Thi trắc nghiệm toán cho mục tiêu nào?
Ở nhiều trường phổ thông, giáo viên đã bắt đầu dạy toán cho học sinh vừa để thi tự luận vừa thi trắc nghiệm. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Những chia sẻ này đã được các khách mời tranh luận sôi nổi trong chương trình trực tuyến truyền hình do Báo Thanh Niên tổ chức tại địa chỉ thanhnien.vn chiều qua với chủ đề “Thi môn toán: trắc nghiệm hay tự luận?”.

Phương thức thi cần đúng mục tiêu


Tiến sĩ Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, thành viên tổ công tác tuyển sinh Bộ GD-ĐT, cho biết Bộ đã có công văn đề nghị ĐH này chuyển giao những câu hỏi phù hợp để cung cấp nguồn câu hỏi ban đầu cho ngân hàng đề thi trắc nghiệm. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng và chuẩn hóa để có ngân hàng đề thi phù hợp với mục tiêu đặt ra. ĐH này đã có gần 150.000 lượt thí sinh dự thi trong 2 năm qua.

Qua khảo sát, những thí sinh có mức điểm từ 120 điểm bài thi đánh giá năng lực vào ĐH Quốc gia Hà Nội thì hầu hết đều đạt 25 - 26 điểm 3 môn trong kỳ thi THPT quốc gia. Qua đó có thể thấy điểm thi môn toán của học sinh (HS) có mức độ tương đương giữa 2 kỳ thi.

Tuy nhiên, tiến sĩ Hồng thừa nhận: “Bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội có mục đích đánh giá khác với kỳ thi THPT quốc gia của Bộ. Chính vì vậy, chúng tôi phải rà soát để tìm ra những câu hỏi phù hợp. Tuy nhiên, để có một ngân hàng đề thi tối thiểu, với nguồn lực hiện tại, Bộ hoàn toàn thực hiện được”. Cũng theo ông Hồng, ĐH Quốc gia Hà Nội trong năm đầu tiên tổ chức thi đánh giá năng lực đã tạo ra được 4.000 câu hỏi, trong gần 2 năm kế tiếp thêm gần 13.000 câu hỏi.

Nói về kỳ thi THPT, tiến sĩ Sái Công Hồng cho rằng thực tế mỗi năm có hàng triệu lượt thí sinh dự thi nhưng chỉ một bộ phận nhỏ HS tiếp tục học chuyên sâu về toán. “Vì vậy, với mục tiêu ban đầu của kỳ thi nhằm đánh giá HS trên diện rộng để xét công nhận tốt nghiệp thì phương thức thi trắc nghiệm hoàn toàn có thể đáp ứng được. Một số trường ĐH vẫn có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển. Còn thực tế đã có những trường ĐH tổ chức kỳ kiểm tra năng lực riêng và chỉ lấy điểm này để làm điểm sàn xét tuyển nhằm giảm áp lực cho xã hội”, ông Hồng nói.

Cần ngân hàng đề thi chuẩn hóa


Theo tiến sĩ Sái Công Hồng, nếu không có một ngân hàng đề thi chuẩn hóa, việc thi trắc nghiệm rất khó khăn. Các câu hỏi phải được thử nghiệm trực tiếp trên HS mới đánh giá được sự phù hợp và tính chất phân loại. Ông Hồng nói: “Với 17.000 câu hỏi này, chúng tôi có một bộ phận thực hiện riêng, huy động lực lượng rộng lớn. Đội ngũ thực hiện câu hỏi này cần phải được tập huấn kỹ để tạo ra những câu hỏi phù hợp”.

Ông Hồng cho rằng điều quan trọng nhất là Bộ nên sớm công bố đề minh họa để xã hội biết được đề thi trắc nghiệm có đánh giá được HS như đề tự luận không.

Dù ủng hộ phương thức thi trắc nghiệm với môn toán nhưng ông Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (TP.HCM) vẫn có đề xuất cụ thể cho việc áp dụng hình thức này với đề thi năm nay. “Có thể sử dụng đồng thời cả 2 phương thức cho đề thi. Nếu chỉ thi trắc nghiệm cho đề thi sử dụng đồng thời cả 2 mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ thì không hay”, ông Toàn nói.

