Thi THPT Quốc gia 2015: Thí sinh được thay đổi gì khi làm thủ tục dự thi?

Trong buổi làm thủ tục dự thi, thí sinh nghe giám thị phổ biến quy chế thi, nhắc nhở các vấn đề cần lưu ý để tránh xảy ra sự cố trong các ngày thi.

Cũng trong sáng nay, thí sinh đổi giấy báo thi để lấy thẻ dự thi chính thức có dán ảnh của mình. Đây là giấy tờ cần thiết để thí sinh vào phòng thi.

Trao đổi trên VTV, ông Hoàng Minh Sơn, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trong ngày hôm nay, chủ yếu các thí sinh sẽ được điều chỉnh thông tin liên quan đến cá nhân ví như, họ tên,  ngày tháng năm sinh hoặc chế độ ưu tiên khi xét tuyển. Thí sinh không được điều chỉnh, sưa đổi môn thi ở thời điểm này.

Đây là năm đầu tiên kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức theo phương thức mới. Chính vì thế, kỳ thi thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận xã hội, đặc biệt với các thí sinh và người nhà các em.

Thi THPT Quốc gia 2015: Thí sinh được thay đổi gì khi làm thủ tục dự thi?
Thí sinh làm thủ tục dự thi. Ảnh minh họa: VTC News

Thay vì tổ chức 2 kỳ thi: tốt nghiệp THPT vào tháng 6 và tuyển sinh đại học, cao đẳng vào tháng 7 như mọi năm, kỳ thi năm nay sẽ được tổ chức duy nhất một lần, để các thí sinh sử dụng kết quả vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Theo thống kê từ Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT quốc gia có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi.
Trong đó, số thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT khoảng 280.000, hơn 590.000 thí sinh đăng ký thi với mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa sử dụng kết quả xét tuyển ĐH, CĐ và trên 130.000 thí sinh tự do chỉ thi các môn phục vụ cho việc xét tuyển ĐH, CĐ.

Cũng theo thống kê này, môn toán có khoảng 960.000 thí sinh đăng ký thi, môn văn gần 940.000, môn ngoại ngữ trên 740.000, môn vật lý: trên 470.000, môn hóa gần 460.000, môn sinh trên 283.000, môn lịch sử trên 153.000 và môn địa lý có gần 390.000 thí sinh đăng kí dự thi.

Cả nước có 38 cụm thi quốc gia do các trường đại học chủ trì, dành cho các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Ngoài ra, có 61 cụm thi địa phương do các Sở GD & ĐT chủ trì dành cho các thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT.

Tất cả các em sẽ thi chung một đề, với một quy trình tổ chức thi thống nhất. Kỳ thi sẽ diễn ra trong bốn ngày, từ mùng 1/7 - 4/7.

Các thí sinh thi 3 môn bắt buộc gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ. Ngoài ra, các em tự chọn thêm một số môn khác để được xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Thí sinh được chỉnh sửa gì trước kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia?

