Sẽ tham gia kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên tổ chức năm nay, Nguyễn Vũ Anh Thư (lớp 12A2, THPT Nhân Chính, Hà Nội) và bạn bè cảm thấy yên lòng vì đã biết được chính xác những điều cần làm sau khi quy chế thi và tuyển sinh được công bố.

Nữ sinh lớp 12 THPT Nhân Chính này thở phào khi Bộ GD&ĐT quyết định phân loại thí sinh rõ ràng ở 2 cụm thi. “Lúc đầu chúng em rất băn khoăn, nếu để cả thí sinh thi tuyển đại học và thí sinh chỉ xét tốt nghiệp ngồi cùng cụm thì chất lượng sẽ không đảm bảo. Những cụm tuyến địa phương, không phải do trường đại học tổ chức, có nhiều khả năng làm bài không nghiêm túc. Như thế, kết quả thi của các thí sinh sẽ không được công bằng”, Thư chia sẻ.

Việc giữ nguyên thang điểm 10 khi chấm thi, thay vì thang 20 cũng làm Thư bớt lo lắng bởi theo em, thang 20 dễ khiến học sinh mất điểm hơn, nhất là với các môn tự nhiên. Nữ sinh này cũng cho rằng, có 4 giấy chứng nhận kết quả kỳ thi quốc gia chung và được chọn trường sau khi biết điểm sẽ mở ra cho thí sinh nhiều cánh cửa vào đại học hơn, tránh được tình trạng ảo tưởng năng lực mà đăng ký trường cao hay tự ti quá mà chọn trường điểm thấp.

“Nhìn chung, quy chế của kỳ thi quốc gia chung có nhiều điểm thuận lợi cho học sinh chúng em”, nữ sinh lớp 12 THPT Nhân Chính nói.

Điều băn khoăn nhất ở quy chế thi mới này của Anh Thư là đề thi. Theo em trước đây đề thi của 2 kỳ tốt nghiệp THPT, ĐH là riêng lẻ, có sự phân cấp rõ ràng. Bây giờ gộp 2 kỳ thi làm một, em lo lắng không biết mức độ khó - dễ của đề sẽ ra sao và làm thế nào phân loại học sinh tốt nghiệp THPT với học sinh thi ĐH được.

“Tiếc là Bộ GD&ĐT quyết định thay đổi phương thức thi quá đột ngột khiến những bạn học khối A như em vất vả hơn khi phải đầu tư cấp tốc cho môn Văn. Trước đây thi tốt nghiệp riêng, chúng em ai cũng có tâm lý, cứ thi là đỗ nên không chú tâm học môn này”, Thư cho biết.

Bùi Ngọc Ly (lớp 12 Văn, THPT Chu Văn An, Hà Nội) hoàn toàn ủng hộ quy chế của kỳ thi THPT quốc gia chung. Điều vui mừng lớn nhất của em và các bạn cùng lớp khi đọc quy chế này là được phép mang Atlat vào làm bài, bởi “1/2 lớp em thi môn Địa lý”.

Tổ chức 2 loại cụm thi riêng, theo Ly sẽ đảm bảo được sự công bằng và chất lượng làm bài. Các thí sinh thi để xét tốt nghiệp THPT chỉ phải thi ở chính trường mình hoặc trong tỉnh mình, vừa tiết kiệm chi phí cho gia đình, nhà trường, xã hội và quan trọng hơn là giúp sĩ tử có tâm lý thoải mái làm bài.

Trần Ngân Hà (lớp 12D2, THPT Yên Hòa, Hà Nội) thì băn khoăn về cấu trúc đề và cách lấy điểm của từng trường sẽ thay đổi như thế nào so với các năm trước. Nữ sinh kiến nghị Bộ Giáo dục cần có những đề mẫu để thí sinh làm quen.

Từng góp ý cho dự thảo quy chế, thầy Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng THPT Anhxtanh Hà Nội cho biết, quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng đã được Bộ GD&ĐT điều chỉnh nhiều điểm. So với dự thảo, quy chế này đã loại bỏ việc mở rộng thang điểm 20 khi dư luận lên tiếng về sự bất hợp lý và quy định không làm tròn điểm bài thi đã đảm bảo công bằng hơn khi xét tuyển.

Bên cạnh đó, việc cho phép thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp được thi tại trường hoặc liên trường do Sở GD&ĐT chủ trì sẽ dành thuận lợi về phía thí sinh. Khi được thi tại trường, các em không còn phải lo vấn đề đi lại, sinh hoạt trong suốt kỳ thi, và đặc biệt không gây căng thẳng về tâm lý.

"Cùng với nhiều điểm hợp lý khác như việc giữ các khối thi truyền thống; Xét tuyển vào đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi và xét tuyển thành từng đợt với thông tin được công bố công khai, minh bạch đem lại niềm tin cho thí sinh về sự công bằng trong cơ hội xét tuyển, giúp các em yên tâm ôn tập để đạt kết quả cao nhất có thể", thầy Đạt nói.

Từng đề nghị 2 phương án cho những thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp là cấp Chứng chỉ kết thúc chương trình học phổ thông hoặc tổ chức thi cho những học sinh này ngay tại trường của mình, TS Lương Hoài Nam rất vui vì Bộ đã tiếp thu ý kiến của người dân, tổ chức thêm cụm thi tại các trường THPT bên cạnh các cụm thi liên tỉnh.

Theo TS Nam, quy định này không chỉ có tác dụng đối với thí sinh mà còn tiết kiệm được công sức và tài chính cho địa phương không khi phải đưa đón, thu xếp chỗ ăn nghỉ cho những thí sinh này.

Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, với quy định mỗi phiếu kết quả thi được dùng để đăng ký nguyện vọng trong 4 ngành ở cùng một trường là chưa ổn. Bởi vì học sinh quan tâm chọn ngành nghề hơn là chọn trường. Khi không chọn được đúng ngành ở các trường thì các em mới phải chọn ngành khác.

Theo VnExpress, tin gốc: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/tuyen-sinh/thi-sinh-tho-phao-voi-quy-che-thi-tot-nghiep-va-tuyen-sinh-dai-hoc-3151413.html

Thông tin tuyển sinh 2015, kỳ thi THPT quốc gia 2015, quy chế tuyển sinh