>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015


Không vội nộp hồ sơ xét tuyển

TS Nguyễn Đức Nghĩa tư vấn: hiện nay nhiều trường cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến. Tuy nhiên thí sinh lưu ý, việc đăng ký xét tuyển trực tuyến chỉ có giá trị pháp lý khi trường nhận được giấy chứng nhận kết quả THPT quốc gia 2015 có đóng dấu đỏ của trường ĐH chủ trì.

Về vấn đề xét tuyển, một ngành có thể xét tuyển nhiều tổ hợp nhưng thí sinh nên cân nhắc sử dụng các tổ hợp xét tuyển, nên chọn tổ hợp mình có điểm cao nhất để xét tuyển.

Cũng liên quan đến việc xét tuyển ĐH, TS Nguyễn Đức Minh - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, tư vấn thêm: trong phiếu đăng ký xét tuyển có 4 nguyện vọng. Nếu thí sinh chỉ đăng ký một nguyện vọng thì đánh chéo các ngành còn lại.

Dù là 4 ngành nhưng nếu trúng tuyển bất kỳ ngành nào thì đó đều là nguyện vọng 1 và khi đó thí sinh sẽ không được xét tuyển nguyện vọng bổ sung nữa. Do vậy, thí sinh cần cân nhắc khi ghi nguyện vọng chứ không ghi cho có lệ để đủ cả bốn nguyện vọng.

Nếu thí sinh chỉ muốn học một ngành nào đó thì chỉ nên ghi một nguyện vọng, nếu không trúng tuyển sẽ xét nguyện vọng bổ sung. Nếu ghi ngành 2, không trúng tuyển ngành muốn học nhưng trúng tuyển ngành 2 thì thí sinh sẽ không được xét tuyển nguyện vọng bổ sung nữa.

PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, thì lưu ý: trong thời gian xét tuyển nguyện vọng 1 thí sinh có thể rút và nộp bao nhiêu lần cũng được. Tuy nhiên thí sinh nên cân nhắc rồi hãy nộp, không nên vội nộp hồ sơ xét tuyển ngay từ bây giờ.

Hơn nữa, tất cả hồ sơ xét tuyển trong thời gian từ ngày 1 đến 20-8 đều có giá trị xét tuyển như nhau chứ không phải thí sinh nộp trước sẽ được ưu tiên hơn. Do đó hãy cứ bình tĩnh, tìm hiểu kỹ thông tin và cân nhắc trước khi nộp hồ sơ.

Thí sinh nên chọn tổ hợp cao điểm nhất để xét tuyển

Phụ huynh đang đặt câu hỏi cho ban tư vấn nhóm ngành tại ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ 2015 - Ảnh: Như Hùng

Điểm chuẩn sẽ tăng

Cũng tại chương trình tư vấn chiều nay, nhiều thí sinh băn khoăn về khả năng trúng tuyển của mình trong kỳ tuyển sinh năm 2015. Đại diện các trường cho biết dự kiến điểm chuẩn năm nay sẽ tăng từ 1 đến 3 điểm so với năm 2014. Do vậy thí sinh cần cân nhắc điểm thi của mình và thường xuyên theo dõi tình hình cập nhật hồ sơ xét tuyển của các trường để có cơ hội trúng tuyển cao nhất.

Một phụ huynh băn khoăn, con tôi thi được 24,25 điểm khối A1, cho hỏi Trường ĐH Bách khoa có chia chỉ tiêu theo khối A và A1 hay không và cơ hội trúng tuyển thế nào? TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), cho biết trường xác định chỉ tiêu chung cho cả hai tổ hợp toán - lý - hóa và toán - lý - tiếng Anh, không phân chia chỉ tiêu theo khối.

"Không thể khẳng định việc điểm này có trúng tuyển hay không nhưng đây là điểm thi khá cao và thí sinh nên nộp hồ sơ. Theo dự đoán của tôi, điểm chuẩn năm nay có thể tăng từ 1 đến 2 điểm so với năm 2014", TS Thông nói.

Một thí sinh khác dự thi toán - hóa - sinh được 20 điểm và không biết có khả năng trúng tuyển vào ngành nông học Trường ĐH Nông lâm TP.HCM hay không? Chia sẻ băn khoăn này, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết năm 2014, điểm chuẩn ngành này là 19. Năm nay điểm thi của thí sinh cao hơn nên dự kiến điểm chuẩn vào trường có thể tăng từ 1 đến 3 điểm. Do vậy, điểm 20 có thể trúng tuyển hay không còn tùy thuộc vào lượng thí sinh nộp hồ sơ cũng như điểm thi của thí sinh.

Thí sinh Nguyễn Văn Sỹ (quê Long An) đặt câu hỏi: em muốn học ngành kỹ thuật điện tử hay kỹ thuật điện tử truyền thông. Em thi khối A được 21 điểm, có thể trúng tuyển vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) không? Nếu không thì em có thể xét tuyển vào trường nào?

TS Nguyễn Kim Quang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên, giải đáp: đây là điểm tương đối để có thể chọn lựa nhiều trường để xét tuyển. Đối với Trường ĐH Khoa học tự nhiên, mức điểm này cũng có khả năng. Hiện ngành này có nhiều trường đào tạo nên sau khi nộp hồ sơ, nếu nhận thấy mình khó có khả năng trúng tuyển thì nên rút hồ sơ nộp vào trường khác.

Tại buổi tư vấn chiều này, đại diện các trường cho biết những thí sinh đạt từ 24 điểm trở lên cơ hội trúng tuyển sẽ rất lớn. Cùng một ngành nhưng điểm chuẩn ở trường này sẽ cao nhưng ở trường kia sẽ phù hợp với điểm thi của thí sinh.

