Thi tốt nghiệp THPT quốc gia: Trường lo lắng, trò băn khoăn

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên môn văn Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng), trong một tiết dạy, ôn tập cho học sinh lớp 12/1 chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia - Ảnh: Phan Thành

Mặc dù còn hơn ba tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia mới chính thức diễn ra, nhưng từ sau tết các trường đã bắt đầu lên kế hoạch “chạy đua” ôn thi, tăng tiết, truy bài... để học sinh nắm vững kiến thức trước ngày “vượt vũ môn”.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường THPT trên địa bàn TP Đà Nẵng vẫn rất lo lắng bởi chưa biết ra đề cương ôn thi như thế nào cho phù hợp với quy chế thi mới và khá mù mờ về thông tin tuyển sinh của từng trường ĐH, CĐ.

Ôn thi trong lo lắng

Trường THPT Phan Châu Trinh (Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) có 34 lớp 12 với gần 1.500 học sinh. Từ đầu năm học, khi nghe thông tin rục rịch có kỳ thi “2 trong 1” nhà trường đã lên kế hoạch, chuẩn bị giáo trình ôn thi cho các em.

Thầy Trần Văn Quang, hiệu trưởng nhà trường, cho biết hiện đã cho toàn thể học sinh khối 12 đăng ký thử các môn thi tự chọn. Sau khi có kết quả trường sẽ lên kế hoạch tăng tiết, cho thi thử theo nguyện vọng từng môn đăng ký của học sinh. Ngoài ra, trường giao giáo viên từng bộ môn soạn đề cương đưa lên trang web của trường để phụ huynh, học sinh tham khảo.

Tuy nhiên theo thầy Quang, vẫn còn nhiều vấn đề mà cả giáo viên lẫn học sinh rất băn khoăn. “Theo tôi được biết, nhiều trường ĐH chưa có hướng dẫn chi tiết các môn tuyển sinh. Bên cạnh đó, cả giáo viên và học sinh đang phân vân cấu trúc, dạng đề vừa thi tốt nghiệp vừa xét ĐH không biết sẽ như thế nào. Ôn thì vẫn ôn nhưng lo lắng” - thầy Quang nói.

Tương tự, một số trường THPT trên địa bàn TP Đà Nẵng như Trần Phú, Nguyễn Hiền, Hòa Vang, Hoàng Hoa Thám... cũng đang ráo riết tăng tiết, ôn thi cho học sinh của mình. Lãnh đạo Trường THPT Trần Phú cho hay năm nay toàn trường có 970 học sinh lớp 12 dự kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét vào ĐH. Trường hoàn thành việc cho học sinh đăng ký các môn thi tự chọn và có quyền chọn giáo viên yêu thích dạy ôn thi với thời khóa biểu tăng 2 tiết/tuần.

Theo thầy Lê Vinh - hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, các năm trước khi có văn bản quy chế thi thường kèm theo hướng dẫn nhưng năm nay thì không. Hầu hết giáo viên lẫn học sinh không hình dung được thay đổi đề án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ sẽ ra sao dẫn đến việc ôn tập, đăng ký thi gặp trở ngại.

“Định hướng ra đề còn chung chung, chưa cụ thể, mỗi người hiểu theo một kiểu dẫn đến trường cũng chỉ đạo chung. chung. Tất cả thay đổi phải theo một lộ trình cho trước, đằng này thay đổi gấp quá. Mong bộ sớm có hướng dẫn để các trường có kế hoạch” - thầy Vinh nhấn mạnh.

Băn khoăn về thời gian thi

Khác với những năm trước, kỳ thi tốt nghiệp THPT được diễn ra đầu tháng 6. Thế nhưng với đề án kỳ thi quốc gia “2 trong 1” năm nay, học sinh sẽ thi vào đầu tháng 7, chậm hơn một tháng so với mọi năm. Nhiều thầy cô, học sinh băn khoăn trong một tháng đó kế hoạch dạy, học ôn thi diễn ra như thế nào.

Thầy Lê Văn Hoàng, giáo viên bộ môn hóa Trường THPT Trần Phú, cho hay đổi mới kỳ thi hi vọng giảm được nhiều rủi ro trong thi cử và đỡ tốn kém tiền bạc của Nhà nước. Thế nhưng do là năm đầu tiên đổi mới nên việc ôn luyện cho học sinh gặp nhiều khó khăn.

