>> Giáo dục, đào tạo, thông tin tuyển sinh, học đường

Giãn thời gian thu học phí đối với SV nghèo

Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các cơ sở giáo dục. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý vừa yêu cầu các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ, TCCN có chính sách giãn thời gian thu học phí và các khoản thu khác đối với học sinh sinh viên thuộc diện được vay để chờ thủ tục giải ngân của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng được vay vốn là HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường ĐH, CĐ, TCCN và tại các cơ sở đào tạo nghề. Những đối tượng này bao gồm: HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; HSSV là thành viên của hộ nghèo, hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo; HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Tin tức giáo dục tuyển sinh ngày 14/10 | Tin nhanh giáo dục

Tin tức giáo dục tuyển sinh ngày 14/10 | Tin nhanh giáo dục

Từ ngày 1-8-2013, mức cho vay tối đa đã được nâng lên là 1,1 triệu đồng/tháng/HSSV. Để được vay vốn, HSSV phải có giấy xác nhận của trường. Thực hiện chương trình tín dụng HSSV năm học 2013-2014, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường cấp giấy xác nhận và xác nhận nhanh chóng, chính xác, đầy đủ thông tin cho HSSV vay vốn tín dụng đào tạo theo đúng mẫu giấy xác nhận mới nhất hiện hành. Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi trong việc ký xác nhận cho HSSV vay vốn tín dụng đào tạo, hiệu trưởng các trường có thể ủy quyền cho lãnh đạo đơn vị phụ trách công tác HSSV hoặc cơ sở đào tạo chính thức của trường ký xác nhận. Xem thêm tin tức về du hoc tại đây.

Lên lịch thi tốt nghiệp cho sinh viên Trường ĐH Hùng Vương

Theo thông tin của PV Thanh Niên, trong báo cáo của Cơ quan đại diện Bộ giáo dục đào tạo tại TP.HCM gửi lãnh đạo Bộ, thời gian thi tốt nghiệp/bảo vệ khóa luận cho sinh viên Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM dự kiến tổ chức trong khoảng từ ngày 15 - 26.10. Sau đó, các trường sẽ báo cáo kết quả thi vào ngày 14.11.

Về tiến trình xử lý vụ việc, theo bà Tạ Thị Kiều An, Hiệu trưởng tạm quyền Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, trường đã làm việc với 4 trường ĐH: Sài Gòn, Mở, Nông Lâm TP.HCM, Kỹ thuật công nghệ để chuyển sinh viên sang thi tốt nghiệp/bảo vệ khóa luận. Trong tuần này sẽ tiến hành ký hợp đồng để các trường chủ động về thời gian tổ chức thi cụ thể.

Xử lý phản hồi của người học phải khách quan, trung thực

Bộ GD-ĐT vừa ban hành hướng dẫn các cơ sở giáo dục ĐH triển khai việc lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên. Bộ yêu cầu thông tin phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên phải được xử lý khách quan, trung thực và được sử dụng đúng mục đích. Một số tiêu chí đánh giá giảng viên gồm: Trách nhiệm và sự nhiệt tình của giảng viên đối với người học; khả năng trong việc khuyến khích sáng tạo và tư duy độc lập của người học; công bằng trong kiểm tra đánh giá quá trình và đánh giá kết quả học tập của sinh viên…

Bộ sẽ định kỳ kiểm tra, đánh giá các cơ sở giáo dục ĐH trong việc tổ chức lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên.

Việc đào tạo giáo viên giáo dục công dân còn bất cập

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, đến thời điểm đầu năm học 2013-2014, công tác bồi dưỡng giáo viên (GV) giáo dục công dân (GDCD) của cả nước còn nhiều bất cập. Số GV được đào tạo trên chuẩn còn ít.

Các trường cao đẳng sư phạm chủ yếu đào tạo ghép môn (văn - GDCD, sử - GDCD…), trong đó GDCD chỉ chiếm 30% thời lượng trong chương trình đào tạo nên GV khi ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Công tác bồi dưỡng GV GDCD tại địa phương được tiến hành thường xuyên nhưng hiệu quả chưa cao.

Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu đề xuất điều chỉnh chương trình đào tạo đối với GV dạy môn này. Theo đó, đối với chương trình đào tạo GV dạy ghép môn tại các trường sư phạm thì hai môn này phải được coi là môn chính và có thời lượng đào tạo tương đương nhau theo tỷ lệ 50% - 50%. Đối với những GV đã đào tạo theo chương trình với tỷ lệ 70% - 30% thì phải được đào tạo bổ sung để đạt tỷ lệ tương đương.

Đào tạo ngoài chính quy “chết” dần

Việc Bộ GD-ĐT siết chặt đầu vào hệ liên thông và giảm chỉ tiêu đào tạo hệ vừa làm vừa học khiến cả 2 hệ đào tạo rơi vào khủng hoảng. Các đại biểu Quốc hội từng có ý kiến về việc đào tạo hệ ĐH tại chức đã bị thay đổi biến tướng, hệ lụy là sinh viên của một số trường ĐH sau khi tốt nghiệp không được nhà tuyển dụng chấp nhận dẫn đến việc khiếu kiện... Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận chất lượng đào tạo hệ vừa làm vừa học hiện nay còn thấp so với chính quy, chất lượng đầu vào thấp, thời lượng chương trình đào tạo bị cắt xén, các yêu cầu đối với đánh giá người học bị giảm thấp...

Hệ vừa làm vừa học sụt giảm

Thực tế, hệ đào tạo tại chức, nay được gọi là hệ vừa làm vừa học, ngày càng thiếu sức hút. Tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, chỉ tiêu hệ vừa làm vừa học năm 2013 là 400. Đợt 1, trường tuyển 200 chỉ tiêu nhưng rốt cuộc chỉ được 99 sinh viên.

Với con số ít ỏi này, trường chỉ duy trì được 2 ngành đào tạo là kế toán và công nghệ thông tin, các ngành khác phải tạm ngưng. Ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Đào tạo, cho biết tháng 11 tới, trường tuyển tiếp 300 chỉ tiêu nhưng chỉ hy vọng tuyển được 100.

TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, cho hay dù nhu cầu theo học hệ đào tạo vừa làm vừa học khối ngành nông lâm ngư vẫn còn nhưng thực tế, vài năm trở lại đây lượng người học sụt giảm.

TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Quản trị chiến lược Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cũng thừa nhận hệ vừa làm vừa học không còn sức hút như trước kia. Một thời gian dài, hệ đào tạo này bị buông lỏng, cứ thi là đậu, cứ đậu là được cấp bằng... Do đó, dẫn đến việc đào tạo tràn lan khiến hệ này không bảo đảm chất lượng.

Trước tình hình này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết các trường phải giảm chỉ tiêu hệ vừa làm vừa học theo lộ trình. Năm 2012, chỉ tiêu tại chức được xác định bằng 60% chỉ tiêu hệ chính quy, năm 2013 giảm còn 50% và sẽ tiếp tục giảm trong những năm tới.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo các cơ sở đào tạo thực hiện quyết liệt các công việc nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào; xây dựng và công bố chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, kế hoạch đào tạo; xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng hệ vừa làm vừa học. Bộ trưởng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra việc đào tạo hệ vừa làm vừa học tại địa phương.

Tổng hợp từ: Báo Thanh Niên, Báo tuổi trẻ, Báo Tiền phong & Báo Hà Nội Mới