Tinh giảm chương trình giáo dục phổ thông

Xây dựng cơ sở dữ liệu về nhu cầu của thị trường lao động

Theo Bộ GD&ĐT, hiện nay cơ cấu phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông còn bất hợp lí; học sinh có nguyện vọng học trường nghề rất ít.

Theo số liệu thống kê từ các địa phương, mỗi năm có khoảng 1.200.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung học phổ thông chiếm khoảng 70%; vào học bổ túc trung học phổ thông khoảng 8%; học trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề khoảng 5%; tham gia vào thị trường lao động khoảng 15%.

Số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm vào học đại học, cao đẳng chiếm khoảng 50%; vào học trung cấp chuyên nghiệp chiếm khoảng 20%; phần còn lại vào học nghề hoặc tham gia thị trường lao động.

Để đẩy mạnh phân luồng học sinh để định hướng nghề nghiệp, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về nhu cầu của thị trường lao động nhằm cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực của địa phương và cả nước phục vụ công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

Tăng cường phân cấp, giao quyền chủ động cho các địa phương, cơ sở giáo dục trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế ở địa phương.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm tinh giảm chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tích hợp hoạt động giáo dục vào môn học gắn với thực tiễn, coi trọng việc giáo dục đạo đức, giáo dục giá trị và kỹ năng sống cho học sinh.

Đổi mới mạnh mẽ phương pháp và hình thức giáo dục hướng nghiệp theo hướng mở, hiện đại, đa dạng hóa, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học.

Thí điểm đổi mới giáo dục hướng nghiệp

Từ năm học 2017-2018 sẽ lựa chọn 10 tỉnh/thành phố có điều kiện phù hợp để triển khai thí điểm đổi mới nội dung và phương thức giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Sau đó nghiên cứu, đánh giá tổng kết và nhân rộng.

Đặc biệt, thí điểm bố trí biên chế, tổ chức đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên hướng nghiệp/cán bộ tư vấn nghề nghiệp cho các trường/cụm trường ở các địa bàn có nhu cầu phù hợp.

Ban hành khung chính sách về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông để triển khai thí điểm tại 10 tỉnh/thành phố triển khai thí điểm.

Phối hợp với các cơ quan quản lý lao động, các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động giới thiệu về các cơ hội việc làm, các yêu cầu đối với nghề nghiệp giúp học sinh và giáo viên cập nhật thông tin.

Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục trung học thực hiện việc tư vấn nghề; thực hiện thí điểm mô hình kết hợp dạy văn hóa phổ thông và dạy nghề.

Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và phân luồng, định hướng nghề nghiệp hiệu quả.

Theo Dân trí