Tin tức: GIÁO DỤC / DU HỌC / TUYỂN SINH / HỌC BỔNG / TRƯỜNG QUỐC TẾ

Mỗi ngày có hàng triệu học sinh bán trú ăn trưa tại trường. Và mỗi ngày cũng xuất hiện chừng đó nỗi lo của phụ huynh khi chất lượng bữa ăn mỗi nơi một kiểu, “hậu trường” bữa ăn hiếm được công khai.


Tại nhiều trường mầm non, tiểu học, điều phụ huynh lo ngại nhất chính là việc bữa ăn thực tế không giống với thực đơn trường công khai. Có phụ huynh ngỡ ngàng phát hiện phần ăn xế của con được ghi “mì thịt bằm” nhưng trên thực tế là... một chén mì ăn liền mà không hề thấy bóng dáng của thịt. Hay những món ăn được đặt tên rất mỹ miều là canh ngũ sắc thật ra chỉ là một chén xúp lõng bõng nước.

 

Tình trạng báo động thức ăn học đường, Dinh dưỡng học đường, thứ ăn, thức ăn ở trường học, đồ ăn trên lớp học, tuoi tre

Thực đơn canh thịt, thực tế canh rau

Những kiểu thực đơn một đằng bữa ăn một nẻo không phải hiếm. Chị Phượng, phụ huynh có con học một trường mầm non tư thục ở Thủ Đức với mức tiền ăn đóng cho nhà trường 35.000 đồng/ngày (chưa kể sữa), cho biết: “Những lần trường tổ chức cho phụ huynh tham quan bữa ăn của trẻ thì thực đơn rất tươm tất, có cả hình thức buffet cho các bé chọn món. Nhưng vừa rồi tôi có công việc phải ghé đón con buổi trưa mới thấy bữa ăn của con khác hoàn toàn với thực đơn. Thay vì canh bí đỏ thịt bằm như bảng thực đơn công khai thì là canh bầu và không có thịt, nước trong veo như nước luộc. Tôi hỏi các cô thì được trả lời là thực đơn thay đổi đột xuất, mai sẽ ăn bù lại”. Chị Ngọc, phụ huynh có con học lớp 8 một trường THCS ở Q.Gò Vấp, than: “Con tôi nói bữa ăn ở trường rất hiếm khi giống với bảng thực đơn niêm yết, món rau và đồ tráng miệng thỉnh thoảng lại biến mất”.

Trưởng phòng GD-ĐT một quận vùng ven TP.HCM kể có lần đi thực tế ở một trường tiểu học, cán bộ phòng GD-ĐT đã phát hiện bữa ăn của học sinh bị “xà xẻo” quá nhiều. Với mức thu 20.000 đồng/ngày (năm học trước - PV) dành cho bữa trưa và bữa xế, mà bữa trưa mỗi phần cơm chỉ có một trứng vịt, hai lát thịt mỏng và nhỏ như ngón tay út, canh bầu chỉ thấy nước trong và hai, ba lát bầu mỏng, bữa xế mỗi học sinh được một chiếc bánh mì ngọt giá 3.000 đồng. Nhà cung cấp bữa ăn giải thích: trong tuần có bữa này bữa kia, bữa ít bữa nhiều. Nhưng đó là một lần bắt gặp, còn những lần khác có bù vào hay không thì... chỉ có nhà trường mới biết. Vị trưởng phòng này còn kể: có trường đặt bữa ăn công nghiệp mà chấp nhận cả việc chuyên chở bằng xe máy, thức ăn, chén, đĩa... được cột lại một cách tạm bợ, chở đi ngoài đường và hứng bao nhiêu khói, bụi rất mất vệ sinh.

Đồng giá, khác chất lượng

So sánh giữa bữa ăn của các trường là không thể tránh khỏi đối với mỗi phụ huynh có con đang học bán trú hay nội trú. Chúng tôi tham khảo giờ ăn trưa ở hai trường phổ thông tư thục nhiều cấp học tại hai quận Tân Bình và Bình Thạnh, TP.HCM. Cả hai trường này đều có mức thu tiền ăn cho học sinh nội trú là 100.000 đồng/ngày (bao gồm bữa sáng, trưa và tối, trong đó bữa trưa và tối dao động 35.000-40.000 đồng/bữa).

