Nhiều chuyên gia ủng hộ phương án 2 cho kỳ thi quốc gia chung năm 2015

3 phương án về một kỳ thi chung (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH) của Bộ GD-ĐT đang nhận được nhiều thông tin phản hồi. Trong đó, phương án 2 thu hút được nhiều ý kiến, phân tích của các chuyên gia lẫn các trường ĐH.

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố 3 phương án một kỳ thi chung, nhiều trường ĐH dù đồng tình nhưng vẫn còn băn khoăn về chất lượng, kết quả của kỳ thi chung liệu có đáng tin cậy khi có đến trên 90% thí sinh đậu tốt nghiệp THPT?

Th.S Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, cho biết: “Tôi cũng nghiêng về phương án 2 hơn là phương án 1 và 3. Ngoài tính khoa học, phần nào cũng phòng ngừa được việc ôn thi, luyện thi tràn lan như trước khi thi “3 chung”. Tuy nhiên, cái khó vẫn là ở khâu đề thi, ai ra đề? Có lẽ đề thi Bộ GD-ĐT phải lo mà cụ thể là Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng ra đề. Về phương án tuyển sinh riêng, nhà trường cũng đang tiến hành. Trong đó, nếu thông qua một kỳ thi thì trường chọn kết quả THPT để xét tuyển. Việc xét tuyển vào từng ngành, trường sẽ tính kỹ trước khi công bố”.

Một kỳ thi chung sẽ đỡ áp lực cho thí sinh và tránh lãng phí cho xã hội.

Th.S Hứa Minh Tuấn cũng băn khoăn: “Bộ GD-ĐT nên công bố rõ ràng lộ trình để các trường xây dựng phương án tuyển sinh riêng. Nếu để các trường chọn phương án thi riêng thì nên thành lập thêm Cục Khảo thí tại miền Trung và miền Nam. Nếu trường nào không tin vào kết quả kỳ thi chung hoặc cần tổ chức thi riêng thì có thể lấy đề thi từ Cục Khảo thí sẽ tốt hơn”.

Theo TS Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Thông tin Gia Định: “Trong 3 phương án mà Bộ GD-ĐT đưa ra, tôi ủng hộ phương án 2. Nếu thực hiện tốt phương án 2, sau đó sẽ áp dụng phương án 3 phù hợp với lộ trình đổi mới sách giáo khoa. Một kỳ thi tốt nghiệp THPT để các trường ĐH căn cứ xét tuyển sinh viên vào học sẽ đỡ tốn kém hơn. Nếu những trường tốp trên như y dược, các trường trọng điểm hay đào tạo theo hướng nghiên cứu có thể tổ chức thi tuyển riêng là do các trường đó quyết định”.

Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Nông Lâm TPHCM ủng hộ phương án 1

Trong khi đó, TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Nông Lâm TPHCM, lại ủng hộ phương án 1. Ông phân tích: Nếu lấy biểu quyết về việc chỉ tổ chức 1 kỳ thi quốc gia cho 2 mục tiêu thì gần như 100% người được hỏi đồng ý. Về phương án, tại sao đa số hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ lại chọn phương án 2? Tôi nghĩ đến vấn đề mà rất nhiều người đề cập, đó là tính thực tiễn và lộ trình mà chúng ta phải thực hiện. Đây chính là điều mà xã hội đang rất quan tâm.

Vấn đề là theo các trường ĐH, CĐ đang mong muốn một kỳ thi thực chất mà ít ảnh hưởng đến thí sinh, phụ huynh và xã hội. Có thể thi vào các ngành với bài thi phù hợp với yêu cầu của ngành học. Căn cứ trên thống kê điểm số và đặc thù ngành học cần những thế mạnh hoặc năng lực lõi của thí sinh mà các trường công khai tiêu chí xét tuyển.

Ví dụ, ngành công nghệ sinh học yêu cầu thí sinh đạt được ít nhất bài thi sinh từ 7 - 8 điểm trở lên và các bài thi khác từ 6 điểm trở lên trong nhóm bài thi. Hoặc năng lực sở trường của các em phù hợp với nhóm lĩnh vực ngành nghề nào sẽ do trường bổ sung vào đề án tuyển sinh của mình sao cho việc chọn được người phù hợp với lĩnh vực ngành nghề là tốt nhất. Tôi đang đề cập đến kỳ thi mang tên tuyển sinh ĐH, CĐ.

TS Trần Đình Lý nhận định, việc tổ chức một kỳ thi quốc gia mang tên tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ không mâu thuẫn, không chồng chéo với việc học sinh tốt nghiệp THPT, lại càng không mâu thuẫn với đề án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ nếu có một lộ trình cần thiết, đủ thời gian cho học sinh chuẩn bị và không bị sốc. Tóm lại, nếu phải bắt buộc thay đổi từ năm 2015 thì nên chọn 1 phương án trong 3 phương án. Tôi không đề cử phương án nào vì nó đều mang tính ngắn hạn và là giải pháp tình huống. Nhưng nếu là giải pháp căn cơ, thì cần có thời gian, cần có lộ trình, cần phải cân nhắc theo dự kiến ban đầu của Bộ GD-ĐT: có thời gian chuẩn bị cho việc bỏ 1 trong 2 kỳ thi. Chỉ còn một kỳ thi mang tên tuyển sinh ĐH, CĐ.

Hiện tại Bộ GD-ĐT đang tiếp tục nhận các ý kiến góp ý và hoàn thiện dự thảo, công bố phương án chính thức vào tháng 9 để thực hiện từ năm 2015.

SGGP, http://sggp.org.vn/giaoduc/2014/8/359313/