Học sinh 3 lớp học chung một phòng, chung giáo viên

Thương cảnh phòng học 3 lớp, 6 học sinh, 1 giáo viênPhòng học chung 3 lớp một giáo viên ở điểm lẻ của trường Tiểu học Xuân Đài

Điểm lẻ của trường của Tiểu học Xuân Đài (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) chỉ có hai phòng học. Điều lạ lùng là mỗi phòng học có tới 3 chiếc bảng đen, vài bộ bàn ghế quay ra các hướng khác nhau.

Phòng học này là nơi các em học sinh của nhiều lớp cùng học với nhau, có em lớp 1, có em lớp 2, lớp 3… Thường thì mỗi phòng bố trí cho 2 - 3 lớp cùng học một lúc. Một giáo viên vừa dạy cho các bé lớp 1 tập viết, vừa cho lớp 2 tập đếm, lại vừa chỉ bảo cho học sinh lớp 3 học bảng cửu chương…

Khi chúng tôi đến thăm, lớp học của cô giáo Hạ đang có 9 bạn nhỏ, bao gồm cả lớp 1 và 2. Lớp 1 có sĩ số đông hơn, gồm 6 em đang cặm cụi tập viết. Xoay mặt hướng về một chiếc bảng đen ở hướng ngược lại là 3 em học sinh lớp 2 đều là nữ.

Đoán rằng học chung như vậy, các em nhỏ hẳn là khó tập trung vì ồn ào, nhưng khi chúng tôi hỏi thăm, các bé vô tư trả lời rằng “đã quen rồi”.

Em Trường và em Nhung, học sinh lớp 1 cho biết, vào giờ học cả hai lớp đều yên tĩnh, chỉ có tiếng cô giảng bài. Khi nào trò muốn phát biểu phải giơ tay. Vì cô rất nghiêm, không cho phép làm mất trật tự trong lớp. Các trò của hai lớp đều là bạn bè chơi chung và lớn lên cùng nhau nên luôn giúp đỡ nhau trong học tập.

Phòng học bên cạnh gồm có sáu học sinh thuộc ba lớp 3, 4, và 5. Trong đó, lớp 5 có duy nhất một em, ngồi trơ trọi một bàn, một ghế hướng về bảng đen. Học sinh lớp 3 và lớp 4 ngồi quay lưng theo hai hướng khác.

Cô giáo đứng lớp cho biết, một mình cô dạy cả ba lớp cùng lúc. Nhiều năm trong nghề, cô giáo và học trò đều đã quen với việc chung lớp, chung thầy.

16 năm cõng trò qua suối

Thương cảnh phòng học 3 lớp, 6 học sinh, 1 giáo viênCô Nguyễn Thị Hạ và học trò

Cô giáo Nguyễn Thị Hạ (sinh năm 1966) đã giảng dạy ở trường Tiểu học Xuân Đài được 16 năm. Cô làm chủ nhiệm lớp từ lớp 1 đến lớp 5, thường xuyên kiêm nhiệm nhiều lớp cùng lúc.

Vì điều kiện cơ sở vật chất, kinh tế của địa phương còn có khăn, cô giáo Hạ và các thầy cô trường Xuân Đài luôn động viên nhau cùng cố gắng. Trong công tác giáo dục vận động học sinh tới trường, cô Hạ luôn là người năng nổ nhất.

Vì các trò còn bé, nhà ở xa, tới trường phải băng qua một con suối nên vào mùa lũ, cô Hạ luôn đi làm sớm để đón trò qua suối. Những hôm nước dâng cao, cô cõng từng trò qua con suối. Đã hơn chục năm cõng trò qua suốt, nay vì tuổi tác sức khỏe cô không còn được như xưa nên cô giáo chỉ mong có một cây cầu bắc qua suối đủ cao để vượt nước mùa lũ…

“Ở đây dân cư thưa thớt nên số lượng học sinh vào độ tuổi đi học không nhiều, nhưng cũng không vì thế mà không mở trường mở lớp cho các em. Dân địa phương còn nghèo nên mỗi dịp vận động mua sách vở các thầy cô thường tự bỏ tiền ra mua trước, phụ huynh đóng tiền sau. Nhà ai khó khăn quá thì cũng đành chịu. Vì lo không có tiền học các em phải nghỉ nên giáo viên chúng tôi thường bỏ tiền mua sách vở cho học trò”, cô Hạ chia sẻ.

Bản thân cô giáo cũng không khá giả hơn phụ huynh học sinh là mấy. Ngoài giờ lên lớp, cô Hạ vẫn tranh thủ đan nón lá, kiếm thêm thu nhập nuôi con và mua vở, bút cho học trò. Biết ơn cô giáo, vào ngày lễ 20/11, học trò thường mang tặng cô quà của gia đình như nải chuối, mớ rau sạch, chục quả trứng…

Theo Dân trí, nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thuong-canh-phong-hoc-3-lop-6-hoc-sinh-1-giao-vien-20151117223448736.htm