Bộ giáo dục tăng cường kiểm tra xử lý dạy thêm trước khi vào lớp 1

Trước tình trạng ráo riết cho con đi học thêm từ trước khi vào lớp 1, đại diện vụ GD tiểu học- Bộ GD-ĐT cho biết trong thời gian tới, Bộ sẽ ban hành văn bản mới với những quy định cụ thể hơn về vấn đề trên, trong đó quy trách nhiệm cụ thể cho các cấp quản lý GD.

Quy định mới sẽ cụ thể hơn nhằm ngăn chặn tình trạng giáo viên tiểu học cố tình cho học sinh điểm kém, gây áp lực khiến phụ huynh phải cho con đi học trước, phải học thêm từ lớp 1.

Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng vụ GD tiểu học cho biết: “Nếu cho trẻ đi học chữ trước khi vào lớp 1 là phản khoa học, sẽ làm mất đi giai đoạn đầu làm quen, mất đi sự háo hức khi vào lớp 1, dễ làm cho trẻ chủ quan, ảo tưởng về nhận thức của mình cũng như gây ảnh hưởng tới các bạn trong lớp”.

Cũng theo ông Định, một mối nguy hại khác là nếu người dạy trẻ không dạy chuẩn tư thế ngồi, cầm bút, viết nét chữ… ngay từ đầu thì sẽ rất khó sửa cho trẻ sau này, khi các bé đã quen. Điều này không tốt cho sự phát triển của trẻ về cơ, xương, tâm lý…

Và để tránh áp lực cho trẻ cũng như phụ huynh, Bộ dự kiến sẽ không chấm điểm cho học sinh lớp 1 trong giai đoạn đầu, ít nhất trong học kỳ 1. Cô giáo tiểu học mở lớp dạy trước cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1 là vi phạm quy chế dạy thêm học thêm. Bộ sẽ tăng cường công tác kiểm tra xử lý sai phạm về dạy thêm học thêm trước khi vào lớp 1.

Lớp đại học ngành Kinh doanh xuất bản phẩm

Vừa qua, tại trụ sở Công ty CP Phát hành sách TPHCM (Fahasa) đã diễn ra lễ khai giảng lớp Đại học chuyên ngành Kinh doanh xuất bản phẩm (hệ vừa học vừa làm) do Trường Đại học Văn hóa phối hợp cùng Công ty Fahasa tổ chức.

Lớp học nhằm bổ sung kiến thức chuyên môn, đồng thời nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ quản lý của Fahasa từ cấp trưởng quầy đến các cửa hàng trưởng các nhà sách thuộc Fahasa. Các học viên phải trải qua hơn 4 năm đào tạo với khoảng 120 học phần theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục - Đào tạo gồm các kiến thức đại cương, kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chuyên ngành.

Sinh viên ra trường chưa có việc làm do năng lực kém

Ngày 26-3, tại buổi đối thoại với thanh niên tiêu biểu của tỉnh Đồng Tháp, ông Phan Văn Tiếu - phó giám đốc Sở Nội vụ - cho biết toàn tỉnh hiện có hơn 2.000 sinh viên ngành sư phạm và tin học ra trường chưa có việc làm. Một trong những lý do chính là trình độ, năng lực của sinh viên không đạt yêu cầu. ( Xem thêm bài viết: Kỹ năng mềm giúp sinh viên có cơ hội việc làm cao hơn - Kỹ năng mềm )

Đầu năm 2013, tỉnh Đồng Tháp có nhu cầu tuyển dụng một cán bộ có trình độ cử nhân tin học. Có 13 ứng viên đăng ký dự tuyển. Sau phần thi lý thuyết có tám ứng viên vào vòng thi thực hành. Tại vòng thi thực hành có một số người không biết bấm đầu dây cáp để kết nối mạng. Như thế là phải loại. Cũng theo ông Tiếu, hiện nay Đồng Tháp đang khát nhân lực có trình độ cao ở các ngành y, dược, luật và quản trị kinh doanh.

Báo Tiền Phong trao học bổng cho học sinh nghèo

Ngày 26/3, tại Hải Phòng, báo Tiền Phong đã trao 35 suất học bổng cho HSSV nghèo, mỗi suất học bổng trị giá 1 triệu đồng. Tại Đại học Hải Phòng, lãnh đạo báo đã trao 15 suất học bổng cho sinh viên. Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong Vũ Tiến cho biết: “Báo Tiền Phong có lịch sử 60 năm hình thành và phát triển. 60 năm qua, báo đã đồng hành cùng thanh niên từ phong trào Ba xung kích đến các phong trào, hoạt động Đoàn, đồng hành cùng nhiều HSSV nghèo vượt khó. Nhân dịp kỷ niệm 82 ngày thành lập Đoàn, báo đến với sinh viên trường ĐH Hải Phòng, đơn vị có nhiều hoạt động Đoàn xuất sắc và gắn bó với báo Tiền Phong”.

Tại UBND huyện An Lão (Hải Phòng), lãnh đạo báo trao 10 suất học bổng cho học sinh nghèo của huyện; trao 10 suất học bổng cho con em công nhân đèn biển (tại Tổng Cty bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc).

Tổng Giám đốc Tổng Cty bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc Lưu Văn Quảng cho biết, sự quan tâm của báo Tiền Phong là niềm cổ vũ lớn cho con em công nhân...

Kênh Tuyển Sinh, Tổng hợp từ: SGGP, tienphong, infonet