>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015


Thí sinh, phụ huynh "thấm đòn" xét tuyển đại học

Phụ huynh và thí sinh ngồi chờ nộp hồ sơ xét tuyển tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) sáng 13-8. Ảnh - Phương Nguyễn.

Sáng 13-8, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM  có khoảng 200 thí sinh rút hồ sơ đăng ký xét tuyển - ThS Võ Hà Quang Định, trưởng phòng công nghệ thông tin ĐH này cho biết.

Những thí sinh rút hồ sơ sáng nay đều  đã rơi khỏi nhóm thí sinh có điểm số an toàn. Trong đó có nhiều thí sinh ở xa vẫn đến trường để trực tiếp rút hồ sơ, không thay đổi nguyện vọng xét tuyển thông qua Sở GD-ĐT.

Tuy đông thí sinh đến rút hồ sơ nhưng không xảy ra tình trạng chen lấn, chờ đợi quá lâu.

Tuyển sinh 2015: Rút hồ sơ, về nhà chờ

Thí sinh Mỹ Loan (Tiền Giang) cho biết: “Em đọc báo biết chuyện Bộ cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ở các Sở GD-ĐT nhưng em vẫn quyết định lên đây rút hồ sơ. Em nghĩ tự rút cho nhanh, rút xong em chưa biết nộp trường nào nên lên đây để nhờ thầy cô ở các trường tư vấn luôn. Sáng nay em đi từ sáng sớm để kịp rút hồ sơ buổi sáng ở Trường ĐH Kinh tế TP.HCM rồi chiều chạy qua một hai trường khác coi sao, nếu được em nộp hồ sơ luôn”.

Trong khi đó Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM, nhiều thí sinh đạt điểm từ 24- 25,5 vẫn quyết định rút hồ sơ đăng ký xét tuyển. Cha con thí sinh Khánh My (Đà Lạt, Lâm Đồng) bắt xe đi TP.HCM từ đêm hôm qua để có thể rút hồ sơ ở Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM sáng nay. Khánh My thi được 25,5 điểm nhưng cảm thấy mức điểm này không an toàn nên quyết định rút hồ sơ.

Cha con chú rút hồ sơ ở đây rồi về nhà theo dõi tình hình các trường cập nhật trên web. Những ngày cuối, nhắm trường nào chắn ăn chú mới quay lại TP.HCM để nộp hồ sơ. Giờ nộp vào rồi cũng phải nơm nớp theo dõi hằng ngày, lỡ không may lại phải chạy đi rút lần nữa, mệt mỏi, tốn kém thêm.
Phụ huynh thí sinh Khánh My

Nhiều thí sinh, phụ huynh khác  cùng ý định như cha con Khánh My. Chú Thạnh Lộc ( phụ huynh thí sinh, Bình Thuận) nói: “Bây giờ điểm không an toàn thì cứ rút hồ sơ ra, theo dõi tình hình rồi những ngày cuối mới nộp, đỡ chạy đi chạy về tốn kém. Bộ cho phép điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ở sở thì biết vậy chứ phụ huynh, thí sinh vẫn tự đi rút đi nộp mới an tâm mà mỗi lần đi như vậy là bỏ công bỏ việc, tốn kém đủ thứ”.

Thí sinh, phụ huynh "thấm đòn" xét tuyển đại học
Đông đảo thí sinh rút hồ sơ tại Trường ĐH Công Nghiệp TP.HCM sáng 13-8. Ảnh - Hồng Nguyên.

Tại Trường ĐH Mở lúc 9g phòng nộp và rút hồ sơ chật kín thí sinh. Theo ghi nhận đã có 150 hồ sơ được nộp vào và 50 hồ sơ được rút ra tính đến 10g.

Thí sinh Trần Thị Nguyệt Nhi (Nha Trang) nhờ chị gái nộp giùm hồ sơ. Chị của Nhi cho biết với số điểm 18 của Nhi, rất khó để chọn lựa trường nên hai chị em đã theo dõi tình hình trong suốt hai tuần qua.

Trường ĐH Mở là sự lựa chọn cuối cùng của Nhi, nếu như thứ hạng của Nhi nằm ngoài danh sách thì cũng không rút nữa mà đợi cho đến ngày cuối cùng.