Phần ăn trưa ở Trường Đ (Bình Thạnh) được dọn chung với tiêu chuẩn mỗi bàn một thố cơm, hai đĩa đậu côve, cà rốt xào bò, một đĩa cá kho (sáu miếng), một đĩa gà rán (sáu miếng), một thố canh thịt bằm nấu bầu, tráng miệng bằng chè. Riêng cơm và canh không giới hạn. Ăn hết, học sinh tự múc thêm cơm và canh.

Ngược lại, tại Trường H (Tân Bình), bữa trưa của mỗi học sinh được dọn ra khay đựng thức ăn bằng nhựa, trong đó có một phần cơm, một khúc cá chiên, một phần canh rau và tráng miệng bằng hai trái chôm chôm. Cơm và thức ăn đều được định lượng sẵn trên khay khá nguội vì bảo mẫu đã dọn sẵn từ trước giờ ăn khoảng 30 phút. Một học sinh ở đây cho biết: “Hôm nào đói em ăn hết phần ăn của mình, còn hôm nào nắng nóng, mệt mỏi thường bỏ dở hoặc ráng vài muỗng cho qua bữa”. Một số học sinh khác tỏ ra không hào hứng khi ăn cơm ở trường, nhưng cũng không phản bác vì “đã học nội trú thì phải chịu thôi”.

Trong khi đó, những trường áp dụng hình thức suất ăn công nghiệp, phụ huynh và học sinh càng kêu trời. Chị Loan, một phụ huynh có con học trường tư thục quốc tế, thuộc một hệ thống trường quốc tế khá đông học sinh tại TP.HCM, kể: “Một hôm đến trường vào buổi trưa, tôi giật mình khi thấy thực đơn niêm yết: cơm trắng, chả cá xốt cà, đậu côve xào thịt bò, canh cải thịt bằm nhưng xem kỹ thì mỗi phần ăn chỉ có hai miếng chả cá nhỏ, đậu côve xào không có thịt bò, có canh cải nhưng không có thịt bằm...”.

Theo ông Nguyễn Đặng Hương, hiệu trưởng Trường THCS Bàn Cờ (quận 3), một trường có hơn 400 chỗ học bán trú, tổ chức bữa ăn công nghiệp giải quyết được rất nhiều vấn đề của những trường không có bếp ăn, vừa tiết kiệm được thời gian vừa giảm được nhân sự cho nhà trường. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đó, nhiều phụ huynh lo lắng về chất lượng bữa ăn công nghiệp khi thức ăn được nấu từ rất sớm, khoảng thời gian vận chuyển khá lâu dễ gây ra nguy cơ ôi, thiu thức ăn. Và điều phụ huynh lo nhất là tỉ lệ “hoa hồng” từ các nhà cung cấp suất ăn đang ngày này qua ngày khác “ăn” vào bữa ăn của học sinh.

Ăn theo định tính

Theo một bác sĩ ở Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, đối với bữa trưa ở trường, học sinh cần 30-35% nhu cầu calo trong ngày, bữa xế cần 10-15% nhu cầu calo trong ngày.

Cũng theo bác sĩ này, hiện ở bậc mầm non các trường có hẳn một bộ phận chuyên trách về nuôi dưỡng (được chỉ đạo thông suốt từ sở GD-ĐT xuống phòng GD-ĐT rồi xuống các trường) nên khẩu phần ăn của các cháu được tính toán rất kỹ lưỡng. Nhưng từ bậc tiểu học đến THCS, THPT, hiện các trường mới tổ chức bữa ăn theo định tính: tức là bữa ăn có chất bột đường là cơm, phở...; có chất đạm là thịt, cá; có chất khoáng, vitamin là rau, củ... chứ chưa tính toán một cách cụ thể học sinh cần bao nhiêu calo, bao nhiêu protein... trong bữa ăn ở trường. Hiện nay các trường tiểu học, THCS, THPT thiết kế bữa ăn cho học sinh chủ yếu dựa vào mức tiền ăn mà phụ huynh đóng cho trường chứ chưa chú ý đến nhu cầu dinh dưỡng của các em.

Tin HOT: ti le choi, ty le choi, du hoc my, du hoc anh, du hoc uc, du hoc singapore, tieng anh, hoc tieng anh, thi tot nghiep, diem thi tot nghiep thpt, diem thi dai hoc, diem chuan dai hoc, diem chuan, diem thi

Kênh Tuyển Sinh (Theo: Tuoitre)