Sự kiện: Điểm thi 2013, Diem thi dai hoc, điểm thi đại học


Chỉ còn 2 ngày nữa, gần 1 triệu thí sinh (TS) trên cả nước bước vào kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đầy căng thẳng. Thời điểm này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã hoàn tất. TS các tỉnh đã rậm rịch chuẩn bị hành trang đến địa điểm thi đại học. Tuy nhiên, về phía các cơ sở ĐH, vẫn có có điểm khiến họ chưa thực sự yên tâm là quy định cho phép TS mang vào phòng thi thiết bị công nghệ cao.

Vẫn lắm băn khoăn

Được biết, mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 là năm thứ 2 Bộ GD-ĐT cho phép TS mang thiết bị công nghệ cao vào phòng thi nhằm phát hiện tiêu cực thi cử. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường cho biết, rất khó để nhận diện đúng các thiết bị, nhất là khi hiện nay các thiết bị ghi âm, ghi hình được sản xuất ngày càng tinh vi.

Bộ GD-ĐT đã có quy định cho phép các TS được mang vào phòng thi những loại máy ghi âm, ghi hình dạng “3 không”, tức là không có loa và tai nghe; không có màn hình hiển thị hình ảnh và không có bộ phận chức năng truyền thông tin ra ngoài (không có loa, tai nghe, không có màn hình hiển thị thông tin, không có 3G, 4G, WiFi, Bluetooth...).

Về vấn đề này, trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây về việc cho phép TS mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi, ông Bùi Văn Ga- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT thông tin thêm: Bộ GD-ĐT nghiêm cấm TS mang tài liệu, điện thoại di động, các thiết bị công nghệ cao nhằm mục đích gian lận trong quá trình làm bài thi như iWatch, Google Glass... hay các thiết bị tương tự khác.

"TS sẽ bị đình chỉ thi đại học ngay lập tức nếu mang vào phòng thi những vật dụng cấm dù đã sử dụng hay chưa sử dụng. Đây là điều mà TS phải đặc biệt lưu ý", ông Bùi Văn Ga nói.

Tuy nhiên, "iWatch, Google Glass là những thiết bị công nghệ cao rất hiếm gặp, cũng ít TS có cơ hội sở hữu những thiết bị hiện đại này. Do vậy nếu có TS sử dụng giám thị bình thường sẽ không thể biết mà phân biệt. Nếu muốn giám thị nhận biết được, cần tập huấn kỹ càng", đại diện Học viện Bưu chính Viễn thông cho biết.

Xem điểm thi đại học 2013 tại đây: https://kenhtuyensinh.vn/tra-cuu-diem-thi-thpt-quoc-gia

Không chỉ là những thiết bị công nghệ cao như trên, ngay cả quy định của Bộ GD-ĐT cho phép TS mang vào phòng thi thiết bị ghi âm ghi hình dạng "3 không" cũng đang làm khó nhiều lãnh đạo cơ sở Giáo dục- Đào tạo.

Theo ông Trần Mạnh Dũng - Trưởng Phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng, việc cho phép TS mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình rất phức tạp. Trước mùa tuyển sinh 2012, trường đã đề xuất với Công an TP. Hà Nội (PA83) giới thiệu và trao đổi một số mẫu sản phẩm cho những người làm công tác tổ chức thi. Tuy nhiên, bên Công an chỉ trả lời chung chung là thiết bị đa dạng, rẻ tiền, chủ yếu sản xuất ở Trung Quốc. Chuyên gia kỹ thuật còn "chào thua" thì làm sao chúng tôi nhận diện cho đúng.

"Việc nhận diện sẽ mất rất nhiều thời gian, trong khi đó, trong thời gian ngắn giám thị lại phải quyết định ngay là có cho mang vào phòng thi hay không, vô hình trung tạo áp lực lớn cho giám thị coi thi đại học ", ông Dũng nói.

"Quy định của Bộ GD-ĐT cho phép TS mang thiết bị như máy quay, máy ghi âm, máy ảnh không có chức năng truyền phát tin vào phòng thi khiến cho nhà trường khó khăn trong khâu thực hiện. Nhà trường không đủ chuyên gia kỹ thuật để phân tích, phân biệt tính năng được phép và không được phép mang vào phòng thi những thiết bị mà TS sử dụng. Khi đã không phân biệt được thì không thể xử lý kỷ luật đình chỉ thi với TS”, đại diện Học viện Hành chính than thở.

Theo nhiều lãnh đạo các trường ĐH chuyên về công nghệ thông tin, hiện có rất nhiều thiết bị thu phát được làm dưới dạng máy tính và TS có thể mang vào phòng thi, chỉ cần chụp ảnh, bấm nút, truyền ra ngoài với công nghệ 3G mà hoàn toàn không kiểm soát được. Do vậy hiện có nhiều trường tính đến việc mời chuyên gia công nghệ thông tin đến phổ biến các loại thiết bị ghi âm, ghi hình. Tuy nhiên, theo đại diện ĐH Công đoàn thì mời chuyên gia này khó khả thi, bản thân đội ngũ chuyên gia cũng chưa chắc đã biết hết được các thiết bị công nghệ cao được lưu hành trên thị trường.

Liệu có phải sáng kiến?

Để kiểm soát chặt việc TS mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi, năm nay, một số cơ sở giáo dục đã đưa ra một giải pháp mới là yêu cầu khi TS mang thiết bị công nghệ cao vào phòng thi phải xuất trình giấy chứng nhận các chức năng sử dụng bằng tiếng Việt của nhà sản xuất.

"Vì TS không chứng minh được, nhà trường không kiểm tra được, tốt nhất là muốn sử dụng thì phải theo quy định, nghĩa là phải có giấy chứng nhận của nhà sản xuất" đại diện trường ĐH Bách Khoa Hà Nội (đơn vị đưa ra sáng kiến này cho biết).

Giải pháp này được lãnh đạo một số trường cho là sáng kiến hay vì vừa thực hiện đúng quy định của Bộ, vừa đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, càng thêm nhiều quy định càng làm cho vấn đề rối rắm hơn. Giả sử có TS mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào nhưng là mượn của ai khác hay mua lại đỗ cũ, làm sao xuất trình được giấy chứng nhận của nhà sản xuất.

“Quy định cho mang thiết bị ghi hình vào phòng thi thật chả giống ai. Theo tôi không cho phép mang thiết bị ghi hình vào phòng thi là hơn", là ý kiến của ông Nguyễn Hội Nghĩa- Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Theo ông Bùi Văn Ga- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 đạt được các yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học. Đề thi tuyển sinh không quá khó, quá phức tạp, không ra ngoài chương trình và vượt chương trình trung học, không ra vào những phần giảm tải, cắt bỏ, không đánh đố thí sinh. Ban đề thi của Bộ gồm có các giảng viên ĐH, giáo viên THPT đại diện các khu vực, vùng miền trên phạm cả nước, trong đó giáo viên phổ thông chiếm đa số.

Đối với đề thi các môn xã hội, việc ra đề thi theo hướng mở trong những năm gần đây được xã hội hoan nghênh cũng sẽ được Bộ tiếp thu áp dụng. Điều này sẽ góp phần điều chỉnh dần cách dạy, cách học ở bậc phổ thông. Cách học vẹt, học thuộc lòng... sẽ không còn phù hợp với cách ra đề thi mới.

Kênh tuyển sinh: Nguồn Báo Hải quan