Quá mệt mỏi

Sáng nay tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, số lượng thí sinh đến rút hồ sơ đã tăng vọt so với bình thường. Gần 11g, vẫn còn rất nhiều thí sinh đợi rút hồ sơ.

Mất hết giấy tờ khi rút hồ sơ

Sáng nay tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, một phụ huynh ở Hóc Môn, TP.HCM bật khóc khi đi tìm bộ hồ sơ của con. Gặp sinh viên tình nguyện nào, phụ huynh này cũng hỏi làm sao để tìm được hồ sơ. Sáng nay, thí sinh cùng mẹ đến trường rút hồ sơ.

Trong lúc làm thủ tục, thí sinh vô tình để quên bộ hồ sơ của mình (trong đó có giấy tờ học tập của thí sinh, hộ khẩu gốc cùng nhiều giấy tờ nhà đất). Mẹ khóc đi tìm, con bối rối: “Mẹ mình lo xa nên đem theo tất cả giấy tờ, giờ không biết làm sao nữa. Chỉ lo người ta không biết đã cầm nhầm của mình để đem trả”.

Đa phần thí sinh sau khi theo dõi thông tin trên mạng, thấy điểm của mình không khả quan liền đến rút hồ sơ để nộp trường khác.

Tại Trường ĐH Y dược TP.HCM, khá đông thí sinh và phụ huynh đến để rút hồ sơ. Trường này đã bố trí một phòng dành riêng cho thí sinh rút hồ sơ, đồng thời cho nhiều chuyên viên, bảo vệ hỗ trợ, giúp đỡ các thí sinh, nhất là những trường hợp ở tỉnh xa làm các thủ tục rút hồ sơ ngay trong buổi sáng.

Thí sinh Nguyễn Nguyên Hạnh (Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk), chia sẻ: “Em được 26,25 điểm  nhưng khi xem xếp hạng ngành bác sỹ đa khoa thấy thứ hạng mình đứng thứ 700 trong khi chỉ tiêu là 400 (tính cả tuyển thẳng),  nếu xét tiếp xuống nguyện vọng 2 là ngành răng hàm mặt, em cũng nằm ngoài ngưỡng an toàn nên quyết định vào TP.HCM rút hồ sơ”.

Trong khi đó, thí sinh Ngô Ngọc Quỳnh Như (Bà Rịa - Vũng Tàu) đi cùng mẹ đến nộp hồ sơ sau khi rút hồ sơ khỏi Trường ĐH Sài Gòn. Mẹ Như cho biết: “Con bé bị say xe, hồi đi thi đã khổ rồi mà giờ chạy lên xuống Sài Gòn còn khổ hơn. Hôm bữa mẹ con tui đi rút bên trường kia, đem qua đây nộp thì không kịp nên phải về. Sáng nay lên lại nộp. Giờ không học được ngành này thì học ngành kia chứ tui nhất định không rút đi trường khác nữa. Hai mẹ con đi hoài cực quá”.

Thí sinh, phụ huynh "thấm đòn" xét tuyển đại học
Thí sinh chờ rút hồ sơ tại Trường ĐH Y dược TP.HCM sáng 13-8. Ảnh - Hải Quân

Như cũng giống nhiều thí sinh khác không hề biết thông tin được yêu cầu thay đổi nguyện vọng xét tuyển tại trường THPT. Một vị phụ huynh ở Bến Tre nói: “Thôi lên tận trường nộp cho chắc chứ nộp qua bưu điện thì sợ thất lạc, giờ tui cũng không biết tới trường THPT kiểu sao, đằng nào cũng chờ đợi, thôi thì tới tận trường rút rồi đi nộp luôn cho rồi”.

Thí sinh Nguyễn Thị Hoàng Hảo (Đông Hòa , Phú Yên), nói: “Mình cũng không rõ việc rút hồ sơ ở Sở GD-ĐT nên hôm qua bắt xe vào đây để xin rút cho chắc ăn vì bữa trước nộp hồ sơ qua đường bưu điện”.

Theo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuyensinh.tuoitre.vn/tin/20150813/thi-sinh-phu-huynh-tham-don-xet-tuyen-dh/948555.html