Tuyển sinh > Thi tốt nghiệp > Môn thi > điểm thi tốt nghiệp

Dù chưa đến ngày đăng ký môn thi tự chọn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhưng kết quả thăm dò cho thấy, số thí sinh đăng ký môn ngoại ngữ, tự nhiên chiếm tỷ lệ lớn.

Đăng ký môn thi tốt nghiệp 2014: Lý - Hóa - Ngoại ngữ áp đảo

Theo công bố mới của Bộ GD&ĐT, thời gian để học sinh đăng ký môn thi tự chọn bắt đầu từ ngày 25/4 và khóa sổ ngày 7/5. Tuy nhiên đến thời điểm này, phần  lớn các trường THPT đều đã cho học sinh đăng ký thăm dò để chuẩn bị kế hoạch ôn tập. Qua khảo sát sơ bộ tại một số trường THPT, những môn có tỉ lệ học sinh đăng ký thi nhiều nhất là Vật lý, tiếng Anh, Hóa học.

Theo thầy Nguyễn Đức Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Cầu Giấy, sơ bộ khảo sát tỷ lệ các em đăng ký tự chọn  môn Vật lý là 66%; Hóa học 56%, tiếng Anh 40%, Địa lý 17%, Sinh học 12% và Lịch sử 1,7%. Theo thầy Nguyễn Quốc Bình -  Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, kết quả thăm dò việc đăng ký chọn môn thi của học sinh cho thấy 62,2% chọn Ngoại ngữ, 53,8% Vật lý, 46,5% Hóa học, 20,2% Địa lý, 6,6% Sinh học, 4,6% Lịch sử. Tại trường THPT Phan Huy Chú, kết quả đăng ký môn tự chọn cũng tương tự, với 80% học sinh đăng ký thi Lý, 60% tiếng Anh, 34% Hóa học, 16% thi Địa lý, còn Sinh và Lịch sử chỉ có 8%.

Đăng ký môn thi tốt nghiệp 2014: Chủ yếu môn tự nhiên

Đăng ký môn thi tốt nghiệp 2014: Chủ yếu môn tự nhiên

Nhận xét về kết quả trên, thầy Nguyễn Quốc Bình cho rằng: “Con số này có thể thay đổi bởi các em vẫn còn thời gian để tiếp tục tìm hiểu, lấy ý kiến tư vấn của thầy cô, cha mẹ trước khi đăng ký chính thức. Tuy nhiên, có thể thấy sự lựa chọn của các em nghiêng về các môn Ngoại ngữ, tự nhiên nhiều hơn môn xã hội, một phần là do các em chọn môn thi theo khối thi đại học mà các em sẽ dự thi; phần nữa vì các em nhận định rằng các môn xã hội sẽ khó có cơ hội đạt điểm cao như môn Ngoại ngữ, tự nhiên”.

Thày Nguyễn Quốc Bình khuyến cáo các em học sinh nên cân nhắc, lựa chọn môn thi theo đúng thực lực của mình để kỳ thi đạt kết quả cao nhất.

Đừng chọn môn thi theo phong trào

Do đây là năm đầu tiên triển khai chọn môn thi tốt nghiệp (ngoại trừ 2 môn cố định là Văn, Toán), nên mỗi trường đều dự tính phương án tổ chức chương trình ôn tập riêng vừa đáp ứng kế hoạch của Sở GD&ĐT vừa phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường. Theo thầy Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), với các môn thi bắt buộc là văn, toán nhà trường đã bắt đầu triển khai tăng tiết ôn tập cho học sinh từ sau Tết. Nhà trường sẽ căn cứ vào kết quả đăng ký các môn tự chọn để tổ chức các lớp ôn tập khác nhau.

Còn theo thày Phan Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) thì do chưa chốt số lượng học sinh đăng ký môn thi tự chọn, nên ngoài việc chỉ đạo các tổ bộ môn thực hiện dạy đủ chương trình, không cắt xén nội dung của các môn học, trường đã có hướng chuẩn bị tổ chức ôn tập theo tinh thần học sinh yếu môn nào thì ôn tập môn đó theo nguyện vọng đăng ký môn thi.

Trước thông tin nhiều học sinh còn “lăn tăn” khi chọn môn thi có ít bạn đăng ký với tâm lý e ngại “ít người thi sẽ khó hơn”, cô giáo Nguyễn Thị Tâm - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo trấn an “các em cần tự tin với lựa chọn của mình, chỉ cần nắm chắc, bám sát kiến thức chương trình lớp 12 là sẽ thi tốt.

Đề sẽ ra theo hướng mở

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Đề thi năm nay, môn ngoại ngữ sẽ có thêm phần tự luận, các đề thi môn khoa học xã hội cũng sẽ tăng khả năng mở, liên hệ nhiều đến thực tế và mang dấu ấn cá nhân của từng học sinh. Để có kết quả thi tốt nhất, các em nên học hiểu bản chất vấn đề chứ không chỉ là học thuộc lòng, bởi đề thi sẽ yêu cầu vận dụng kiến thức vào làm bài tập, giải quyết các vấn đề, hiện tượng trong học tập và trong thực tế. Đặc biệt những môn như lịch sử, ngữ văn thì các em phải rèn luyện năng lực nhận xét, đánh giá các sự kiện, năng lực diễn đạt của mình”.

Theo báo Giao thông vận tải