80% thí sinh chọn thi 5 môn

Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh, hiện thi tốt nghiệp THPT phải thi ít nhất 4 môn. Ngoài 3 môn thi bắt buộc là Toán, Văn và Ngoại ngữ, thí sinh có thể lựa chọn thêm các môn sao cho không quá 8 môn thi.

Chính vì thế, nhiều em chọn hơn 4 môn thi để cơ hội trúng tuyển ĐH nhiều hơn. Chẳng hạn, trong thi tốt nghiệp đã có môn Văn, các em chọn thêm Sử và Địa để ngoài khối D, các em có thêm khối C khi xét tuyển vào ĐH.

Ông cho biết thêm, theo thống kê khi đi làm công tác tư vấn tuyển sinh, năm 2015, có khoảng 80% các em chọn thi 5- 6 môn.

Thí sinh nên lựa sức mình để đăng ký môn thi tự chọnPhần lớn học sinh chọn thi tốt nghiệp THPT 5 môn

Ông Nguyễn Dương Quang, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, hiện trường đang tổ chức kì thi thử. Việc đăng kí môn thi cũng chưa chính thức nhưng theo như năm ngoái, chủ yếu các em chỉ đăng kí trong 4 môn, một số ít các em thi 5 môn do trường có đầu vào thấp.

“Học sinh đăng kí thi THPT nhiều môn chủ yếu ở các học sinh khá, giỏi. Với những học sinh có lực học trung bình các em cũng lượng được sức mình, ít tham vọng chọn nhiều môn”, ông Quang nói.

Tại Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội), theo ông Kiều Trung Tiến- Hiệu trưởng nhà trường, năm ngoái trường có khoảng 10% học sinh chọn thi 5 môn.

Năm nay, ông cho biết, sáng 29/2 nhà trường mới phát tài liệu để các em nghiên cứu và đăng kí môn thi. Theo thống kê sơ bộ từ một lớp, cũng có khoảng 10% học sinh đăng kí thi tốt nghiệp 5 môn.

Cơ hội nhiều nhưng điểm khó cao

Ông Tiến cho biết, chọn tầm 5 môn là hợp lý và đủ sức học. “Số học sinh đăng kí thi 7-8 môn của trường tôi không có. Tuy nhiên, tôi nghĩ các em nên lượng sức mình, không nên kham quá nhiều sẽ không đảm bảo được chất lượng”, ông Tiến cho biết.

Còn theo chia sẻ của PGS Hùng, các em cần cân nhắc, chọn môn làm sao để đủ số lượng môn xét tốt nghiệp và tổ hợp môn xét tuyển ĐH, không nên chọn nhiều quá. Kinh nghiệm cho thấy thường thì chọn tối đa khoảng 5 môn để đủ thời gian phân bố ôn tập cho các môn học.

Thí sinh nên lựa sức mình để đăng ký môn thi tự chọnTheo một số chuyên gia, học sinh không nên chọn quá nhiều môn thi vì điểm sẽ không cao

Nếu chọn nhiều môn để dự thi, về mặt lý thuyết, cơ hội tham gia xét tuyển ĐH sẽ nhiều nhưng thực tế, các em sẽ rất bị dàn trải và phân tán thời gian ôn thi, hiệu quả ôn tập thấp, theo đó điểm từng môn cũng không cao.

PGS Hùng phân tích, mỗi em khi thi tốt nghiệp phổ thông đã được khối D1. Chọn thêm một môn Lý, sẽ được thêm khối A1. Nếu chọn thêm Hóa thì được thêm khối A. Như vậy, nếu chọn tối đa 6 môn, các em đã có 3 khối thi để xét tuyển vào ĐH.

Em nào thi khối B, trong 3 môn bắt buộc đã có Toán. Nếu chọn thêm Hóa, Sinh sẽ có các tổ hợp xét tuyển gồm: Toán, Hóa, Sinh; Hoặc Toán, Hóa, Ngoại ngữ… Đối với khối Xã hội, ngoài 3 môn bắt buộc, các em chọn thêm Sử thì được các tổ hợp xét tuyển gồm các môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ hoặc Văn, Sử, Ngoại ngữ… Như thế đã có nhiều tổ hợp để xét tuyển.

“Thí sinh phải cân nhắc chọn môn tương ứng để vừa dễ đậu tốt nghiệp vừa dùng kết quả đó để xét vào trường ĐH như mình mong muốn. Theo tôi tốt nhất chọn 5 môn. Ai có học lực hơn thì chọn 6 môn là vừa phải. Không nên chọn 7-8 môn là quá nhiều. Mặc dù 8 môn là xét tuyển được tất cả các khối nhưng điểm rất khó cao”, ông Hùng nói.

Theo Dân trí, nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thi-sinh-nen-lua-suc-minh-de-dang-ky-mon-thi-tu-chon-20160229115215589.htm