Thi THPT quốc gia 2016: Nguy cơ tiêu cực trong công tác tổ chức thi

Kỳ thi tốt nghiệp 2016 đang sắp cận kề, phụ huynh và học sinh đang trong giai đoạn nước rút để chuẩn bị cho kỳ thi này. Báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với thầy giáo, tiến sĩ Phạm Hữu Cường – Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội để tìm hiểu rõ hơn về những thay đổi trong kỳ thi sắp tới.

Thưa Tiến sĩ, kỳ thi THPT 2016 sắp diễn ra, thầy có thể cho biết phương thức thi năm nay có gì khác so với năm 2016?

Tiến sĩ Cường: Về cơ bản năm nay sẽ không có gì thay đổi so với năm ngoái, thực chất trên nước mình có 2 kỳ thi, 1 là kỳ thi do ĐHQG Hà Nội tổ chức vào tháng 5 này, và kỳ thi chính thức do Bộ GD&ĐT tổ chức vào tháng 7. Kỳ thi của ĐHQG tổ chức với mục đích có một nguồn sinh viên chất lượng, phù hợp với mô hình đào tạo của trường, một số trường cũng sẽ sử dụng kết quả thi do ĐHQG tổ chức để xét tuyển.

Kỳ thi chung do Bộ tổ chức với 2 mục đích, thứ nhất dựa vào kết quả thi của các em để xét tuyển cũng lấy bằng tốt nghiệp THPT, thứ hai đối với những em đã đỗ tốt nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng kết quả thi này để xét vào các trường ĐH, CĐ.

Về cụm thi, hầu hết mỗi tỉnh sẽ có thêm 1 cụm thi, không như năm ngoái là cụm các tỉnh, thì năm nay mỗi tỉnh là một cụm thi, ví dụ như các em học sinh ở Bắc Giang sẽ không phải lên Thái Nguyên để thi.

Thi THPT quốc gia 2016: Nguy cơ tiêu cực trong công tác tổ chức thiTiến sĩ Phạm Hữu Cường. Ảnh NVCC

Việc tổ chức thi theo cụm từng tỉnh một như vậy sẽ có những lợi ích và những nguy cơ gì, thưa thầy?

Tiến sĩ Cường: Trước tiên là mặt lợi ích, sẽ tránh cho các em và phụ huynh tốn kém và những mệt mỏi khi đi thi cử. Rõ ràng, sáng ăn cơm ở nhà, tối ngủ cùng gia đình thì tâm lý thi của các em sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, một điều lo ngại là khi tổ chức thi như vậy có rơi phải tình trạng tỉnh nhà “nhẹ tay” với các thí sinh. Nếu như vậy sẽ dẫn tới tình trạng không công bằng khi các em sử dụng kết quả thi tham gia xét tuyển.

Tất nhiên Bộ GD&ĐT cũng có những phương án để đề phòng trường hợp này, 60-70% giám khảo chấm thi, cán bộ coi thi sẽ được Bộ luân chuyển từ tỉnh này tỉnh khác, cũng như có cán bộ từ trên Bộ và từ các trường ĐH về để chấm thi cũng như giám sát kỳ thi.

Trong kỳ thi năm ngoái đã xảy ra tình trạng tắc nghẽn mạng khi thí sinh và phụ huynh tra cứu điểm thi cho con mình, liệu với cách tổ chức thi như năm nay có tránh được tình trạng ấy?

Tiến sĩ Cường: Mỗi năm Bộ chịu trách nhiệm công bố kết quả thi, nhưng như chúng ta đã biết việc đó sever và hệ thống mạng quá kém, dẫn đến thí sinh và phụ huynh không thể truy cập để tra cứu kết quả.

Trước những sự cố đã xảy ra trong năm vừa rồi, chắc chắn năm nay Bộ sẽ có những thay đổi để tránh tình trạng ấy. Cụ thể, Bộ đã chuyển việc công bố kết quả thi xuống cho các tỉnh, như vậy chắc chắn sẽ không còn tình trạng như năm ngoái diễn ra.

Mỗi thí sinh được cấp 1 Giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất. Theo quy định cũ, mỗi thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi. Trong đó, 1 Giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét tuyển sinh năm 2016 nguyện vọng 1 và 3 Giấy chứng nhận kết quả thi dùng để xét nguyện vọng bổ sung.

Đây là thời điểm rất quan trọng cho để thí sinh chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới, các em nên có một phương pháp hợp lý và khoa học để có một kết quả thi tốt nhất.

Xin trân trọng cảm ơn tiến sĩ!


Theo Người đưa tin, nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/thi-thpt-quoc-gia-2016-nguy-co-tieu-cuc-trong-cong-tac-to-chuc-thi-a235521.html