“Hằng năm trường ôn thi đến hết cuối tháng 5, đầu tháng 6 các em bắt đầu thi nên kiến thức các em nắm chắc. Còn năm nay, lịch thi sẽ chậm hơn một tháng nên vẫn chưa biết kế hoạch ôn luyện cho các em như thế nào cho đảm bảo” - thầy Hoàng lo lắng.

Cùng chung tâm trạng đó, nhiều thầy cô cho rằng ngoài việc ôn thi còn làm công tác tư tưởng cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Châu, giáo viên có hơn 30 năm đứng lớp bộ môn văn của Trường THPT Trần Phú, cho hay nhiều học sinh có tâm lý lo sợ vì không hình dung được dạng đề đổi mới sẽ ra sao. Tuy nhiên, quan điểm cá nhân của cô là cho học sinh ôn thi, nắm vững kiến thức một cách chắc chắn. Trong quá trình dạy, cô còn làm công tác tư tưởng cho học sinh thoải mái và tự tin để đối mặt với kỳ thi.

Em Nguyễn Thị Xuân Huệ, học sinh lớp 12/10 Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng), tâm sự do là kỳ thi gộp nên còn khá mới mẻ, xa lạ. Huệ lo lắng và dự đoán khả năng đề kỳ thi “2 trong 1” có kiến thức rộng, thách đố học sinh hơn nên sẽ thiệt thòi cho một số bạn có học lực trung bình, yếu.

“Mọi năm em thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra đầu tháng 6. Năm nay kéo dài thêm một tháng nên tâm lý lo lắng và căng thẳng. Hiện trường đã chuẩn bị giáo trình ôn luyện cho tụi em, còn việc ôn thi hết tháng 5 rồi ở nhà tự ôn tiếp hay lên trường ôn vẫn chưa hay” - Huệ hồi hộp.

Theo ông Lê Trung Chinh - giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, ngay khi có quy chế về kỳ thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT, sở đã có văn bản gửi các trường THPT trên địa bàn nghiên cứu và phổ biến đến phụ huynh, học sinh.

Trước ngày 15-3, khi có văn bản hướng dẫn của bộ thì sở chỉ đạo cụ thể hơn đến các trường về việc tập trung dạy học theo hướng dẫn đó để học sinh nắm chắc kiến thức, tâm lý sẵn sàng cho kỳ thi và định hướng chọn nghề nghiệp.

Lo ngại về thời gian kỳ thi diễn ra chậm hơn một tháng so với mọi năm (đầu tháng 7 thay vì tháng 6 như các năm trước) tạo ra “lỗ hổng” kiến thức trong học sinh, ông Chinh cho rằng mặc dù theo biên chế các giáo viên sẽ được nghỉ hè nhưng sở sẽ động viên, chỉ đạo giáo viên vẫn tiếp tục ôn thi cho các em.

“Chúng tôi đang chờ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT chỉ đạo như thế nào, nếu bộ không nói rõ vấn đề này thì sở vẫn xem xét, chỉ đạo các trường ôn thi cho học sinh trong tháng 6” - ông Chinh nhấn mạnh.

Mong chờ chương trình tư vấn tuyển sinh của báo Tuổi Trẻ

Rất nhiều học sinh trên địa bàn TP Đà Nẵng cho hay rất mong chờ đến ngày hội tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ tổ chức vào ngày 15-3 tại Trường THPT Phan Châu Trinh. Theo các học sinh, do kỳ thi “2 trong 1” quy chế còn khá rắc rối nên gặp rất nhiều khó khăn trong nắm bắt thông tin tuyển sinh của từng trường ĐH.

“Em mong tới ngày tư vấn để được gặp trực tiếp và hỏi thật chắc chắn các chuyên gia, thầy cô đến từ các trường ĐH. Hi vọng những giải đáp của chuyên gia, thầy cô sẽ giúp em định hướng được việc chọn ngành, nghề trong tương lai” - một học sinh chia sẻ.

Ông Lê Trung Chinh, giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, đánh giá cao chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ tổ chức thường niên trên địa bàn.

Ông nói: “Đây là chương trình có ý nghĩa, là cầu nối để hỗ trợ phụ huynh, học sinh có thể tháo gỡ những thắc mắc trong chuyện ôn thi, chọn ngành nghề, cơ hội việc làm sau khi ra trường”.

Theo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuyensinh.tuoitre.vn/tin/20150311/truong-lo-lang-tro-ban-khoan/718880.html

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, kỳ thi THPT quốc gia 2015