Hơn 300 học sinh lớp 9 và 10 thi chung một phòng

Đó là cách làm mới của Trường THCS-THPT Đinh Thiện lý, quận 7, TP.HCM áp dụng cho kỳ kiểm tra học kỳ 1 năm học 2016-2017 này.

Kỳ kiểm tra đã bắt đầu từ ngày 16 và sẽ kéo dài đến hết 22-12. Đây cũng là năm đầu tiên trường này thí điểm mô hình kiểm tra chung hai khối tại phòng đa năng với 330 em dự thi, trong đó học sinh (HS) khối 9 là gần 200 em.

Phòng thi bố trí nhiều dãy bàn ghế với sức chứa khoảng 350 chỗ ngồi. Mỗi môn sẽ có 12-14 giám thị được huy động để làm công tác coi thi, giám sát HS trong và ngoài phòng thi.

Nói về cách triển khai mới này, thầy Nguyễn Hồ Trung, tổ trưởng chuyên môn của trường và cũng là người điều hành kỳ kiểm tra này, cho biết trường muốn thí điểm cách làm này với mong muốn có được kỳ kiểm tra đảm bảo tính nghiêm túc hơn so với cách tổ chức ở từng phòng học. Trường cũng muốn rèn luyện cho các em tinh thần trung thực và nghiêm túc, hạn chế gian lận trong thi cử.

“Mặc dù mới lạ nhưng qua buổi kiểm tra đầu tiên cuối tuần qua cho thấy các em không quá bỡ ngỡ. HS làm bài nghiêm túc, mọi công tác chuẩn bị đều khá suôn sẻ và kỹ lưỡng, từ phát đề và thu bài làm, quan sát HS trong phòng và HS ra vào trong khi làm bài... Nhà trường sẽ có đánh giá cụ thể giữa hai hình thức cũ và mới để có kế hoạch tiếp theo” - thầy Trung nói.

Theo thầy Trung, ngoài kiểm tra tập trung, phòng đa năng này cũng dành để tổ chức kiểm tra tiếng Anh theo trình độ cho HS toàn trường. Đây cũng là cách tổ chức học tiếng Anh mới của trường. Ngoài chương trình tiếng Anh của Bộ GD&ĐT, HS toàn trường sẽ được khảo sát năng lực để xếp lớp theo trình độ khung năng lực như A1, B1... Những em cùng trình độ sẽ được học và kiểm tra chung với nhau.

Tổng hợp tin tức giáo dục - tuyển sinh nổi bật ngày 19/12/2016

Năm 2017: TP.HCM sẽ thu học phí qua thẻ học đường

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, đến nay, sau hơn 2 năm triển khai thí điểm, mô hình này đã được triển khai tại 40 trường THCS và THPT trên địa bàn TP, kết quả thu được khá tích cực. Các ngân hàng tham gia chương trình đã phát hành được trên 47.000 thẻ với tổng số tiền thu học phí qua thẻ đạt 132 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Lê Hoài Nam đã thông tin về kế hoạch triển khai các giải pháp tài chính trong năm 2017 của ngành giáo dục TP. Trong đó, đáng chú ý là việc triển khai mở rộng Đề án Thẻ học đường SSC.

Ông Nam cho biết, thẻ học đường SSC là sản phẩm thẻ thông minh, được gắn thêm chip để lưu trữ thông tin học sinh. Đây là thẻ phụ được phát hành dựa trên tài khoản chính của phụ huynh, có chức năng đóng tiền học phí, các khoản khác thông qua máy POS được lắp đặt tại trường hoặc ngân hàng.

Việc áp dụng thẻ SSC đã giúp phụ huynh thanh toán chủ động thanh toán học phí đúng thời hạn; hạn chế học sinh tiếp xúc với tiền mặt;  nhà trường giảm bớt áp lực về nhân sự và thời gian trong mỗi đợt thu học phí.

Với những kết quả đã đạt được, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, đến tháng 2/2017, ngành giáo dục TPHCM đề ra mục tiêu phấn đấu thực hiện 100% thu học phí qua ứng dụng Thẻ học đường SSC.

