Trước đó, khi một độc giả bày tỏ băn khoăn liệu quy chế tuyển sinh sau khi lấy ý kiến và được hoàn thiện vào đầu năm 2015 có còn hiệu lực đến năm 2017 hay không, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết: “Theo quyết định của Quốc hội, chương trình SGK mới sẽ được triển khai vào năm học 2018-2019. Số học sinh vào đại học của chương trình này nhanh nhất là 2021. Như vậy quy chế hiện nay sẽ ổn định đến năm 2021”.

Trên đây là phần ông Phạm Vũ Luận và ông Mai Văn Trinh trả lời thắc mắc của độc giả trong buổi giao lưu trực tuyến do Vnexpress tổ chức từ 10h00 sáng ngày 23-12. Bên cạnh vấn đề vừa nêu, nhiều vấn đề khác cũng đã được hai vị lãnh đạo ngành Giáo dục giải đáp.

Một số thay đổi thu hút sự chú ý của dư luận bao gồm thang điểm được sử dụng trong việc chấm thi năm nay dự kiến sẽ là 20, thay vì 10 như những năm trước. Lý giải việc lựa chọn này, ông Mai Văn Trinh phát biểu việc cho thang điểm 20 và chấm chi tiết đến 0,25 điểm thì thang điểm được chia dày hơn và sát với kết quả làm bài của thí sinh hơn.

Mặt khác, mở rộng thang điểm cũng hỗ trợ tốt hơn cho các trường ĐH-CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Với thang điểm 10, số lượng thí sinh cùng đạt một mức điểm có thể lớn. Ví dụ: nếu điểm trúng tuyển là 17 điểm thì còn thiếu một số chỉ tiêu nhưng hạ xuống 16,5 thì lại vượt chỉ tiêu quá mức cho phép. Với việc dùng thang điểm 20 chia thành nhiều mức sẽ góp phần khắc phục tình trạng này. Việc sử dụng thang điểm 20 không làm thay đổi cách làm bài thi của thí sinh.

Về nội dung thi, ông Trinh cho biết, trong kỳ thi THPT 2015, đề thi sẽ tương tự như đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 với nội dung trong chương trình phổ thông chủ yếu lớp 12. Đề thi tiếp tục sử dụng các câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, các câu hỏi mở để trả lời chứ không đặt nặng việc ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.

Đối với các học sinh có bằng tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế theo hướng dẫn tại công văn số 6031 ngày 23/10/2014 của Bộ GD&ĐT sẽ được miễn thi tốt nghiệp môn này và dự kiến được cho điểm tối đa. Tuy vậy, để lấy điểm ngoại ngữ xét tuyển vào trường ĐH, CĐ thì các học sinh vẫn phải đăng ký dự thi môn Ngoại ngữ để lấy điểm ứng tuyển vào các trường. Điều này được Bộ lý giải cần tôn trọng quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học.

Về vấn đề sách giáo khoa, có thắc mắc là tại sao Việt Nam không học hỏi từ các bộ sách giáo khoa của nước ngoài, như trường hợp Hàn Quốc đã từng làm mà cứ loay hoay cải cách giáo dục suốt 40 năm qua, Bộ trưởng Luận giải đáp: “Trong nghị quyết của Đảng đã nói chúng ta phải kế thừa thành tựu và kinh nghiệm đã có của Việt Nam, học hỏi có chọn lọc thành tựu của giáo dục quốc tế phù hợp với điều kiện của Việt Nam để vừa cập nhật được tiến bộ nhưng phải giữ được bản sắc và đặc trưng của con người Việt Nam mới. Vì vậy chúng ta phải tránh cả hai khuynh hướng: không học hỏi hoặc sao chép máy móc những tiến bộ của thế giới mà không chú ý đến điều kiện cụ thể của đất nước và của ngành giáo dục.”

Với việc gộp 2 kỳ thi thành một như sắp đến, theo phát biểu của Bộ trưởng Luận thì chi phí tổ chức thi cử sẽ giảm được khoảng 320 tỷ đồng. Một phần trong khoản tiết kiệm này sẽ được dùng để hỗ trợ học sinh chỉ thi tốt nghiệp.

Theo Báo Kinh tế Sài Gòn, tin gốc: http://www.thesaigontimes.vn/124380/thi-tot-nghiep-va-dai-hoc-se-on-dinh-den-2021.html/

Từ khóa: tuyển sinh 2015, kỳ thi THPT quốc gia