Lo lắng nhất của TS cũng như các GV là với thang điểm 20, đề thi sẽ được ra theo hướng nào, đặc biệt khi đề thi được sử dụng “2 trong 1”, vừa đảm bảo phân hóa trình độ TS, vừa đạt được hai mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ.

Tuy nhiên, cấu trúc đề thi ra sao thì vẫn hoàn toàn mịt mù. Bộ GD-ĐT chỉ khẳng định: đề thi năm nay vẫn tiếp tục theo hướng đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Nhiều khả năng cấu trúc đề thi sẽ không được công bố.

Cùng nỗi lo lắng trước những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, các chuyên gia tuyển sinh đã lên tiếng về những bất cập trong dự thảo quy chế mới. PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh cho hay, ông rất băn khoăn về quy định sử dụng thang điểm 20.

Theo GS Cương, nếu để phân hóa TS ở mức chênh 1/4 điểm/ 20 điểm như lý lẽ của Bộ GD-ĐT thì cứ sử dụng thang điểm 10 như cũ rồi phân hóa đến 1/8, thậm chí là chấm chi tiết đến 0,1 chứ không chỉ là 0,25 thì yêu cầu phân hóa còn đảm bảo hơn” - PGS Văn Như Cương nói. Cũng theo ông, việc điểm thi dùng thang 20, còn điểm học tập ở lớp 12 dùng thang điểm 10 cũng dẫn tới những rắc rối khiến khi tính toán để xét tốt nghiệp như nhân đôi điểm học lên hoặc chia đôi điểm thi xuống.

Một giảng viên của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ lo lắng rằng khâu ra đề có thể sẽ gặp khó khăn nếu áp dụng thang điểm 20 như dự thảo Bộ GD-ĐT đưa ra. “TS rất băn khoăn liệu với thang điểm này, số câu của bài thi trắc nghiệm có tăng lên 100 hay vẫn 50 câu như năm trước”- chuyên gia này đặt câu hỏi. Vị này cũng nói thêm “Để có được bộ đề thi chấm được với thang điểm 20 không phải đơn giản, đặc biệt là với các môn xã hội. Tôi cho là Bộ GD-ĐT cần thông tin rõ hơn về việc này để TS và phụ huynh không lo lắng”.

Trước những lo lắng về đề thi năm nay, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục THPT - Bộ GD-ĐT cho biết, đề thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ tiếp tục sử dụng các câu hỏi với bốn mức yêu cầu là: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao như đề thi năm 2014.

Cũng theo ông Chuẩn, đề thi không đặt nặng việc ghi nhớ số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn mà yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp để trả lời. Đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, học sinh phải biết trả lời câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội. “Đề thi đảm bảo phân hóa trình độ TS và phải đạt được hai mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ, nhưng chắc sẽ không có gì bất ngờ đối với TS đã có quá trình học tập bình thường trong năm học” - ông Chuẩn nhấn mạnh.

Nói thêm về thang điểm 20, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho rằng, vì kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ, nên phải đặt ra yêu cầu phân hóa kết quả thi.

Ông Trinh nhấn mạnh, việc thay đổi thang điểm hướng tới đảm bảo quyền lợi cho TS. Với thang điểm 20, những lập luận, diễn giải, tính toán trung gian sẽ được tính điểm, có lợi hơn cho học sinh. Các trường ĐH, CĐ cũng sẽ thuận lợi hơn trong việc tuyển sinh. Việc mở rộng thang điểm không làm thay đổi cách làm bài của TS, do đó các TS không có khó khăn gì thêm so với trước đây. Một số khó khăn nằm ở khâu ra đề, xây dựng hướng dẫn chấm và công tác chấm thi của GV.

Báo Phụ nữ, http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/giao-duc/thi-tot-nghiep-thpt-2015-mit-mu-cau-truc-de-thi-cua-thang-diem-20/a136005.html

Cấu trúc đề thi, tuyển sinh 2015