Hàng chục thí sinh đỗ ĐH nhờ phúc khảo

Ban Khảo thí - Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH Huế cho biết, qua phúc khảo cho thí sinh có đơn yêu cầu, 20 trường hợp dự thi vào ĐH Huế năm 2013 bị điểm trượt trước đó đã thành đỗ, với số điểm tăng thêm sau khi xem xét từ 0,25 đến 1 điểm.

Trong số 423 trường hợp có đơn xin phúc khảo, việc yêu cầu soát xét lại điểm môn Toán chiếm đa số, với 193 bài. Đáng chú ý, có 31 bài thi được xem xét lại theo hình thức đối thoại trực tiếp giữa hai giáo viên chấm phúc khảo và hai giáo viên chấm thi trước đó.

Trong số này, có 20 trường hợp từ trượt trở thành đỗ, chủ yếu ở hai môn Toán và Văn. Ngoài ra, có 126 bài thi trắc nghiệm yêu cầu được phúc khảo, nhưng không tăng thêm được điểm. Những bài thi được phúc khảo có tăng điểm là do trước đó, giáo viên chấm thi lần đầu quá chặt chẽ so với đáp án, chấm sót hoặc cộng điểm sai.

Quá tải đơn nộp nguyện vọng 2 tại đại học Huế

TS. Hoàng Hữu Hòa, Trưởng Ban Khảo thí - Kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Huế cho biết tuy còn lâu cho đến hạn cuối nộp hồ sơ nguyện vọng 2 (NV2), tuy nhiên con số đơn nộp tính đến ngày 28/8 đã vượt quá nhiều so với chỉ tiêu lấy vào.

Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh NV2 vào ĐH Huế là 1.460, nhưng hiện đã có hơn 6.000 hồ sơ nộp vào. Còn đến 3 tuần mới tới hạn cuối nộp hồ sơ (ngày 19/9), dự định số hồ sơ sẽ tăng lên tiếp tục.

Có một số ngành điểm chuẩn lấy vào là 13 điểm, nhưng rất nhiều hồ sơ có điểm thi 3 môn trên 15 điểm nên các thí sinh có điểm ngang điểm chuẩn sẽ khó “lách” qua được ngưỡng cửa hẹp vào đại học. Thí sinh nộp hồ sơ NV2 chủ yếu ở khu vực Bắc Trung Bộ như Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An…

Nguyên nhân số hồ sơ nộp quá tải, là do năm nay nhiều thí sinh thi điểm cao hơn điểm sàn. Bên cạnh đó, khác với năm ngoái, mỗi thí sinh có 3 giấy nộp nguyện vọng bổ sung bản chính (đối với thi 1 khối được 3 giấy), và có quyền nộp được 1 lúc.

Về số lượng ảo, năm nay cũng đã hạn chế hơn (năm ngoái thí sinh được nộp giấy photo công chứng). Nhưng dự định, ĐH Huế sẽ chắc chắn lấy tiếp NV3 vì xét trên tổng chỉ tiêu, con số ảo vẫn có, ví dụ như 1 thí sinh thi đậu nhiều trường, nhiều khối.

Ngoài ra, theo TS. Hòa, công việc làm tuyển sinh năm nay kéo dài hơn vì có xét cho các thí sinh thuộc huyện nghèo vào học theo dạng dự bị 1 năm đầu, sau đó đăng ký vào học ĐH. Do số lượng hồ sơ đến nay đã 646 nên công tác kiểm tra hồ sơ (hộ khẩu, giấy tờ về thi đậu tốt nghiệp THPT…) cũng như việc lọc lại một số ngành có điểm cao như ĐH Y - dược mất thời gian đáng kể.

Không thể cấm nữ giáo viên mặc váy đến trường

Đại diện Bộ GD - ĐT đã khẳng định quy định cấm nữ giáo viên mặc váy khi lên lớp tại trường THCS và THPT Việt Trung (Quảng Bình) mới chỉ là dự thảo và đã được bác bỏ.

Sự việc xảy ra tại trường THCS và THPT Việt Trung (Quảng Bình), khi hiệu trưởng ra văn bản cấm nữ giáo viên mặc váy lên lớp.

Theo ông Lê Văn Hà, Hiệu trưởng nhà trường, việc cấm nữ giáo viên mặc váy lên lớp chỉ là một trong nhiều quy định về tác phong của giáo viên và học sinh, nhằm giúp học sinh tập trung hơn trong học tập.

Ông cũng cho rằng quy định này được các giáo viên, học sinh, phụ huynh đồng tình ủng hộ và thực hiện nghiêm túc.

Tuy nhiên, một nữ giáo viên của trường lại tỏ ra bức xúc và cho rằng mọi người đều rất ý thức đến hình ảnh của mình, đặc biệt là trong cách ăn mặc. Cô cũng khẳng định hầu như không ai mặc váy quá ngắn để lên lớp, ngắn nhất cũng chỉ ngang váy công sở.

Vì vậy, việc cấm mặc váy của nhà trường khiến các nữ giáo viên phải thay đổi, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập vì phải bỏ váy, sắm thêm áo quần, bất tiện cho các cô đang mang bầu.

Về sự việc này, trong cuộc họp chuẩn bị năm học mới của Bộ GD - ĐT vào chiều nay (28/8), ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Nhà giáo và Quản lý cán bộ cho biết đã làm việc với lãnh đạo Sở GD - ĐT Quảng Bình và hiệu trưởng nhà trường.

Ông Minh khẳng định: “Hiệu trưởng Lê Văn Hà là người mới chuyển công tác về đây và trong buổi họp đầu tiên của trường đã đưa ra dự thảo quy định cấm giáo viên nữ mặc váy ngắn lên lớp.

Tuy chưa có văn bản chính thức về quy định này nhưng nhiều giáo viên là nữ đã phản đối và không đồng tình với dự thảo trên. Vì vậy, nhà trường không còn triển khai quy định này. Bên cạnh đó chúng ta đã có văn bản quy định về văn hóa công sở và đạo đức nhà giáo, dự thảo này không phù hợp với hoàn cảnh nhà trường” .

Tổng hợp từ: Hà Nội Mới, Infonet, Người Lao động