Sự kiện: Giáo dục / tuyển sinh / thông tin tuyển sinh / diem thi tot nghiep


Hồ sơ đăng ký dự thi liên thông CĐ lên ĐH tại các trường rất ít. Nhiều trường đứng trước nguy cơ phải giải thể hệ đào tạo này

Theo quy chế mới về liên thông, từ ngày 7-2-2013, muốn học liên thông lên ĐH, CĐ, người có bằng tốt nghiệp trung cấp (TC) nghề, TC chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ (sau đây gọi tắt là TS tốt nghiệp) dưới 36 tháng sẽ phải dự  kỳ thi CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD-ĐT tổ chức hằng năm, còn đối với TS tốt nghiệp trên 36 tháng thì các trường ĐH sẽ tổ chức thi. Tuy nhiên, theo ghi nhận tại các trường, đến nay số hồ đăng ký thi liên thông rất ít.

Thưa thớt hồ sơ

Năm ngoái, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM nhận được 3.000 hồ sơ đăng ký dự thi liên thông CĐ lên ĐH, trong khi trường chỉ tuyển 300 chỉ tiêu. Thế nhưng năm nay, cùng tuyển 300 chỉ tiêu, trường ĐH này chỉ nhận được vỏn vẹn 18 hồ sơ đăng ký dự thi của TS tốt nghiệp trên 36 tháng.

Trường ĐH Kinh tế TPHCM cũng cho biết hiện chưa nhận được hồ sơ đăng ký dự thi liên thông nào của TS tốt nghiệp dưới 36 tháng thi chung đợt với kỳ thi ĐH-CĐ. Đối với đối tượng dự thi là TS tốt nghiệp trên 36 tháng thì có 300 hồ sơ. Tuy nhiên, số này so với chỉ tiêu tuyển 800 là còn ít, nhiều khả năng trường sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu.

Thưa thớt số lượng hồ sơ đăng ký dự thi liên thông

Một lớp học liên thông tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH

Tại Cơ quan Đại diện Bộ GD-ĐT ở TPHCM, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào hệ liên thông cũng rất thưa thớt. Nhân viên thu nhận hồ sơ ở đây cho biết nhiều trường không có hồ sơ nào đăng ký hệ liên thông. Tại Trường ĐH Hoa Sen, số hồ sơ dự thi liên thông nộp trực tiếp là 183 hồ sơ/240 chỉ tiêu; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM nhận được 200 hồ sơ/280 chỉ tiêu… Đại diện các trường nhận định chỉ khoảng 30% TS đăng ký dự thi hệ này trúng tuyển nên sẽ rất khó tuyển đủ chỉ tiêu.

“Hiện trường đang trong tình thế rất ngặt nghèo. Trước mắt, phải dời kỳ thi tuyển sinh liên thông vì không thể nào tổ chức thi với số lượng TS ít như vậy” - ông Trương Tiến Sỹ, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, cho biết. Theo ông Sỹ, đào tạo hệ liên thông giúp giảng viên có thêm giờ dạy, thêm thu nhập, tuy nhiên, với số lượng TS đăng ký dự thi ít ỏi, tâm lý chung của giảng viên hiện rất buồn vì năng lực đào tạo có nhưng lại không có người học.

Mỗi trường một kiểu

Đại diện các trường cho biết hiện vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể về tuyển sinh liên thông. Do vậy, năm nay, nhiều trường không tuyển hệ liên thông đối với TS tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng. Ông Hứa Minh Tuấn, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Tài chính Marketing, cho rằng việc tuyển sinh liên thông cùng kỳ thi 3 chung có quá nhiều bất cập vì chỉ tiêu hệ liên thông riêng, hệ chính quy riêng. Do vậy, nếu tổ chức thi chung đợt mà chỉ tiêu của hệ liên thông chỉ có 10 TS đậu điểm sàn thì vào trường các em sẽ học ở đâu, học với ai, chương trình đào tạo thế nào, chương trình hệ TC, CĐ và ĐH khác nhau làm sao để miễn tín chỉ các em đã học…, do đó trường chưa tuyển sinh đối tượng này. Còn đối với TS tốt nghiệp trên 36 tháng, ông Tuấn cũng dự báo việc tuyển sinh sẽ khó khăn hơn mọi năm và khó tuyển đủ 780 chỉ tiêu.

Ông Trương Tiến Sỹ cho rằng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM chưa tổ chức tuyển hệ liên thông cùng kỳ thi “3 chung” bởi trường chưa chuẩn bị và lường trước hết những khả năng có thể xảy ra khi TS mượn trường thi, lấy kết quả thi từ trường khác để xét tuyển, sử dụng 1 hay 2 mức điểm sàn… Do đó, trường chỉ nhận hồ sơ của TS tốt nghiệp trên 36 tháng để tổ chức kỳ thi đầu vào như trước kia.

Những trường tổ chức tuyển sinh liên thông cùng với hệ chính quy trong kỳ thi “3 chung” đang lo lắng trong khâu tổ chức đào tạo. Ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, nhận định sẽ rất phức tạp trong việc tổ chức môn học cho TS liên thông bởi số TS trúng tuyển chắc chắn sẽ ít, TS học liên thông thường đã đi làm nên nếu học chung với chính quy sẽ khó bố trí môn học…

Trước nhiều rắc rối khi áp dụng quy định liên thông mới vào thực tế, đại diện nhiều trường cho rằng quy định mới rất bất cập, giống như sự thách đố đối với người học. Chính quy định này mà năm nay hệ CĐ sẽ rất khó khăn trong tuyển sinh vì TS sẽ dồn hết vào các trường ĐH.

Nghịch lý liên thông

Ông Hứa Minh Tuấn cho biết những sinh viên tốt nghiệp hệ CĐ của trường vào tháng 7 và tháng 8 tới đây đang rất bức xúc vì không thể làm hồ sơ đăng ký dự thi “3 chung” để lấy kết quả liên thông từ CĐ lên ĐH do chưa tốt nghiệp muốn dự thi, các em phải đợi đến năm sau. Đây là một sự lãng phí rất lớn và càng lãng phí hơn khi nhiều em sẽ phải đợi đến 3 năm sau mới được thi liên thông.

Một giảng viên Khoa Cơ bản - Trường ĐH Ngân hàng TPHCM cho biết sinh viên hệ CĐ của trường hiện đang kêu trời. “Nhiều em học rất giỏi, có khả năng đậu ĐH vào các trường khác nhưng vì trước đây trường được liên thông lên ĐH nên các em đã xét tuyển vào học hệ CĐ, giờ không được liên thông ngay lên ĐH các em rất sốc” - giảng viên này nói.

 

Kênh Tuyển Sinh - Theo: Thuý Vinh - Người Lao Động