Do vậy, thí sinh không vội vàng nộp hồ sơ hoặc đã nộp rồi thì nên theo dõi thường xuyên thống kê số lượng thí sinh nộp hồ sơ để biết khả năng trúng tuyển của mình. Chẳng hạn cùng ngành cơ khí nhưng điểm chuẩn các năm trước tại Trường ĐH Bách khoa thường nằm ở mức 20 hoặc hơ, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật khoảng 19 trong khi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM chỉ là 16,5...

Xác định trường, ngành là quan trọng nhất

PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT, khẳng định quy định xét tuyển năm nay thuận lợi hơn rất nhiều, thí sinh lựa chọn ngành nhiều hơn nhưng nếu không nắm bắt được thông tin thì rất khó khăn.

“Nên nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ở các trường ĐH,CĐ mà thí sinh có nguyện vọng, không nộp qua Sở GD-ĐT. Xét tuyển đợt 1 phải dùng phiếu có dấu đỏ, chỉ nộp vào một trường theo thứ tự từ 1 đến 4 nguyện vọng và có quyền rút hồ sơ nộp vào trường khác. Nguyện vọng bổ sung thì có quyền nộp ba phiếu còn lại vào ba trường khác nhau vào không được rút ra nữa” - ông Nghĩa cho biết.

Ông Nghĩa lưu ý việc xác định trường, ngành là quan trọng nhất. Năm nay, thí sinh đã có đầy đủ thông tin trước khi xét tuyển. Thí sinh cần phải tận dụng quy định một trường được chọn bốn ngành và nên chọn ngành mình mong muốn nhất rồi lần lượt xuống ba ngành dự phòng.

Một thí sinh thắc mắc trong phiếu xét tuyển có được ghi bốn ngành, thứ tự có được ưu tiên không? PGS.TS Trần Văn Nghĩa tư vấn: bốn nguyện vọng trong cùng một phiếu thì thứ tự ưu tiên có khác nhau, ngành đầu tiên là ngành thí sinh dự tuyển yêu thích nhất và có rủi ro cao hơn. Phần mềm sẽ chạy theo thứ tự.

Cũng theo PGS.TS Trần Văn Nghĩa, những ngành nào các năm trước điểm cao thì sẽ tiếp tục điểm cao. Bên cạnh đó phổ điểm năm nay cũng cao hơn. Trong đó điểm từ 15-19 cao hơn rất nhiều, song điểm trên 25 lại không nhiều hơn các năm trước bao nhiêu. Do đó những ngành, những trường có điểm xét tuyển trong khoảng 15-19 sẽ có nhiều dao động còn những ngành điểm trên 25 thì sẽ ổn định hơn, không có nhiều biến động so với các năm.

Một phụ huynh khác thắc mắc khoảng thời gian từ khi rút hồ sơ ra cho đến khi được nộp vào trường khác là bao lâu. PGS.TS Trần Văn Nghĩa giải đáp: “Nếu thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ ra thì không quá 1 ngày là thí sinh nhận lại được hồ sơ. Thí sinh nộp cho trường mới thì được trường mới này chấp nhận ngay. Theo quy định của Bộ, mỗi ngày các trường đều cập nhật thông tin thí sinh một lần, do vậy muốn rút ra nộp cho trường mới thì trong vòng 1 ngày, phụ huynh an tâm”.

Tuy nhiên PGS.TS Trần Văn Nghĩa lưu ý phụ huynh và thí sinh không nên đặt nặng chuyện rút ra nộp vào, mà nên cân nhắc, tính toán thật hợp lí cho nguyện vọng đầu tiên và chọn các mục tiêu an toàn hơn cho các nguyện vọng tiếp theo.

Cũng liên quan đến việc xét tuyển sinh, một thí sinh hỏi: “Em đã nộp đơn xin phúc khảo, vậy kết quả có kịp nộp nguyện vọng 1 không? Nhận phiếu kết quả ở đâu?”. PGS.TS Trần Văn Nghĩa tư vấn: “Đừng quá lo lắng vì các trường phải trả kết quả phúc khảo trước ngày 15-8. Các em nhận kết quả tại điểm nộp đơn phúc khảo. Thí sinh nộp điểm cũ để xét tuyển rồi sau đó cập nhật điểm phúc khảo cũng được”.

Một phụ huynh ở Tiền Giang hỏi: "Con tôi thi khối B được 21 điểm, có khả năng đậu ngành kĩ thuật y học không?". PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết điểm này là điểm xấp xỉ của ngành kỹ thuật hình ảnh mọi năm, thí sinh nên nộp đơn và theo dõi thông tin cập nhật của trường để lựa chọn tối ưu hơn.

Thí sinh Nguyễn Ngọc Anh hỏi: “Ngành luật kinh tế, dân sự, tài chính ngân hàng khác nhau như thế nào? Chỉ tiêu các ngành này của Trường ĐH Kinh tế - Luật như vậy có quá ít không?”.

TS.Lê Tấn Lộc - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM) cho biết các ngành này đều có phần chương trình cơ bản giống nhau về kiến thức của ngành luật. Còn đi vào chuyên sâu thì các ngành luật này sẽ hướng về kiến thức luật dân sự, luật kinh doanh và luật tài chính ngân hàng. Ngành luật có cơ hội nghề nghiệp rất lớn, điển hình như các doanh nghiệp luôn có bộ phận tư vấn pháp lý.

Theo dự đoán từ phía nhà trường, điểm chuẩn năm nay của trường sẽ cao hơn. Điểm trung bình của các năm trước dao động từ 18-20.

Theo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuyensinh.tuoitre.vn/tin/20150801/thi-sinh-nen-chon-to-hop-cao-diem-nhat-de-xet-tuyen/786705.html