại công ty này kiếm được khoảng 150.000 rupi (350.000 đồng Việt Nam) một ngày. Tuy nhiên, mức thu nhập sẽ còn tăng lên khi Makarim cho biết: "Công ty sẽ làm thêm các dịch vụ giao hàng để tận dụng thời gian \'ế khách\' của các ojek".

Xe lam, tuk tuk và bajar

Sau khi đến Jakarta lần này, tôi thấy quả thực mình là người “may mắn”. “May mắn” vì mình đã được sống, được chứng kiến những nơi tắc đường kinh khủng nhất thế giới: Bangkok, Hong Kong, Jakarta và Hà Nội (tất nhiên).

 

Cố tìm những điểm chung và riêng thì không thấy có sự khác biệt lắm giữa những nơi này, trừ một điều: duy nhất có Việt Nam cấm loại xe của nhà nghèo, nhà nghèo thực sự, Thái Lan thì gọi đó là xe tuk tuk, Hong Kong gọi là xe ba bánh, Việt Nam là xe lam và Jakarta là xe bajar. Tên gọi tuy khác nhau nhưng đặc điểm chung của các loại xe này là: các bộ phận, phụ kiện giảm tới mức tối thiểu để chở được số người tối đa, hình dáng xe nhỏ bé tối thiểu để có thể linh hoạt đi lại một cách tối đa.

tot_nghiep_harvard_di_lam_xe_om

Sự xuất hiện của xe bajar đã tháo gỡ phần nào cho tình hình giao thông Jakarta.

 

Đây là loại xe được bà con lao động đặc biệt ưa thích, đơn giản vì chi phí của nó rẻ. Nó rẻ nên tất nhiên nó xấu, đó là điều không phải bàn cãi. Và đó chính là một trong những lý do để nó bị cấm tại Việt Nam vì “làm mất mỹ quan đô thị”, cùng chung số phận với nó là những người bán hàng rong.

Nếu lấy “mỹ quan đô thị” ra làm căn cứ để ban hành lệnh cấm xe ba bánh, cấm bán hàng rong thì Hà Nội ta sao dám so với Bangkok, lại càng không thể so với Hong Kong, duy Jakarta thì còn có thể dám so sánh tí chút. Nhưng sao họ không những không cấm mà còn khuyến khích người dân sử dụng phương tiện này?

 

Tình hình tắc đường trầm trọng hơn nên xe ba bánh của Jakarta cũng nhỏ gọn nhất so với các loại xe lam, tuk tuk… kia. Chiếc xe bajar chỉ nhỉnh hơn chiếc xe máy @, SH ở Việt Nam đôi chút nhưng lúc nào cũng nhét được đủ 4 khách người lớn, trẻ con không kể. Mà cứ phải đủ 4 khách mới chạy, không phải bởi Jakarta có luật xe bajar phải đi 5 người trở lên (kể cả bác tài) mà bởi đi với 3 người khách có khi mất lãi. Nếu ở Việt Nam thì 4 chị lao động chạy chợ ấy sẽ di chuyển trên 4 chiếc xe máy hoặc 4 chiếc xe đạp chở hàng cồng kềnh. Tha hồ mà tắc.

 

Bác tài xế xe bajar tên Kham Pi cho biết: "Giá thành một chiếc xe này khoảng trên dưới 10 triệu rupi (khoảng 25 triệu đồng Việt Nam), nhưng dân nghèo Jakarta có thể dễ dàng sở hữu ngay chiếc cần câu cơm này. Nếu vay tiền ngân hàng thì chỉ cần có 2 triệu rupi đặt cọc, ngân hàng sẽ cho vay và dùng chính chiếc xe đó làm vật thế chấp".

 

Rõ ràng, những người dân lao động nghèo ở Jakarta được khuyến khích sử dụng và sở hữu loại xe này để đối đầu với nạn tắc đường đang trầm trọng. Tất nhiên, khi đối đầu với “quốc nạn” tắc đường, nước bạn đã mạnh dạn bỏ qua chuyện “mỹ quan đô thị” để tập trung cho mục tiêu chính: đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân nhưng giảm đối đa có thể các loại phương tiện giao thông lưu thông trên đường.

 

Được hỏi về chuyện sẽ ra sao, nếu chính quyền Jakarta cấm lưu thông xe bajar, thì mấy bác tài ở đây cười phơi lợi nhưng đầy tự tin: “Chúng tôi không đồng ý đâu? Sẽ không có lệnh cấm nếu chúng tôi không đồng ý”.

 

Sự tự tin, chủ động của những người lao động nghèo nước bạn trước những quyết sách của chính quyền đã buộc tôi phải suy nghĩ rất nhiều.

 



Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (Tienphong)
Bài: Tốt nghiệp Harvard đi làm xe ôm