>> Tuyển sinh , tỉ lệ chọi 2014, điểm thi tốt nghiệp 2014, điểm thi đại học 2014

Năm nay, Bộ GD-ĐT cho phép các trường được tự do chọn môn thi chính để nhân hệ số 2 trong xác định điểm chuẩn xét tuyển. Tuy nhiên cách thực hiện của một số trường hiện khá tùy tiện, không có cơ sở hợp lý.

Nhân hệ số môn văn khối D1 ?

Theo phương án thay thế điểm sàn được Bộ triển khai thực hiện từ năm 2014, các trường được phép xác định điểm chuẩn xét tuyển sau khi nhân hệ số môn chính với tất cả các khối thi. Tuy nhiên, trung bình điểm xét tuyển sau khi nhân hệ số không thấp hơn trung bình điểm xét tuyển cơ bản theo quy định của Bộ mà trường đã lựa chọn. Quy định này đã khắc phục được hạn chế của quy định cũ (tạo “lỗ hổng” cho các trường tuyển sinh dưới điểm sàn khi nhân hệ số các môn năng khiếu). Khi chọn phương án này, Bộ hướng đến mục tiêu tạo cơ hội trúng tuyển cao hơn cho các thí sinh giỏi môn thi chính và giúp trường tuyển được thí sinh phù hợp.

Tuy nhiên, quy định nói trên lại cho phép những thí sinh có điểm môn chính cao nhưng có tổng điểm 3 môn thi dưới mức điểm xét tuyển cơ bản (điểm sàn cũ) vẫn có khả năng trúng tuyển. Có thể nói, đây sẽ là một lợi thế để các trường khó tuyển sinh có cơ hội tăng nguồn tuyển. Trên thực tế, các trường xác định môn nhân hệ số khác nhau. Bên cạnh một số trường chọn môn nhân hệ số khá hợp lý, có những trường xác định môn này không phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Tuyển sinh 2014: Thiếu hợp lý quy định môn nhân hệ số

Tuyển sinh 2014: Thiếu hợp lý quy định môn nhân hệ số

Cùng tuyển sinh nhóm ngành kinh tế nhưng Trường ĐH Cần Thơ xác định môn thi chính để nhân hệ số 2 là toán, chung cho cả 3 khối A, A1 và D1. Trong khi đó, Trường ĐH Thành Tây xác định môn thi chính khối A là vật lý, còn khối D1 là văn học. Tại Trường ĐH Cần Thơ, cùng nhóm ngành sinh học nhưng ngành sư phạm sinh học và sinh học nhân hệ số môn sinh trong khi ngành sinh học ứng dụng lại là toán. Trong khi đó, cũng tuyển sinh 3 khối A, A1 và D1 nhưng Trường ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội chỉ xác định môn thi chính cho 2 khối A1 và D1 là tiếng Anh.==>Đại học Cần Thơ nhân hệ số môn thi 69 ngành đào tạo

Chọn thí sinh có năng lực hay lấy nhiều chỉ tiêu ?

Nói về điều này, GS-TS Nguyễn Hữu Khiển, Hiệu trưởng Trường ĐH Thành Tây cho biết: “Môn được chọn làm môn thi chính nhân hệ số là những môn thí sinh thường đạt điểm cao ở các kỳ thi trước. Vì vậy việc nhân hệ số các môn này sẽ giúp tổng điểm thí sinh tăng lên, số lượng thí sinh trúng tuyển vào trường nhiều hơn”. Ông Khiển còn nhấn mạnh: “Sẽ không trường nào chọn môn thi chính để nhân hệ số nhằm mục đích giảm số lượng thí sinh trúng tuyển vào trường mình”.

Lý giải về cách chọn lựa của trường mình, thạc sĩ Lê Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính - Ngân hàng Hà Nội nói: “Sở dĩ chọn môn tiếng Anh cho 2 khối A1 và D1 vì trường nhận thấy sinh viên ngành kinh tế thực sự phải giỏi ngoại ngữ mới có thể làm tốt công việc khi ra trường. Với khối A, việc nhân hệ số môn nào cũng không thực sự cần thiết. Nếu nhân môn lý và hóa sẽ rất vô lý, còn môn toán tuy cần nhưng không đến mức phải nhân hệ số”. Ông Tuấn còn lo ngại, việc nhân hệ số môn toán có thể sẽ gây bất lợi cho thí sinh trong quá trình tuyển sinh đầu vào bởi lẽ môn toán khó đạt điểm cao nên sẽ hạn chế khả năng trúng tuyển của thí sinh.

Nhiều năm nay, ĐH Quốc gia TP.HCM đã cho phép một số trường ĐH thành viên áp dụng nhân hệ số môn thi chính trong xác định điểm trúng tuyển như: Công nghệ thông tin, Khoa học xã hội và nhân văn, Kinh tế - Luật… Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH chia sẻ: “Mục tiêu việc chọn môn thi chính nhằm tuyển được thí sinh có năng lực ở lĩnh vực kiến thức cần thiết cho ngành nghề đào tạo. Do vậy, việc chọn lựa môn thi nhân hệ số phải được xác định nghiêm ngặt dựa vào mục tiêu này”.

Theo Hà Ánh, Thanh niên