Mọi sự đổi mới đều khó khăn

Cô giáo Trần Thị Thanh Sơn – Trường tiểu học Ninh Sơn (Thành phố Ninh Bình) bày tỏ: Tính nhân văn sâu sắc của Thông tư 30 chúng ta không thể phủ nhận. Ở đây không có sự so sánh, không có sự phân biệt giữa học sinh này với học sinh khác. Nói cách khác, với tinh thần mới, quá trình học tập của một học sinh (hay thành tích của em đó ngày hôm nay là so với hôm qua và các hôm trước đó, chứ không phải việc so sánh thành tích với em khác) mới là yếu tố quan trọng cần tập trung. Thông tư 30 đã chỉ rõ, học sinh có thể không hoàn thành nhiệm vụ (làm đủ bài, điểm đủ cao) trong lần này, và nhiệm vụ của cô giáo là giúp đỡ học sinh lần sau sẽ tiến bộ hơn trong lần sau; chứ không phải là học sinh bắt buộc phải luôn hoàn thành nhiệm vụ trong tất cả các hoạt động học tập.

Cũng theo cô Sơn, Thông tư 30 đã giúp giáo viên và phụ huynh quan tâm đến HS nhiều hơn, HS được phát triển một cách toàn diện, tăng sự gắn kết giữa gia đình với nhà trường. Trong đánh giá, không có sự phân biệt HS giỏi, khá, trung bình, yếu, HS không bị mặc cảm, áp lực về điểm số. GV kịp thời phát hiện tiến bộ của HS để động viên, khích lệ và phát hiện những hạn chế để hướng dẫn, giúp đỡ HS trong quá trình học tập. Đánh giá theo thông tư 30 thực sự mang tính nhân văn, đánh giá vì sự tiến bộ của HS.

Thông tư 30 ngày càng trở nên "méo mó"Việc ghi chép quá nhiều đang là nỗi ám ảnh của nhiều giáo viên khi thực hiện Thông tư 30

Đánh giá bằng nhận xét sẽ sẽ công nhận kết quả và chỉ ra cho học sinh chỗ nào học sinh làm đúng, chỗ nào học sinh còn thiếu, chưa đúng để học sinh còn có hướng khắc phục và cố gắng, giáo viên có biện pháp hỗ trợ để bù lấp chỗ trống.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên trực tiếp đứng lớp cho rằng, việc thực hiện TT30 còn gây áp lực cho giáo viên . Cụ thể, mất nhiều thời gian ghi lời nhận xét thường xuyên vào vở học sinh và vào sổ theo dõi chất lượng. Quả tình, nếu mỗi tiết mà quy định ấn định phải nhận xét vào bao nhiêu quyển vở thì giáo viên chỉ cố gắng thực hiện nhiệm vụ này sẽ đâu còn thời gian cho việc hướng dẫn, hỗ trợ giúp đỡ học sinh học tập và như thế thì chất lượng giáo dục sẽ ra sao?

Giải đáp vấn đề này cô Sơn nhấn mạnh, phải chăng, chúng ta đang chưa hiểu đúng qui định của TT30 Theo văn bản hướng dẫn 6169 của Bộ đã thống nhất “Chỉ đạo cán bộ quản lí, cán bộ cốt cán hỗ trợ, giúp đỡ giáo viên trong đánh giá thường xuyên bằng nhận xét: được quyền chủ động vận dụng một cách linh hoạt, có thể bằng "lời nói" hoặc là “viết” phù hợp với học sinh và nhà trường, đúng với yêu cầu của việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét”. Như vậy, đánh giá bằng lời nhận xét là để giúp các em học sinh biết được kết quả, nỗ lực của cá nhân mình đã được các thầy cô ghi nhận, xem xét như thế nào, qua đó giúp em học sinh đó, cùng với sự hỗ trợ của phụ huynh tự điều chỉnh cách học để đạt kết quả tốt hơn; vậy thì đâu nhất thiết phải viết vào vở học sinh lời nhận xét mới là thực hiện đánh giá!

Thông tư 30 ngày càng trở nên "méo mó"Nếu giáo viên nào cũng làm tốt được ngay thì đó không phải là sự đổi mới

Trong khi đó cô Phạm Thị Yến – Hiệu trưởng trường tiểu học Thành Công B (Hà Nội) bày tỏ: “Nếu ai cũng thực hiện được mà làm được ngay thì đó không phải là sự đổi mới. Theo quan điểm của tôi thì một khi đã đổi mới thì phải khó khăn, nhiều người chưa làm được cũng là chuyện thường tình. Vấn đề ở đây là giáo viên tiếp nhận sự đổi mới đó thế nào, có quyết tâm làm hay không mà thôi”

Cô Yến cũng cho hay, thực tế ở trường cho thấy, khi đánh giá học sinh bằng nhận xét thì phụ huynh phải quan tâm đến con em của mình hơn. Chỉ có đọc nhận xét thì phụ huynh mới biết con mình có thế mạnh gì, cần phải khắc phục những điểm gì… Chính điều này đã kéo phụ huynh gần lại với con cái và nhà trường hơn.

