Thi THPT quốc gia 2016: Tránh nghẽn mạng và giảm rủi ro khi đăng ký xét tuyển

Thưa ông, hiện còn một tháng nữa đến kỳ thi THPT quốc gia, vậy công tác chuẩn bị cho kỳ thi đang được diễn ra như thế nào?

Hiện nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã đến giai đoạn cuối, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành đầy dủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để hướng dẫn các cụm thi. Các thí sinh đã hoàn thành việc đăng ký dự thi, dữ liệu đăng ký dự thi đã được chuyển về các Hội đồng thi để xếp phòng thi và gửi giấy báo dự thi về cho các thí sinh. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chỉ đạo các sở, ban ngành hỗ trợ cho Sở GD-ĐT, các trường đại học tổ chức tốt kỳ thi tại tỉnh. Trong thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ cử các đoàn công tác tới các tỉnh để rà soát công tác chuẩn bị cho kỳ thi.

Năm nay, sẽ có phần mềm xét tuyển của các nhóm trường và phần mềm xét tuyển của Bộ GD-ĐT. Khi các trường xét tuyển theo nhóm sử dụng cả hai phần mềm này có xảy ra tình trạng “chồng chéo” dữ liệu không, thưa ông?

Phần mềm xét tuyển (của từng trường riêng lẻ hoặc cho cả nhóm trường) đều sử dụng dữ liệu đầu vào là dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh và dữ liệu về điểm thi. Tất cả các dữ liệu này đều có định dạng thống nhất do Bộ GD-ĐT quy định và công bố. Việc chạy phần mềm xét tuyển đều thực hiện độc lập ở mỗi trường hoặc nhóm trường, do vậy không thể xảy ra sự chồng chéo. Điều này đã được thực hiện từ năm 2015, có một số trường lớn mạnh về công nghệ thông tin đã xây dựng phần mềm xét tuyển riêng, còn phần lớn các trường sử dụng phần mềm xét tuyển do Bộ GD-ĐT hỗ trợ.

Bộ GD-ĐT sẽ làm gì để khắc phục tình trạng nghẽn mạng ở khâu xét tuyển như năm ngoái, thưa ông?

Năm 2015, do đợt 1 thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào một trường, do vậy thí sinh có tâm lý chờ đợi đến cuối đợt sau khi có thông tin đăng ký xét tuyển vào các trường để chọn trường đăng ký.

Tuy nhiên, năm 2016 thí sinh có thể đăng ký 2 trường trong đợt 1 và 3 trường trong mỗi đợt bổ sung (nếu đăng ký xét tuyển vào các trường tuyển sinh theo nhóm thì số trường thí sinh đăng ký có thể nhiều hơn) nên thông tin về ĐKXT ở mỗi trường sẽ không có nhiều giá trị để tham khảo như năm 2015 và thí sinh sẽ không còn tâm lý chờ đợi như năm 2015.

Để tránh nghẽn mạng, năm nay Bộ GD-ĐT giao cho tất cả các cụm thi được công bố kết quả thi. Khi đăng ký xét tuyển, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh nộp ĐKXT qua đường bưu điện và các phương thức khác (do trường quy định) để giảm tải cho đăng ký trực tuyến; đồng thời để giảm rủi ro cho học sinh, đăng ký trực tuyến sẽ kết thúc sớm hơn một ngày để những thí sinh không kịp đăng ký trực tuyến có thể nộp ĐKXT bằng phương thức khác.

Năm nay, Bộ GD-ĐT cho phép các trường thành lập nhóm xét tuyển chung, đối với những trường không tham gia vào xét tuyển theo nhóm, trường tốp dưới, trường ngoài công lập có rơi vào tình trạng cạn nguồn tuyển không, thưa ông?

Với quy định thí sinh có thể đăng ký vào nhiều trường (2 trường ở đợt 1 và 3 trường ở các đợt bổ sung), bên cạnh việc giúp cho thí sinh chọn được ngành nghề ưa thích phù hợp với kết quả thi, thì cũng gây ra khó khăn cho các trường do "thí sinh ảo". Việc thành lập các nhóm trường nhằm giải quyết bài toán "thí sinh ảo" và các trường có thể xác định được chính xác hơn số thí sinh trúng tuyển vào trường. Như vậy với tuyển sinh theo nhóm, các trường sẽ tuyển được sát với chỉ tiêu (không vượt chỉ tiêu), điều đó là cơ sở để đảm bảo nguồn tuyển cho các trường tốp dưới. Đối với thí sinh, khi đăng ký xét tuyển vào các trường tuyển sinh theo nhóm cũng sẽ có lợi hơn do không bị “thí sinh ảo” chiếm chỗ, đồng thời thí sinh có thể trúng tuyển vào ngành nghề có nguyện vọng cao nhất với kết quả thi mình đã đạt được.

Hiện nay đã có 2 nhóm trường xét tuyển chung, đó là nhóm GX (nhóm 9 trường đại học được Bộ GD-ĐT phê duyệt đề án tự chủ tuyển sinh) do Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chủ trì và nhóm Đại học Đà Nẵng. Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đang kêu gọi các trường lập thêm nhóm mới hay tham gia vào các nhóm đã có sẵn để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xét tuyển năm nay.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Quy chế tuyển sinh năm 2016, thí sinh sẽ không phải đăng ký tuyển sinh vào các ngành đào tạo, các trường đại học, cao đẳng trước khi diễn ra kì thi mà sẽ  thực hiện đăng ký trường hoặc ngành sau khi biết điểm thi.

Đợt xét tuyển đầu tiên 12 ngày: Bắt đầu từ ngày 1-8, thời gian ĐKXT và xét tuyển là 12 ngày; mỗi thí sinh được ĐKXT vào tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo.

Mỗi đợt xét tuyển tiếp theo 10 ngày: Thời gian ĐKXT và xét tuyển mỗi đợt là 10 ngày; mỗi thí sinh ĐKXT mỗi đợt vào tối đa 3 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành đào tạo.

Tại tất cả các đợt xét tuyển, thí sinh không được rút hồ sơ khi đã nộp vào các trường. Thí sinh chỉ được cấp một phiếu xác nhận kết quả thi. Mỗi thí sinh dự thi THPT quốc gia chỉ được cấp một phiếu xác nhận kết quả thi. Giấy xác nhận này chỉ sử dụng khi thí sinh nhập học chính thức vào trường mà thí sinh trúng tuyển.

Còn khi đăng kí xét tuyển thí sinh không bắt buộc phải nộp phiếu xác nhận kết quả thi. Thí sinh sử dụng mã số ghi trong Giấy chứng nhận kết quả thi để ĐKXT trong các đợt xét tuyển; Giấy chứng nhận bản chính chỉ nộp khi trúng tuyển.

Quy chế bỏ quy định đợt sau phải có điểm cao hơn đợt trước, đây là điểm mở rộng cơ hội cho thí sinh cũng như các trường dễ dàng hơn trong việc tuyển sinh. Những năm trước Bộ GD-ĐT luôn có quy định từ đợt xét tuyển sau điểm xét tuyển không thấp hơn điểm xét tuyển nguyện vọng trước.

 

Theo Hải Quan, nguồn: http://www.baohaiquan.vn/pages/thi-thpt-quoc-gia-2016-tranh-nghen-mang-va-giam-rui-ro-khi-dang-ky-xet-tuyen.aspx


Xem điểm thi tốt nghiệp năm 2016 nhanh nhất tại kenhtuyensinh.vn