Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

 

Tin liên quan:

thuc_te_truong_trung_cap_nghe

Cảnh láo nháo người ra người vào tại một lớp trung cấp. Ảnh: Tuấn Đức

 

Trong tình trạng tuyển sinh khó khăn như hiện nay, khi các trường ĐH, CĐ cũng chiêu sinh hệ dạy nghề thì các trường trung cấp đứng trước thực trạng: Tuyển sinh đã khó, giữ chân sinh viên ở lại trường còn khó hơn. Vì thế, có vẻ như các trường đang tìm cách giữ học viên chứ không thật sự chú trọng dạy nghề.

Lớp học như cái chợ

Đến một lớp học văn hóa cho học viên mới học hết cấp 2 tại trường Trung cấp Cơ điện Hà Nội mới thấy “sốc” trước lối ứng xử thiếu văn hóa của tân sinh viên nơi đây.

 

Sĩ số lớp khoảng 40 học viên nhưng cảnh người ra kẻ vào khiến không thể biết con số thực trong lớp là bao nhiêu. Trên bục giảng, giáo viên cứ dạy, còn dưới lớp người hát, người nói nháo nhác như cái chợ. Chưa dừng lại ở đó một số cô cậu chán học rủ nhau ra ngoài. Một số khác thì đứng lấp ló trước cửa để lẻn vào.

 

Đứng quan sát cả buổi, chúng tôi nhận thấy, gần hết giờ học buổi sáng, bỗng nhiên học viên lũ lượt kéo nhau quay về lớp. Hỏi ra mới biết, hóa ra là sắp đến giờ điểm danh. Bất chấp giáo viên đang đọc tên điểm danh trên bục, phía dưới học viên thản nhiên gọi điện quát nhau về chỉ để… điểm danh. Tại một lớp, giáo viên đã giật mình khi đang đọc tên theo danh sách thì phía cuối lớp vọng lên tiếng: “Về chưa? Điểm danh”. Vì thế, không hiếm cảnh giáo viên ngao ngán lắc đầu khi phải đọc tên điểm danh giữa tiếng nói chuyện, gọi điện thoại ầm ĩ của học viên. Hầu như không tìm thấy sự hứng thú học tập hay tôn trọng giáo viên tại những lớp học này. Có quan sát mới giật mình khi thấy sự xuống cấp về đạo đức cũng như cách  học, cách quản lý sinh viên của các trung cấp nghề hiện nay.

Học vì… bố mẹ

Nhiều phụ huynh nhận định, nếu không thi đỗ ĐH, họ sẵn sàng cho con vào các trường nghề để được học một nghề nghiêm túc, có thể đảm bảo cuộc sống sau này. Tuy nhiên, không phải người con nào cũng ủng hộ suy nghĩ đó của cha mẹ.

 

Với nhiều em, học là sự tra tấn. Hoàng Tuấn Anh quê ở Hải Dương tâm sự: “Em đi học vì cha mẹ ép chứ em chẳng thích tý nào. Thấy mẹ em khổ sở quá nên em buộc phải theo học cho hết lớp”.

 

Còn Nguyễn Thị Ánh, tân sinh viên Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật I cho biết: “Em muốn đi làm việc gì đó, nhưng bố mẹ cứ ép đi học kế toán. Quả thật lên lớp chỉ thấy buồn ngủ, rất căng thẳng. Có vào đầu chữ nào đâu”…..

 

Chia sẻ với hiện tượng này một giáo viên dạy môn Văn học của một trường trung cấp thừa nhận, việc tiếp thu kiến thức của học sinh tại trường trung cấp hiện nay là có hạn nên giáo viên cũng phải cố gắng truyền đạt, chỉ mong các em nắm được một phần nhỏ kiến thức chứ không hy vọng nắm bắt được toàn bộ những gì giáo viên truyền đạt. Cố gắng để các em nhớ và phân biệt được các tác phẩm, không bị nhầm lẫn tác phẩm này với tác phẩm khác.

 

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, bên cạnh những hạn chế trong trình độ của học viên trung cấp, cũng phải nhìn nhận lại cách “nhồi nhét” kiến thức hiện nay của không ít trường. Với lịch học dày đặc trong một tuần để làm sao hết một học kỳ, các em phải hoàn thành xong chương trình phổ thông, đó là một sức ép quá lớn đối với những học viên mới chỉ học hết lớp 9.

 

Vì thế, cần đặt câu hỏi, với cách dạy và học như vậy thì sẽ đào tạo ra những nhân lực có chất lượng như thế nào? Liệu các em ra trường có đáp ứng nhu cầu của cơ quan doanh nghiệp không hay các trường chỉ cố gắng dạy, cố gắng nhồi kiến thức cho xong nhiệm vụ?


Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (laodong)


Bài: Thực tế trường trung cấp nghề