Học sinh không thích thi trắc nghiệm ngay năm 2017


Ông Trần Văn Toàn cho biết vừa thực hiện khảo sát với khoảng 100 HS về việc lựa chọn phương thức thi. Chỉ có 3 HS thích thi trắc nghiệm môn toán trong khi hầu hết thích thi trắc nghiệm môn lý và hóa với lý do đã quen hình thức thi này. Từ đó, ông Toàn nói: “Ước gì Bộ triển khai thi trắc nghiệm chậm lại để xã hội kịp chuẩn bị tâm lý. Vấn đề hiện nay ở đây là có nhất thiết phải thi trắc nghiệm ngay trong năm nay trong khi năm 2018 chúng ta mới bắt đầu thay sách giáo khoa”.


Thạc sĩ Phạm Hồng Danh, Trưởng bộ môn toán cơ bản Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, bình luận: “Bộ đã phạm luật khi đưa ra phương án thi này vì muốn thay đổi cần phải công bố 3 năm trước khi thực hiện. Tôi hoàn toàn không đồng ý thi trắc nghiệm môn toán vì như vậy sẽ thui chột một phần năng lực toán học của HS”. Theo ông Danh, cốt lõi của môn toán là dạy HS phương pháp tư duy logic, khả năng lý luận và trình bày để có nội lực nền tảng nghiên cứu các lĩnh vực khoa học khác. Thi trắc nghiệm môn toán sẽ gây ra hệ lụy lớn lao với nền giáo dục quốc gia. Từ thay đổi hình thức thi sẽ dẫn đến đổi mới cách dạy học, cả thầy và trò sẽ thiếu sự đào sâu rốt ráo đến tận cùng một vấn đề.

Trước ý kiến này, tiến sĩ Sái Công Hồng nói: “Khi ra đề thi, chúng tôi phải tính toán HS cần trải qua bao nhiêu bước tư duy để ra đáp án. Dù là trắc nghiệm hay tự luận HS vẫn phải tư duy từng bước để ra đáp án đúng. Hơn nữa, chúng tôi cũng tìm mọi cách để hạn chế khả năng HS đoán mò khi lựa chọn đáp án ở mức thấp nhất”.

Ông Trần Văn Toàn thừa nhận mỗi phương thức thi có ưu và khuyết điểm khác nhau. Trong đó, xét về kỹ thuật phương thức thi trắc nghiệm đảm bảo hơn, chấm thi nhanh và chính xác hơn hình thức tự luận. Chi phí tổ chức thi trắc nghiệm cũng đỡ tốn kém hơn. Hơn nữa, số lượng câu hỏi nhiều trong đề trắc nghiệm có khả năng đánh giá bao quát kiến thức của HS hơn bài tự luận. Phổ điểm trắc nghiệm rộng giúp nhìn rõ hơn năng lực của từng HS.

Tuyển sinh 2017


Ý kiến

Vẫn phải suy luận


Đề thi trắc nghiệm ra tốt sẽ có những câu hỏi mang tính tư duy cao, suy luận chặt chẽ (các câu nâng cao), tránh tình trạng các câu hỏi chỉ toàn định lượng. Như vậy đề cho có chất lượng vẫn đánh giá được khả năng tư duy, suy luận, sự hiểu biết căn bản một cách thấu đáo, độ nhanh nhạy và kỹ năng của HS. Năm nay, vẫn có thể cho thi bằng phương pháp trắc nghiệm môn toán vì HS đã quen với làm bài trắc nghiệm các môn lý, hóa, sinh và Anh văn trong nhiều năm.

Thạc sĩ Ngô Thiện
(Trưởng bộ môn toánTrường ĐH Nông Lâm TP.HCM)

Thi trắc nghiệm có ảnh hưởng tiêu cực đến tư duy toán học ?


Tính đến thời điểm hiện tại, chúng ta chưa có nghiên cứu có căn cứ thực chứng xác đáng nào khẳng định rằng việc thi tốt nghiệp trắc nghiệm toán ảnh hưởng tiêu cực tới tư duy toán học của HS. Một số kinh nghiệm từ: Mỹ, Hàn Quốc, Thụy Điển, Israel cũng không cho thấy có mối liên hệ nhân quả giữa chính sách sử dụng bài thi trắc nghiệm môn toán và tư duy toán học của HS, sinh viên cũng như thành quả của cả một nền toán học của một đất nước.

Phạm Ngọc Duy
(Nghiên cứu sinh Trường ĐH Massachusetts Amherst, Mỹ)

 


Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/thi-trac-nghiem-toan-cho-muc-tieu-nao-744449.html