Sáng nay 30.6, hơn 1 triệu thí sinh trong cả nước sẽ đến các địa điểm thi để làm thủ tục dự thi và chỉnh sửa hồ sơ.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết hội đồng thi này sẽ phát phiếu yêu cầu chỉnh sửa cho thí sinh (TS) tại từng điểm thi. Các giám thị sẽ tập hợp phiếu này để chuyển về hội đồng thi chỉnh sửa. TS vẫn nhận thẻ dự thi bình thường, những TS có sai sót trong hồ sơ sẽ đến phòng hội đồng thi ở từng điểm thi để nhận thẻ dự thi mới vào sáng ngày 1.7. Theo ông Trung, cách làm này sẽ giúp TS không phải di chuyển giữa các điểm thi.
Hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM sẽ phát phiếu yêu cầu chỉnh sửa cho TS ngay tại phòng thi trong khi làm thủ tục dự thi. Trên cơ sở này, hội đồng thi sẽ đối chiếu với hồ sơ gốc để chỉnh sửa các sai sót đơn giản có thể kiểm chứng được trong hồ sơ. Với những điều chỉnh quan trọng, hội đồng sẽ ghi nhận để hỏi ý kiến của Bộ GD-ĐT.
Tương tự, Hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM sẽ giải quyết cho TS những sai sót đơn giản ngay tại từng phòng thi. Những điều chỉnh quan trọng liên quan đến việc tổ chức thi và xét tuyển, TS phải về văn phòng hội đồng thi tại cơ sở chính của trường để đối chiếu hồ sơ gốc và chỉnh sửa, gồm: môn thi, đối tượng và khu vực ưu tiên, mục đích dự thi...
Trong khi đó, Hội đồng thi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM sẽ tiến hành chỉnh sửa ngay các thông tin bắt buộc phục vụ kỳ thi và cấp thẻ dự thi mới cho TS. Còn các sai sót liên quan đến chính sách ưu tiên, TS sẽ được điền phiếu yêu cầu chỉnh sửa, nộp kèm minh chứng và trường cấp biên nhận để trường tiến hành chỉnh sửa sau.
Trong các thông tin được điều chỉnh, môn thi và mục đích dự thi là 2 nội dung quan trọng nhưng mỗi trường có cách xử lý không giống nhau. PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, khẳng định hội đồng thi này sẽ không giải quyết các sai sót liên quan đến môn thi và mục đích dự thi. “Theo văn bản mới nhất của Bộ, đến ngày 26.6 các hội đồng thi phải hoàn thành việc sắp xếp phòng thi. Vì vậy, những điều chỉnh môn thi sẽ gây xáo trộn vào hệ thống các phòng thi”, ông Minh nói.
Trước đó, hội đồng thi này đã tiếp nhận trường hợp một TS tỉnh Bình Phước chỉ đăng ký thi xét tốt nghiệp, muốn chuyển về cụm trường ĐH này dự thi để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, CĐ. Theo hội đồng thi này, lỗi sai xuất phát từ TS nên không được giải quyết.
Trong khi đó, ở cụm thi Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, nói trong ngày 30.6 TS có nguyện vọng thay đổi mục đích dự thi vẫn sẽ được ghi nhận và trình Bộ xem xét giải quyết. Ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng cho biết sẽ xem xét giải quyết việc chuyển đổi mục đích dự thi với những TS đã đăng ký xét tốt nghiệp nếu có nhu cầu xét tuyển ĐH và CĐ. Theo đó, các TS này cần làm đơn cam kết và đóng bổ sung lệ phí dự thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Trên cơ sở này, sau ngày thi hội đồng thi sẽ báo cáo về sở GD-ĐT về việc chuyển đổi mục đích này.
Đừng bận tâm đề thi "tiên tri"
Đánh vào tâm lý lo lắng của thí sinh (TS) trước kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 với quá nhiều điểm đổi mới, nhất là về đề thi, nên trên các trang mạng xuất hiện nhiều đề thi "dự đoán", "tiên tri". Điều này làm cho TS hoang mang, dễ học "tủ", ôn lệch.
Là những giáo viên trực tiếp hướng dẫn TS ôn tập, chúng tôi cho rằng các đề thi này chỉ có giá trị tham khảo.
Cách ôn tốt nhất là TS dựa vào cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, bám sát chương trình SGK, chủ yếu là lớp 12. Chú ý về sự thay đổi, phân hóa mức độ khó, dễ của đề. Nếu nắm vững chương trình có thể đạt được từ 50 - 60% yêu cầu đề, đủ đảm bảo được xét tốt nghiệp. Để có điều kiện xét tuyển vào ĐH-CĐ, TS cần chú ý nhiều hơn về kỹ năng làm bài, rèn luyện thêm nhiều dạng bài tập nâng cao...
Ngoài đề thi sử dụng cho hai mục đích, cần chú ý thêm điểm "3 trong 1" của nó. Đó là 1 đề thi cho 3 đối tượng ban cơ bản, nâng cao và GDTX làm bài. Như thế, những phần nào chung của cả 3 đối tượng học sẽ dễ xuất hiện trong đề thi.
Đối với các môn xã hội, cần chú ý thêm các vấn đề thời sự. Điều này chắc TS đã được giáo viên lưu ý rồi chứ không phải chờ đến khi có đề "tiên tri".

Theo:

  • Tin Mới, tin gốc: http://www.tinmoi.vn/thi-thpt-quoc-gia-2015-thi-sinh-duoc-thay-doi-gi-khi-lam-thu-tuc-du-thi-011365254.html
  • Thanh Niên, tin gốc: http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/thi-sinh-duoc-chinh-sua-gi-579452.html