Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

Tin liên quan:

ky_luat_can_bo_ra_de_thi_sai

 

Kiểm điểm cán bộ ra đề thi sai

Chiều 3-11, ông Nguyễn Quý Đôn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết sở đã tổ chức họp kiểm điểm một chuyên viên thuộc phòng trung học vì đã sai sót khi soạn thảo đề thi môn toán khối 12 trong kỳ thi giữa học kỳ I vừa qua.

 

Theo ông Đôn, đề thi có nhiều điểm sai nhưng không ảnh hưởng đến quá trình làm bài của học sinh: tổng điểm của các câu hỏi phụ là 8 nhưng lại ghi 7,5, công thức toán in nghiêng nhưng lại in đứng, thiếu từ trong câu số 3.

 

Nghiêm trọng nhất là trong phần chương trình nâng cao lại thiếu mất 1 điều kiện nằm trong 2 câu chọn 1 câu. “Hầu hết học sinh không chọn câu này, đồng thời trong quá trình thi không có phản ánh từ các trường nên cũng không ảnh hưởng đến kết quả của học sinh. Do đây là chuyên viên mới được điều về nên còn nhiều thiếu sót, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và báo cáo vụ việc lên UBND TP” - ông Đôn nói.

 

Ba không với nửa vời

Chuyện Nam Định cương quyết “thanh lọc” giáo viên tốt nghiệp hệ tại chức lại dấy lên nhiều dư luận khác nhau, ủng hộ có, phản ứng có.

 

Tuy nhiên, bản chất của sự việc là Nam Định trực tiếp “nói không” với hệ đào tạo này sau khi đã kiên quyết “nói không” với cử nhân tốt nghiệp các trường ngoài công lập cách đây không lâu.

 

Không chỉ có Nam Định, Đà Nẵng cũng đã từng từ chối thẳng thừng các cử nhân tốt nghiệp hệ tại chức. Trên thực tế, dù không công khai nhưng trong thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã chê ỏng chê eo với cả hai hệ đào tạo này. Tại sao họ chê? Đơn giản họ tự “kiểm định” chất lượng đào tạo qua thực tế, nói như ông giám đốc Sở Nội vụ Nam Định. Còn ngành giáo dục ĐH đã bỏ quên việc kiểm định chất lượng gần 30 năm qua và chưa có cơ quan kiểm định nào được thành lập!

 

Việc tỉnh Quảng Ngãi vừa đình chỉ giảng dạy đối với 11 giáo viên vi phạm do dạy thêm gây bức xúc trong giáo viên. Các giáo viên này bị đình chỉ giảng dạy từ 15 đến 30 ngày, phạt hành chính từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng vì dạy thêm không có giấy phép, không có cam kết với thủ trưởng đơn vị, không có phiếu thu tiền học thêm, thu tiền học thêm cao… Nếu căn cứ vào các nguyên nhân đó để kỷ luật giáo viên thì trên khắp 63 tỉnh, thành, đặc biệt là ở TPHCM, Hà Nội và các TP lớn khác, có cả hàng chục ngàn giáo viên vi phạm. Ngay tại TPHCM, đa số giáo viên các môn có thể dạy thêm đều sống được nhờ dạy thêm, thậm chí có nhiều hiệu trưởng, hiệu phó cũng vậy.

 

Mới đây, TP Đà Nẵng đã kỷ luật chuyển sang làm hiệu trưởng trường khác đối với hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Thanh và một giáo viên chủ nhiệm lớp vì đã để xảy ra lạm thu. Bộ GD-ĐT và nhiều địa phương cũng đang quyết liệt chống lạm thu. Nếu như căn cứ vào tiêu chí những khoản thu không trực tiếp phục vụ cho các hoạt động của hội phụ huynh thì không được thu thì có tuyệt đại đa số trường ở TPHCM vi phạm. Vậy TPHCM không kỷ luật các hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm vi phạm?

 

Ba vấn đề của ngành giáo dục nêu trên đã được các địa phương giải quyết một cách “điển hình” nhưng đó chỉ là cách giải quyết phần ngọn và sẽ chẳng đi đến đâu. Ba vấn đề đó cũng là 3 câu hỏi hóc búa mà ngành giáo dục phải trả lời: Tại sao xã hội “nói không” với hệ đào tạo tại chức, sinh viên tốt nghiệp các trường ngoài công lập? Tại sao Bộ GD-ĐT kiên quyết chống dạy thêm học thêm nhưng việc dạy thêm, học thêm vẫn tràn lan? Tại sao Bộ GD-ĐT chống lạm thu thì lạm thu càng tăng?

 

Ba câu hỏi đó mỗi câu là một chuyên đề giáo dục có tính thời sự nóng hổi và chỉ có Bộ GD-ĐT mới có câu trả lời chính xác và giải quyết vấn đề một cách cụ thể. Nói cách khác, đó là trách nhiệm của chính Bộ GD-ĐT, không ai khác.



Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (Theo: nld)