Trường ngoài công lập khó tuyển sinh

Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 5 - TPHCM, cho biết trước năm học 2012-2013, Trường TH-THCS Dân lập Tân Nam Mỹ đã làm đơn xin giải thể do khó khăn trong tuyển sinh. Năm học 2011-2012, trường phải duy trì trong tình trạng khó khăn khi chỉ có khoảng 10 học sinh/lớp.

Việc giải thể trường tư, dân lập ở TPHCM, đặc biệt ở khối tiểu học đã xảy ra từ một vài năm nay do khó khăn trong tuyển sinh. Nguyên nhân là tất cả học sinh dù có hộ khẩu thường trú hay tạm trú đều có chỗ vào lớp 1 công lập và chất lượng giáo dục của khối các trường tiểu học công lập đã cải thiện đáng kể, thậm chí tốt hơn trường ngoài công lập.

Năm học 2012-2013, đại diện nhiều trường phổ thông ngoài công lập cho biết kết quả tuyển sinh đã giảm đáng kể, đặc biệt là bậc tiểu học.

Dạy thêm phải có giấy phép

Ngày 13-9, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành quy định về việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh ủy quyền cho giám đốc Sở GD&ĐT cấp giấy phép cho trường hợp thuộc chương trình THPT và các trường trực thuộc Sở (không quá ba buổi/tuần/môn và mỗi buổi không quá hai tiết). Chủ tịch UBND huyện, TP trực tiếp hoặc ủy quyền cho trưởng Phòng GD&ĐT cấp giấy phép thuộc chương trình THCS (không quá hai buổi/tuần/môn).

Quy định nhằm chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm diễn ra tràn lan trong suốt thời gian qua trên địa bàn tỉnh.

SV trả lại bằng tốt nghiệp vì ghi không đúng ngành đào tạo

Ngày 13-9, SV Đặng Viết Tuấn (quê Nghệ An) cho biết đã trả lại bằng tốt nghiệp hệ CĐ ngành hóa dầu cho Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.

Cùng đó, SV Lê Tiến Tư cũng không đồng ý nhận bằng vì bằng ghi không đúng với ngành học.

Theo phản ánh, hai SV này cùng học lớp CĐ hóa dầu 10, chuyên ngành công nghệ hóa dầu chính quy của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (Cơ sở Nghệ An, khóa học 2008-2011). Do thiếu điểm một số môn học nên Tuấn nhận bằng tốt nghiệp vào tháng 4-2012 (thay vì tháng 12-2011) và thấy bằng tốt nghiệp ghi không đúng chuyên ngành đã học là “Công nghệ hóa dầu” mà ghi là “Công nghệ kỹ thuật hóa học”. Còn Tư thấy vậy đã từ chối nhận bằng. Liên hệ phòng đào tạo, các SV được trả lời: Từ năm 2012, không còn ghi ngành “Công nghệ hóa dầu” mà ghi đúng là “Công nghệ kỹ thuật hóa học”. Mặc dù, Tuấn và Tư giải thích là khóa hai bạn tốt nghiệp tháng 12-2011 nhưng nhà trường nói đây là quy định mới.

Chiều 13-9, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, TS Trần Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Tôi chưa nhận được thông tin về trường hợp hai SV trả lại bằng, không nhận bằng do ghi sai chuyên ngành học. Tôi sẽ đề nghị các bộ phận liên quan kiểm tra lại với tinh thần là đảm bảo quyền lợi cho SV và đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT”.

 

Những tin tức đang được quan tâm:

Tuyển sinh - thông tin tuyển sinh - xét tuyển, tỉ lệ chọi

Điểm thi đại học - điểm chuẩn đại học - điểm thi

Kênh Tuyển Sinh (Nguoilaodong - Phapluattp)