“Không có quy định nào là hoàn hảo cả và Thông tư 30 cũng không phải là ngoại lệ. Nhiều phụ huynh bày tỏ thích Thông tư 30 nhưng cũng có người lại thích điểm số hơn, chuyện này là hết sức bình thường. Cá nhân tôi cho rằng, Bộ GD-ĐT cần phải lắng nghe giáo viên để điều chỉnh những bất cập của Thông tư 30. Chẳng hạn như ở học kì 1 việc phải ghi nhận xét đầy đủ vào học bạ là không cần thiết. Chúng ta chỉ cần ghi một lần ở cuối năm học là đủ” – Cô Yến bày tỏ quan điểm.

Khi sự sáng tạo bị “kìm kẹp”

Nhiều giáo viên tiểu học khi thực hiện Thông tư 30 cho rằng, việc ghi chép là quá nhiều đôi khi là không cần thiết. Đối với giáo viên bộ môn thì hàng ngày phải mang theo bên mình hàng chục quyền sổ theo dõi chất lượng rồi lại ghi lời nhận xét… Trong khi đó ở thông tư 32 trước đây, giáo viên bộ môn nhẹ nhàng hơn nhiều bởi Bộ GD-ĐT xây dựng bộ tiêu chí chứng cứ và chỉ cần tích đánh giá là xong.

Câu hỏi được đặt ra: Với Thông tư 30 thì có thể thực hiện như cách mà Thông tư 32 đã từng thực hiện được không?

Cô L.T.H - Hiệu trưởng của một trường tiểu học của huyện Gia Lâm khẳng định: Nếu các tổ bộ môn ngồi lại với nhau thì việc để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá áp dụng cho trường của mình không phải là khó. Vấn đề khó hiện nay là không có hướng dẫn về việc này nên khi thực hiện cũng gặp bất cập.

“Chúng tôi đã tự xây dựng được một bộ tiêu chí dành riêng cho trường của mình để đánh giá học sinh. Dựa trên bộ tiêu chí này thì trường mã hóa để giúp giáo viên bớt phải ghi chép. Tuy nhiên khi đưa ý tưởng này lên cấp trên lại không được chấp nhận” – cô L.T.H nói.

Thông tư 30 ngày càng trở nên "méo mó"Giáo viên sáng tạo mã hóa để giảm bớt việc phải ghi chép quá nhiều nhưng đáng tiếc lại không được áp dụng

Chia sẻ về cách dùng mã hóa, cô Phạm Thị Yến cho rằng: Việc dùng mã hóa hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng mấu chốt là Bộ GD-ĐT lại không có một hướng dẫn nào nói giáo viên được phép thực hiện điều đó. Khi không có văn bản chính thức thì tất nhiên giáo viên vẫn phải làm theo cách cũ mà không dám sáng tạo.

Ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội từng khẳng định, tinh thần của Thông tư 30 đã rất mở, giao quyền chủ động cho nhà trường và các giáo viên. Sổ theo dõi chất lượng thay cho sổ điểm trước đây cần được hiểu là sổ để cô theo dõi tình hình học tập của học sinh. Ghi không phải để đối phó cấp trên, chỉ cần các cô hiểu và diễn giải được tình hình của bất kỳ em nào khi có ai đó hỏi là được. Để giảm áp lực ghi chép, bớt đi những lời nhận xét sáo rỗng thiết nghĩ thầy cô có thể nghĩ ra những ký hiệu riêng mã hóa cho lời nhận xét. Có thể là dấu mũi tên đi lên, đi xuống, hay dấu sao,…Mỗi cô một cách ghi, cách hiểu, sẽ không ai giống ai. Cuối hay đầu sổ chỉ cần dán một bảng giải mã các ký hiệu đó là được.

Tuy nhiên Sở GD-ĐT Hà Nội lại chưa mạnh dạn trong việc ra một văn bản hướng dẫn để giáo viên có thể yên tâm sáng tạo trong việc mã hóa thay vì phải ghi chép nhiều.

Sự “kìm kẹp” của cơ sở quản lý kết hợp với việc giáo viên ngại sáng tạo, ngại đổi mới đang làm cho Thông tư 30 ngày càng trở nên "méo mó". Giờ đây mục tiêu về tính nhân văn của Thông tư 30 đang là nỗi ám ảnh của nhiều thầy cô.

Để giải quyết bài toán này có lẽ Bộ GD-ĐT cần phải làm việc với các địa phương trong việc thực hiện “cởi trói” về quản lý. Chỉ có sự thay đổi về quản lý mới thúc đẩy được giáo viên mạnh dạn sáng tạo để thực hiện những chủ trương mới của ngành.


Theo Dân trí, nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thong-tu-30-ngay-cang-tro-nen-meo-mo-20160520090225413.htm