Để phát huy hết tiềm năng của ứng dụng này, thời gian tới, ngành giáo dục TP sẽ tăng cường truyền thông để tất cả giáo viên, phụ huynh và học sinh nắm bắt thông tin đầy đủ, chính xác về chủ trương, cách thức thực hiện… nhằm tạo sự đồng thuận.
Cũng theo Sở GD-ĐT TPHCM, bên cạnh phương án nêu trên, năm 2017, ngành giáo dục TP sẽ triển khai nhiều giải pháp tài chính khác, như: Giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên, nhân viên ngành giáo dục; Giải pháp tài chính hỗ trợ hiện đại hóa nhà trường.

Sở GD-ĐT TP sẽ phối hợp với các ngân hàng, triển khai phát hành thẻ tín dụng ưu đãi cho giáo viên, hạn mức trung bình từ 200 - 300 triệu đồng nhằm giúp thầy cô chủ động hơn về tài chính, chi tiêu sinh hoạt.

Các trường đại học khó tự chủ vì nỗi lo tài chính

Nhiều trường đại học đang thu học phí không được nhiều nên không có khả năng đầu tư cho sự phát triển của trường...

Hiện nay, Việt Nam có 239 cơ sở giáo dục ĐH (trong đó cơ sở giáo dục ĐH công lập chiếm khoảng 75%). Để giảm chi ngân sách Nhà nước và đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với một số cơ sở giáo dục ĐH công lập.

Trước khi có Nghị quyết 77, việc tự chủ ở các trường ĐH thực hiện dựa chủ yếu theo hình thức đảm bảo hoạt động chi thường xuyên cho các trường. Từ khi có Nghị quyết 77 đến nay, việc giao quyền tự chủ một cách mở rộng hơn về tài chính, nhân sự, nghiên cứu khoa học, đầu tư cơ sở vật chất... được thực hiện thí điểm ở 15 trường ĐH. Trường được phê duyệt sớm nhất mới triển khai thí điểm được 2 năm, trường muộn nhất được vài tháng.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai tự chủ ĐH theo Nghị quyết 77 đã cho thấy một số vấn đề bất cập. Đó là hiện nay đang thiếu văn bản quy định riêng cho các trường tự chủ. Chủ yếu hiện nay, các trường vẫn dựa trên quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Là trường ĐH có uy tín, được xã hội thừa nhận, ĐH Ngoại thương đang thực hiện mô hình tự chủ theo hướng toàn diện.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương cho biết, hiện nay, chúng ta còn nhiều trường ĐH trực thuộc các Bộ, ngành, UBND các địa phương. Tuy nhiên, một số Bộ, ngành lại quy định những chính sách, văn bản quy định riêng nên vô hình chung đã hạn chế quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.

Ngoài ra, các trường đã thành lập Hội đồng trường bước đầu xuất hiện một số vấn đề trong phối hợp giữa Hội đồng trường, Ban giám hiệu và Đảng ủy. Vì vậy, gianh giới đến đâu là vừa hợp lý và có thể phát huy vai trò của các tổ chức trong nhà trường là vấn đề cần nghiên cứu thêm.

Một vấn đề khác cần lưu ý là các trường được tự chủ đang đối diện hiện nay là họ vẫn hoạt động dựa trên việc thu học phí của sinh viên nhưng thu vẫn theo mức trần quy định nên không tăng được nhiều và không có khả năng tích lũy để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và đào tạo đội ngũ giảng viên.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn đề nghị Bộ GD-ĐT cần có tổng kết đánh giá thí điểm tự chủ ở các trường ĐH. Một số khó khăn vướng mắc của các trường ĐH cần được Bộ GD-ĐT và các Bộ, ngành liên quan xem xét giải quyết kịp thời. Việc thực hiện tự chủ nên cho phép kéo dài thời gian thí điểm đến năm 2020.

Các văn bản quy định của Nhà nước cần được rà soát và đưa ra quy định khác nhau theo mức độ tự chủ của các trường đại học. Cần có nghiên cứu đánh giá đúng về phát huy vai trò của Hội đồng trường trên thực tế, quan hệ giữa Hội đồng trường, Ban giám hiệu và Đảng ủy.

Không nên giới hạn quyền tự chủ của các trường đại học mà thay vào đó thực hiện quản lý và giám sát bằng các tiêu chuẩn, tiêu chí chất lượng.

