>> Giáo dục, du học, tuyển sinh, hướng nghiệp, học đường

Trong “từ điển” của nhiều giáo viên không có từ “thưởng Tết”. Dù là phần thưởng ít ỏi như chai dầu ăn, 1kg đường hay khoản thưởng mươi triệu đồng… đều do các trường tự vun vén. Trường không có tiền thì đành chịu!

Giáo viên và câu chuyên thưởng tết: Bèo như… Tết giáo viên

“Không có quà, cũng chẳng có “hương hoa”, bốn năm qua toàn “ăn Tết ké” quà của trường”, thầy Bùi Văn Hoàn, giáo viên (GV) trường Tiểu học (TH) Tân Khánh Hòa (huyện Giang Thành-Kiên Giang) bộc bạch. Từ ngày tự nguyện “Nam tiến” dạy học, bốn năm rồi thầy Hoàn chưa về quê Thanh Hóa vì không có tiền. Năm nào cũng vậy, thầy Hoàn tự nguyện lãnh trách nhiệm trực Tết và được đồng nghiệp “khuyến khích” dùng quà chưng Tết tại trường.

Tết này, ban lãnh đạo Trường PTCS Hợp Nhất (xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội) cũng chắt bóp mọi khoản chi tiêu dành dụm được để tặng cho GV thêm 300.000đ gọi là thưởng Tết. Cô Bùi Thị Kim Ngân, GV của trường cho hay, mức thưởng Tết này không lớn, song đây đã là nỗ lực lớn của nhà trường. Còn bà Đỗ Thị Ngọc - Hiệu trưởng trường MN Lao Và Chải (Yên Minh, Hà Giang) thì kể: “Năm nay, thưởng Tết cho GV của trường là một phần quà trị giá 200.000đ và một tờ lịch, như thế đã “khởi sắc” hơn so với mọi năm”.

Giáo viên và câu chuyên thưởng tết

Giáo viên và câu chuyên thưởng tết

Tại Quảng Nam, hầu hết các trường thưởng Tết GV khoảng 200.000đ. Trường TH và THCS Trà Vân huyện Nam Trà My, hơn 10 năm qua không hề có tiền thưởng. Năm 2013, mỗi GV được công đoàn tặng hai gói bột ngọt, năm nay dự tính vẫn vậy. Thầy Phan Văn Mễ, trường THCS Quế Lâm 2, huyện Nông Sơn nói: “Tết năm ngoái không nhớ, bởi chỉ 100.000-200.000đ thôi. Lâu nay không bao giờ hơn. Năm nay cũng 200.000đ”. Ngay tại TP. Tam Kỳ, trường điểm THCS của tỉnh Quảng Nam là trường Lý Tự Trọng, thầy Nguyễn Tấn Sĩ, hiệu trưởng cho biết: “Trường làm gì có tiền cho anh em. Số tiền trích được là từ quỹ công đoàn, bán được… ít cây gãy đổ do mưa bão, rồi trường có máy ATM thuê đặt nên được ít tiền. Năm nào cũng thế, mỗi người chỉ được từ 200.000-300.000đ”.

Tại Thừa Thiên Huế, theo tìm hiểu của phóng viên, số tiền thưởng từ cấp I-III, dao động từ 200.000-300.000đ. Một số trường ở miền núi thì không có tiền, mà chỉ có quà Tết của công đoàn, từ vài lít dầu ăn đến một ít hạt dưa, mứt.

Có thưởng cao là nhờ… khéo vun vén

Trong khi đó, nhiều trường trong khu vực nội thành TP.HCM lại có khoản tiền thưởng Tết “tươi” hơn. Chẳng hạn, tại trường TH Nguyễn Văn Trỗi (Q.4), mỗi người được 11-12 triệu đồng; ở trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), do tự chủ tài chính, mỗi GV-CNV được thưởng chừng bảy triệu đồng trong dịp Tết này…

Giải thích chung của các trường là vận dụng Nghị định 43 (quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính với đơn vị sự nghiệp công lập), tiết kiệm cân đối chi tiêu trong năm học để tạo nguồn thu nhập tăng thêm cho GV - CNV. Một hiệu trưởng nói rõ: “Tiết kiệm không có nghĩa là “bóp” tất cả các hoạt động phục vụ giảng dạy làm ảnh hưởng chất lượng, chủ yếu là trường tiết kiệm văn phòng phẩm, in giấy hai mặt, hạn chế dùng điện, nước khi không cần thiết… cộng với nguồn thu xã hội hóa để có những khoản dư cuối năm”.

Nhưng, liệu chỉ việc tiết kiệm chi phí mà trường có thể lo cho GV có được mức thưởng Tết cao như thế? Thực chất, ngoài phân bổ ngân sách của thành phố, ngoài khoản tiết kiệm, đa phần các trường lo được tiền thưởng Tết cho giáo viên đều có lợi thế về cơ sở hạ tầng, có thể tận dụng để tăng thu như cho thuê sân bãi giữ xe, cho thuê làm trung tâm ngoại ngữ, cho thuê bán căn tin… Mặt khác, các trường còn có nguồn thu xã hội hóa.

Giải pháp lương tháng 13

“Tôi công tác trong ngành hơn 26 năm với cương vị GV và cán bộ quản lý, nhưng chưa một lần được nghe đến chuyện thưởng Tết từ nguồn ngân sách Nhà nước”, Thạc sĩ Huỳnh Văn Hóa, Trưởng phòng GD-ĐT TP. Rạch Giá nhấn mạnh. Đó cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, ông Phạm Vũ Luận cho hay, theo quy định, 80% ngân sách Nhà nước cấp cho giáo dục để trả lương cho GV và cán bộ quản lý, 20% cho các hoạt động giáo dục. Thực tế số tiền lương chi trả chiếm tới 80-90% nên phần ngân sách còn lại để mua phấn, giấy bút, hoạt động thực tế… nhiều khi cũng không đủ, nói gì đến dư thừa. “Thưởng Tết với ngành giáo dục rất khó. Ngay cả ở Bộ cũng không có bất cứ nguồn nào, ngân sách nào cho thưởng Tết”, ông Luận chia sẻ.

ThS Hoàng Xuân Quảng, Phó Hiệu trưởng ĐH An Giang đề xuất: “Cần có chủ trương thống nhất trên phạm vi toàn quốc về khen thưởng công bằng như các nhân viên đang công tác trong các đơn vị quốc doanh khác. Nếu không được lương tháng 13 thì chí ít cũng là một tháng lương cơ bản. Điều này rất quan trọng. Bởi nó không chỉ tạo ra hành lang pháp lý để các địa phương có cơ sở thực hiện công bằng xã hội mà còn giúp các thầy cô có thêm điều kiện cống hiến tốt hơn”.

>> Ý kiến độc giả về chuyện thưởng tết cho giáo viên của cán bộ ngành

Theo phunuonline