Thành đạt cũng đi học

Có mặt tại lớp đào tạo giảng viên giảng dạy Chương trình khởi nghiệp Quốc gia (lớp TOT nâng cao) do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam tổ chức, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi danh sách học viên đều là những người có học vị và vị trí cao, phần lớn là tiến sĩ, thạc sĩ. Trong số đó nhiều người đang là trưởng khoa tại các trường đại học, thậm chí có cả những vị giám đốc, tổng giám đốc các doanh nghiệp, công ty.

 


Tiến sĩ đi học khởi nghiệp - Ảnh 1

 

Theo thạc sĩ Đặng Ngọc Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Phú Quý, thành viên Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam, đơn vị tổ chức khóa học này, có đến 60% học viên là thạc sĩ, tiến sĩ, 40% là những doanh nhân thành đạt. Điểm chung của những người này là đặc biệt quan tâm, tâm huyết với khởi nghiệp nên bỏ thời gian, công việc để đi học.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty thương mại Sài Gòn Food, học viên của lớp, chia sẻ quãng thời gian cận tết là rất bận bịu. Nhất là khi bà đang điều hành công ty trong lĩnh vực thực phẩm, cuối năm là mùa cao điểm với nhiều công việc. Tuy nhiên bà vẫn cố gắng thu xếp thời gian để tham gia lớp học khởi nghiệp này.

Bà Lâm giải thích: “Bản thân tôi đã tham gia hoạt động khởi nghiệp nhiều năm qua, tôi cũng nhận được nhiều lời mời giảng dạy, chia sẻ từ các trung tâm… Tuy nhiên tôi thường chỉ chia sẻ với những kinh nghiệm mà mình đã trải qua, chứ chưa từng được học, được đào tạo những khóa học bài bản về khởi nghiệp, chưa có nhiều kỹ năng giảng dạy, nên tôi đã quyết tâm theo học khóa học này”.

Còn tiến sĩ Lê Sĩ Trí, Trưởng khoa Kinh tế, Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng cho biết sở dĩ vượt đường xa lên để tham gia khóa đào tạo này, không những để tiếp thu nhiều kinh nghiệm hay, kiến thức hay về khởi nghiệp cho bản thân, mà còn để áp dụng vào chương trình giảng dạy khởi nghiệp tại trường.

Dù ở tận Đồng Nai, thế nhưng trong nhiều ngày liền, tiến sĩ Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Quản trị kinh tế quốc tế Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) vẫn tham gia các buổi học đầy đủ. Theo tiến sĩ Tân, xã hội và môi trường đã và đang thay đổi quá nhanh, nhất là trong thời kỳ công nghệ phát triển. Nếu như cứ áp dụng những kiến thức đã cũ, những câu chuyện sách vở nhiều năm trước thì sẽ không còn phù hợp, nhất là trong lĩnh vực khởi nghiệp. Khi đó dễ rơi vào tình cảnh thất bại trong đào tạo. “Chính vì thế tôi đã đăng ký tham gia lớp học này, để nâng cao trình độ, có được những kỹ thuật, công cụ, phương pháp giảng dạy khởi nghiệp tốt hơn”, tiến sĩ Tân nói.

Trò chuyện với nhiều học viên khác, cũng nhận được chung những nhận định: “Đi học để nâng cao kiến thức bản thân mình”.

Tự tin hơn để chia sẻ với giới trẻ

Sau 4 ngày học, cảm xúc của tất cả học viên đều vui bởi đã được tiếp thu nhiều điều. Nói như bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty thương mại Sài Gòn Food, thì: “Từ nay, tôi sẽ tự tin hơn khi đứng chia sẻ với sinh viên, các doanh nghiệp trẻ về khởi nghiệp. Có thêm nhiều hơn những kiến thức, kỹ năng, phương pháp để chấm các giải khởi nghiệp… Ngoài ra, với những kiến thức đã học được sẽ giúp tôi nhiều trong việc giảng dạy, đào tạo lại cho nội bộ công ty”.

 


Tiến sĩ đi học khởi nghiệp - Ảnh 2

 

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Quản trị kinh tế quốc tế Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), chia sẻ: “Rất tâm đắc với những điều mà giảng viên cao cấp của khóa đào tạo đã nói, đó là nếu giảng dạy chưa đúng, nhất là với khởi nghiệp, thì có thể làm hư cả thế giới. Nhưng sau khóa học này, tôi đã mở rộng tầm nhìn, vỡ ra nhiều điều, có thêm những kiến thức để đánh giá đúng về những dự án khởi nghiệp, những công cụ để thẩm định về các chỉ tiêu phù hợp giúp dự án khởi nghiệp thành công”.

Cũng theo tiến sĩ Tân, thì: “Tôi sẽ chuyển tải lại cho sinh viên tất cả kiến thức này. Hy vọng rằng sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, giúp nhiều cho sinh viên khi khởi nghiệp”.

Thạc sĩ Đặng Ngọc Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Phú Quý, thành viên Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam, cũng hy vọng qua khóa học sẽ xây dựng được nguồn nhân lực về khởi nghiệp, cũng như sẽ thống nhất được các phương pháp chấm những dự án khởi nghiệp sao cho chuẩn hóa, hợp lý nhất. Bên cạnh đó, sau khóa học, các học viên sẽ có thêm kiến thức để chia sẻ lại với người trẻ, giúp người trẻ khởi nghiệp bền vững hơn.

Giảng viên của khóa học, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giảng viên cao cấp Tổ chức Giáo dục PTI, Cố vấn cấp cao Chương trình Khởi nghiệp quốc gia, chia sẻ: “Tôi vui vì phong trào khởi nghiệp đã và đang lan tỏa, phát triển mạnh ở Việt Nam. Tuy nhiên nếu chúng ta làm theo phong trào thì có thể trả giá ghê gớm lắm. Ngược lại, nếu làm chắc thì phát triển bền vững. Có được điều này thì cần có những người được đào tạo, huấn luyện một cách bài bản, có được những kiến thức, phương pháp đúng...".

Theo Thanh Niên