Các cơ quan Nhà nước cũng nên nghiên cứu về miễn thuế cho các trường ĐH tự chủ đối với các khoản thu phí và lệ phí sau khi các khoản này thực hiện theo cơ chế giá theo Luật Phí và Lệ phí số 97/2015/QH13 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Các cơ quan nên nghĩ tới việc miễn thuế cho các trường đối với những khoản thu lãi ngân hàng để các trường dành kinh phí cho đào tạo và hỗ trợ sinh viên.

Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc

Hiện nay, ĐH An Giang đã có 8 đơn vị được tự chủ. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện cho thấy, trường vẫn phải chi trả theo quy định tài chính của Nhà nước, hiệu trưởng chỉ được chi theo quy định cho phép. Đó còn là chưa tính đến việc trường ĐH tự chủ là phải tự quyết về việc nghiên cứu học thuật. Như vậy, mặc dù được phép tự chủ nhưng việc tự chủ bị hạn chế, không được thực hiện một cách đúng nghĩa.

Ông Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng ĐH An Giang kiến nghị, để các trường ĐH sẵn sàng tham gia vào việc tự chủ và hiệu trưởng sẵn sàng chịu trách nhiệm trước mọi hoạt động của nhà trường thì cả hệ thống chính trị và cơ quan quản lý Nhà nước phải vào cuộc như có những văn bản quy định quyền tự chủ và trách nhiệm rõ ràng.

Có như vậy, nếu hiệu trưởng nào cảm thấy trường mình tự chủ được thì sẵn sàng tham gia, còn nếu trường nào cảm thấy làm được thì tự “rút lui” và trường nào không tuyển được sinh viên vào học thì cũng nên tính đến việc giải thể.

Mặc khác, việc kiểm định chất lượng phải có chế tài mạnh mẽ thì các trường ĐH mới ý thức được trách nhiệm của mình đối với việc tự chủ./.

Phát biểu tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Bùi Quang Tiên  đánh giá cao các giải pháp tài chính đang triển khai trong hệ thống giáo dục tại TPHCM, đặc biệt là việc triển khai Thẻ học đường SSC. Theo ông Vinh, đây là công tác mới nhưng hiệu quả bước đầu thu được là rất khả quan, tích cực.

Thời gian tới, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng lưu ý ngành giáo dục TPHCM và các đơn vị liên quan, quá trình mở rộng đề án cần phối hợp chặt chẽ, có giải pháp đảm bảo an ninh - an toàn thông tin cao nhất cho người dùng thẻ.

Địa phương có sách giáo khoa riêng, học sinh khiếm thị càng khó khăn

Ngày 15.12, tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) diễn ra hội thảo nâng cao năng lực học tập cho người khiếm thị ở VN. Các giáo viên cho biết sách là vấn đề khiến các trường gặp nhiều khó khăn do phải tự xoay xở.

Bà Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, cho biết: “Khi Bộ GD-ĐT ra sách giáo khoa mới thì trường phải tự biên soạn và in thành sách chữ nổi. Sau đó, chia sẻ các bộ sách này cho các trường phổ thông đặc biệt ở các tỉnh thành khác. Một bộ máy in sách chữ nổi trị giá 400 - 500 triệu đồng, kèm theo những phụ tùng đắt tiền nên không phải trường nào cũng mua được. Nguồn kinh phí làm sách cho học sinh khiếm thị chủ yếu dựa vào tài trợ của một số tổ chức từ thiện".

Ngoài ra, trước quy định cả nước sẽ áp dụng bộ sách giáo khoa mới từ năm 2018, đồng thời các tỉnh, thành có quyền lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp nên các trường khiếm thị càng gặp khó. “Nếu như TP.HCM sử dụng bộ sách của TP và chúng tôi làm sách nổi theo nội dung này thì khó khăn trong việc chia sẻ với các địa phương khác”, bà Vân nêu thêm.

Do vậy, vị hiệu trưởng trên đề nghị: "Nếu được, Nhà xuất bản Giáo dục sau khi biên tập các bộ sách mới thì chuyển dữ liệu cho chúng tôi để giáo viên biên soạn lại. Các trường có máy in sẽ làm sách cho mình và các trường bạn. Chúng tôi rất cần người điều phối, vì như hiện nay rất bị động”.

Tổng hợp