Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Dạy hai ngoại ngữ: khó duy trì vì thiếu giáo viên

Mặc dù chỉ thị về việc dạy hai ngoại ngữ trong các trường phổ thông, chuyên nghiệp được đưa ra từ năm 1968 nhưng đến nay chương trình này vẫn tồn tại nhiều vấn đề, đặc biệt là căn bệnh kinh niên: thiếu giáo viên.

Thông tin này được nhiều đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Giảng dạy nhiều ngoại ngữ trong nhà trường: lợi ích và thách thức” do Bộ GD-ĐT, Trung tâm tiếng Pháp châu Á - Thái Bình Dương và Đề án tăng cường tiếng Pháp tổ chức tại Đà Nẵng ngày 12-12.

TS Vũ Thị Tú Anh - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, phó trưởng Ban quản lý đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 - cho biết từ năm 1968, Chính phủ đã có chỉ thị về việc dạy hai ngoại ngữ trong các trường phổ thông, các trường chuyên nghiệp. Tới nay, quy định ngoại ngữ được dạy và học trong các cơ sở quốc dân là tiếng Anh và một ngôn ngữ khác (tiếng Anh hiện chiếm đến 98%, 2% là các ngoại ngữ khác). Ngoài đào tạo môn ngoại ngữ bắt buộc (NN1), học sinh tự chọn học thêm ngoại ngữ khác (NN2). Bộ GD-ĐT đã và đang hợp tác với các tổ chức quốc tế để dạy cho hơn 80.500 học sinh học tiếng Pháp, 5.229 học tiếng Nhật, gần 5.000 học tiếng Trung...

Nan giải đề án ngoại ngữ vì thiếu giáo viên

Chủ đề nổi bật được thảo luận tại hội thảo là nguồn giáo viên để phục vụ chương trình bộc lộ nhiều vấn đề. Ông Ngô Văn Hợi, phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh, băn khoăn ngay tại tỉnh này lãnh đạo chỉ đạo không tăng biên chế, tăng thì bị kỷ luật. Từ đó dẫn đến chuyện có 2-3 trường dùng chung giáo viên hoặc dùng giáo viên của trung tâm GDTX. Đại diện Sở GD-ĐT Hải Phòng đã nêu: “Muốn dạy thì cái đầu tiên phải có là giáo viên, nhưng giáo viên hiện rất thiếu. Với nguồn lực này đề nghị Bộ GD-ĐT hỗ trợ”.

Đại diện sở GD-ĐT các tỉnh Bến Tre, Khánh Hòa cũng “than” rất khó duy trì NN2 tiếng Pháp bởi thiếu phòng học, cơ sở vật chất. Ban giám hiệu các trường rất ngại mở tiếng Pháp vì phải thêm việc, không có định biên, không có cơ chế chính sách. Giáo viên đang dạy tiếng Anh, nay dạy thêm một ngoại ngữ thì không biết lấy kinh phí đâu ra. Thu của học sinh thì không được.

Tại hội thảo, TS Vũ Thị Tú Anh đánh giá cao những kết quả nổi bật của TP.HCM khi thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường. Theo bà Anh, tiếng Anh tăng cường tại TP.HCM thậm chí đã đi trước cả Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 gần 10 năm. Tiếng Anh tăng cường tại đây được áp dụng từ lớp 1 đến lớp 12 theo hình thức bắt buộc hoặc tự chọn. “Có những chỉ số rất đáng ghi nhận, sau bảy năm TP.HCM đã nâng thêm 1/3 số học sinh, sinh viên đi học ở nước ngoài. Đây được xem là chỉ số vàng” - bà Anh nhận định.

Cùng với TP.HCM, chương trình song ngữ của tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng được đánh giá thuộc top xuất sắc nhất trong cả nước. Học sinh tại đây được học ba ngôn ngữ là Anh, Pháp, Nhật bắt đầu từ tiểu học. Với học sinh ở TP thì phụ huynh chọn ngoại ngữ cho con từ lớp 1, còn với các em ở nông thôn thì học từ lớp 3.

Kiểm điểm nghiêm khắc hiệu trưởng Trường CĐ Xây dựng số 2

Sáng 13-12, đoàn thanh tra Bộ Xây dựng đã có buổi làm việc tại Trường CĐ Xây dựng số 2 để công bố những sai phạm của trường này.

Theo đó, đề nghị kiểm điểm nghiêm khắc đối với hiệu trưởng Chu Văn Quyết đã không thực hiện đúng các quy định về quy chế quản lý tài chính trong việc ký hợp đồng, trả tiền cho Công ty Tân Kiến Tạo để đưa sinh viên đi thực tập trong khi hợp đồng không được thực hiện. Đồng thời trong quản lý, điều hành Trung tâm đào tạo ngành nước miền Nam còn có khuyết điểm trong việc thực hiện không đúng các quy định của quy chế quản lý tài chính, luật kế toán và luật quản lý thuế.

Kết luận thanh tra cũng đề nghị chấn chỉnh, củng cố, kiện toàn công tác tổ chức, đặc biệt đối với cán bộ chủ chốt của nhà trường, vì hiện nay cả ba người trong ban giám hiệu đều đã hết nhiệm kỳ chưa được bổ nhiệm lại; nhiều cán bộ trưởng phòng, khoa, ban cũng đã hết nhiệm kỳ chưa được bổ nhiệm lại. Chấn chỉnh công tác tài chính kế toán của nhà trường, lựa chọn cán bộ có đầy đủ phẩm chất chính trị và chuyên môn để bổ nhiệm kế toán trưởng theo quy định của Luật kế toán đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ của nhà trường.

Tổng hợp TTO