Hội thi Học sinh giỏi nghề năm 2013

500 thí sinh đến từ 30 trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề tại TP.HCM sẽ tham gia hội thi Học sinh giỏi nghề năm 2013. Đây là lần thứ năm hội thi được Thành đoàn TP.HCM tổ chức nhằm phát hiện những học sinh đam mê, yêu thích học nghề và cổ vũ cho việc học hỏi, nâng cao tay nghề của học sinh trong các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề của TP.

Sẽ có hai phần thi lý thuyết (kiến thức xã hội và chuyên ngành về nghề dự thi) và thực hành với 13 nghề gồm: công nghệ lập trình trên máy điều khiển số CNC, công nghệ ôtô, tiện, điện tử, điện lạnh, điện công nghiệp, cắt may, thiết kế thời trang, thiết kế website, kế toán doanh nghiệp, phục vụ nhà hàng, hướng dẫn viên du lịch, điều dưỡng. Các thí sinh sẽ trải qua vòng thi cấp cơ sở để chọn lựa thí sinh dự vòng thi cấp thành bắt đầu từ ngày 6-4.

Thay đổi thứ tự môn thi tự luận trong kỳ thi đại học

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga vừa ký văn bản hướng dẫn phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013 gửi các trường. Theo đó, năm nay, thứ tự các môn thi kỳ tuyển sinh sắp tới có một số thay đổi so với năm trước. Sự thay đổi này được áp dụng với các khối thi B, C, D.  Các khối A, khối A1, V vẫn giữ nguyên thứ tự môn thi. Cụ thể thứ tự các khối thi như sau: Đối với khối B, môn thi theo thứ tự là Toán, Sinh học, Hóa học (các năm trước thứ tự: Sinh học, Toán, Hóa học); Khối C, thứ tự thời gian các môn thi là Địa lý, Lịch sử và cuối cùng là Ngữ văn (các năm trước là Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý). Khối D, thứ tự thời gian các môn thi lần lượt là Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn (các năm trước thứ tự: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ). Theo Bộ GD&ĐT, mục đích của những thay đổi trên nhằm giúp thí sinh đỡ mệt mỏi, căng thẳng khi phải làm hai bài thi tự luận trong cùng một ngày.

Cách biến điểm yếu thành thế mạnh

Từ một người nhút nhát, rụt rè, nhưng vẫn có thể làm những công việc tiếp xúc với đám đông, vẫn có thể thành công trong cuộc sống nếu biết vượt qua điểm yếu của mình.

Đó là một trong những thông điệp mà các chuyên gia tư vấn trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT đã gửi gắm cho gần 6.000 học sinh (HS) tỉnh Ninh Thuận trong buổi truyền hình trực tiếp Tư vấn mùa thi vào sáng 8.3.

Thiếu tự tin thì học ngành nào?

Không giơ tay xin hỏi trực tiếp, một HS (giấu tên) Trường THPT Chu Văn An gửi giấy lên ban tư vấn, chia sẻ: “Em là người rất nhút nhát, hay run khi đứng trước đông người. Nhưng em lại mong muốn học một ngành nào để sau này đi làm có thể tiếp xúc được với nhiều người. Vậy em phải làm thế nào để loại bỏ tính nhút nhát và có thể học tốt nghề đó?”.

Tiến sĩ Trần Thanh Long, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, lý giải: “Tính nhút nhát xuất phát từ sự ít tiếp xúc hoặc sự hiểu biết về một vấn đề nào đó còn hạn chế. Có một môi trường rất tốt cải thiện được tính này, đó là các em cần tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, các câu lạc bộ để tăng cường giao lưu, hoạt động, học hỏi”. Còn thạc sĩ La Hoàng Dũng, Trường ĐH Sài Gòn, thì khuyên rằng: “Có rất nhiều ngành học giúp các em khắc phục được tính nhút nhát, thiếu tự tin để sau này có thể đứng trước đám đông nói chuyện hoặc giao tiếp với nhiều người, chẳng hạn ngành sư phạm, tâm lý... Trong quá trình học, các em sẽ được học cách điều khiển tâm lý của mình trước đám đông, cách giao tiếp, cách trò chuyện thuyết phục”. Trong khi đó, chuyên gia Châu Minh Quí, Trường ĐH Tài chính - Marketing, chia sẻ kinh nghiệm cá nhân: “Ngày xưa, khi còn nhỏ, tôi cũng rất nhút nhát. Tôi đã xung phong làm lớp trưởng suốt thời phổ thông để có cơ hội trình bày, trò chuyện trước lớp, tiếp xúc với các thầy cô, phụ huynh để rèn luyện sự tự tin. Nhờ vậy mà bây giờ tôi có thể nói chuyện với các em mà không bị run”.

Chuyên gia Châu Minh Quí tư vấn thêm nghề marketing cũng cần tiếp xúc nhiều với khách hàng, giao tiếp nhiều, đòi hỏi kỹ năng thuyết phục đối tác. Ngoài ra, còn có các ngành khác như kinh tế đối ngoại, kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh...