>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015


Thí sinh điểm cao vẫn phập phồng lo rút hồ sơ
Nhiều thí sinh tại các trường ĐH Sư Phạm Kỹ thuật, Y Dược TPHCM... dù điểm cao nhưng vẫn lo không đậu các ngành hot

Điểm chuẩn đại học 2015 dự kiến liên tục tăng cao

Tính đến ngày 7.8, ngành có điểm thấp nhất ở bậc Cao đẳng là 20 điểm gồm Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ chế tạo máy… Riêng bậc Đại học, ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô đang dẫn đầu số điểm với điểm xét tạm thời là 30,75 điểm (Điểm đã bao gồm nhân đôi môn chính).

Trong 2 ngày cuối tuần, có khá đông học sinh và phụ huynh đến làm hồ sơ tỏ vẻ lo lắng khi điểm xét tuyển tạm thời của trường tăng cao mà chỉ tiêu có giới hạn, ngành cao nhất chỉ có khoảng hơn 200 chỉ tiêu.

Em Nguyễn Quang Kỳ đến từ Lâm Đồng cho biết: “Em nộp hồ sơ được 1 tuần, với điểm thi 29 chưa cộng điểm vùng, em đăng kí ngành Công nghệ Ô tô nhưng chỉ sau mấy ngày điểm tăng vọt từ 20 lên 25 vào ngày 5.8 tăng đến 30,75,  vào ngày 7.8. Cũng may mà em ở lại 1 tuần xem tình hình nên hôm nay lên rút hồ sơ để đăng kí vào trường Công nghiệp”.

Em Chu Thống Quân với số điểm 26,75 chia sẻ: “Những ngành hot và em muốn học thì lấy điểm cao quá. Sợ là không chọi nổi các bạn khác. Em muốn học Sư Phạm Kỹ thuật, nhưng chỉ tiêu ít, điểm cao, với tình hình này thì có lẽ em phải suy nghĩ lại và chọn những trường khác. Nhiều bạn nộp hồ sơ rồi, có thông báo không đạt nên lại phải đi rút. Nếu mà rút vào ngày 20.8 thì quả thực là chẳng biết phải làm sao. Thi đã lo mà tới cái vụ xét tuyển này còn căng thẳng chẳng kém”.

Tương tự, tại Đại học Y dược TP.HCM, hiện tại trường vẫn chưa công bố điểm chuẩn tạm thời tuy nhiên nhiều em đạt điểm cao vẫn sẽ không đậu các ngành như bác sĩ đa khoa, răng hàm mặt.

Theo thống kê đến ngày 8.8, ngành Y đa khoa có 383 thí sinh đạt mức điểm 27,25 đăng ký xét tuyển NV1, trong khi đó chỉ tiêu của ngành là 400. Như vậy, các thí sinh đạt dưới mức điểm này xem như nằm ở khu vực không an toàn. Tương tự, ngành bác sĩ răng hàm mặt có số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 đạt 24 điểm trở lên là 99, trong khi chỉ tiêu ngành này có 100 chỉ tiêu.

Điểm chuẩn hay danh sách chỉ là tạm thời

Việc thí sinh được phép tự do nộp hồ sơ đã khiến điểm chuẩn một số trường, ngành trở nên tăng nhiệt. Sau gần 10 ngày nộp hồ sơ xét tuyển, sức nóng của các trường như Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Bách Khoa, Đại học Y dược TPHCM… vẫn không có chiều hướng hạ nhiệt, lượng thí sinh và phụ huynh đổ về làm thủ tực nộp hồ sơ rất cao. Điểm số và danh sách thay đổi từng ngày.

Tuy nhiên đi kèm các thông tin danh sách hay điểm chuẩn tạm thời, tất cả các trường đều khuyến cáo, thí sinh cần suy nghĩ kỹ và chỉ xem đây là những thông tin tham khảo trong việc tính toán rút hay tiếp tục nộp hồ sơ.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh 2015 và Dịch vụ đào tạo ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM cho rằng các thí sinh chỉ nên xem danh sách đó là tư liệu tham khảo vì sẽ rất nhiều thứ hạng bị trùng lắp do các em đăng ký 4 nguyện vọng, mỗi nguyện vọng đều được sắp xếp như nhau.

Danh sách hay điểm chuẩn cũng chỉ là tạm thời vì được tính đến ngày nhất định và có giá trị trong thời điểm nhất định. Trong khi đó số thí sinh nộp và rút ra các trường/ngành là điều thay đổi liên tục, có khi là tính từng phút từng giây trong những ngày cuối. Vậy nên, phải đến khi kết thúc thời hạn nộp hồ sơ thì mới biết chính xác được kết quả.

Tuyển sinh 2015: Cuộc chơi của những thí sinh điểm cao

Qua 10 ngày xét tuyển đầu tiên, sân chơi thuộc hẳn về các trường ĐH công lập với số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển nhiều áp đảo và thu hút các thí sinh đạt điểm cao

Hôm nay, 10-8, đã qua nửa thời gian của đợt xét tuyển nguyện vọng (NV) 1 vào các trường ĐH, CĐ. Khác với những năm trước, kỳ thi THPT quốc gia năm nay đã tách riêng khâu thi (1-4.7.2015) và khâu xét tuyển (1.8-15.11.2015). Chính vì vậy, việc đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của thí sinh cũng khác khá nhiều so với những năm trước.

Điểm cao vẫn rớt nếu không cân nhắc

Ngoại trừ một vài trường có số hồ sơ ĐKXT cao hơn nhiều so với chỉ tiêu, phần lớn các trường chỉ mới nhận được số lượng hồ sơ xấp xỉ với chỉ tiêu tuyển của trường. Tuy nhiên, trong cùng một trường, rõ ràng là các ngành “hấp dẫn” như nhóm ngành sư phạm, công nghệ thông tin, kiến trúc xây dựng, tài chính ngân hàng, y dược vẫn thu hút nhiều thí sinh hơn và hầu hết là thí sinh có điểm cao, trong khi ở những ngành ít hấp dẫn hơn ở cùng trường lại có ít thí sinh đăng ký. Đây chính là nguy cơ “có điểm cao mà vẫn rớt” nếu thí sinh không cân nhắc và tìm hiểu đầy đủ thông tin về chỉ tiêu tuyển, điểm xét tuyển, điểm chuẩn trúng tuyển của ngành mà mình muốn ĐKXT ở các năm trước...

Ghi nhận trong tuần lễ đầu tại nhiều trường, số hồ sơ ĐKXT nộp trực tiếp là chủ yếu, trong khi số hồ sơ nộp qua đường bưu điện  chiếm không đến 10%. Tuy nhiên, từ cuối tuần qua, số lượng hồ sơ các trường nhận qua dịch vụ chuyển phát nhanh hồ sơ ĐKXT đã dần nhiều lên, chứng tỏ sau thời gian thăm dò và thu thập thông tin, các thí sinh ở xa đã có quyết định của mình.

Thách thức cho các trường địa phương

Thống kê tuần đầu cho thấy phần lớn thí sinh nộp hồ sơ khá sớm có phổ điểm trong khoảng trung bình cao từ 17 đến 22 điểm. Ngoại trừ nhóm ngành y dược thu hút quá đông lượng thí sinh từ 26 điểm trở lên, những ngành hấp dẫn còn lại ở các trường cũng chỉ có mức cao nhất trong tầm 23-25 điểm. Viễn cảnh điểm chuẩn trúng tuyển dự kiến của nhóm ngành y dược ở một vài trường lên đến 26-27 điểm chắc chắn sẽ làm chùn bước nhiều thí sinh và trong thời gian tới, số thí sinh điều chỉnh nguyện vọng hoặc rút hồ sơ nộp qua trường khác phần lớn sẽ là thí sinh điểm cao chứ không phải điểm thấp. Thống kê từ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho thấy thật ra số thí sinh có tổ hợp 3 môn toán, lý, hóa hoặc toán, sinh, hóa (là những tổ hợp môn xét tuyển chủ yếu cho nhóm ngành y, dược, răng hàm mặt,...) có điểm từ 26 trở lên không nhiều, chỉ vào khoảng 6.500 thí sinh trên cả nước nhưng do thí sinh tập trung ĐKXT vào những trường lớn như Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Dược Hà Nội, Trường ĐH Y Dược TP HCM... Hiện tượng “anh hùng hội tụ” này làm tăng nguy cơ “có điểm cao vẫn rớt” như đã nói trên, nhưng sâu xa hơn là các trường ĐH lớn ở những thành phố lớn (Hà Nội và TP HCM) sẽ hút hết thí sinh giỏi của các địa phương.

Ưu thế thuộc hẳn về trường công lập

Thật ra, nếu chỉ căn cứ trên số liệu thống kê, thí sinh sẽ rất an tâm vì số thí sinh đạt đủ mức điểm ngưỡng để đua tranh vào các trường ĐH chỉ vào khoảng 530.000, trong khi tổng chỉ tiêu xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ năm 2015 lên đến hơn 600.000. Ngoài ra, có đến gần 200 trường ĐH, CĐ bên cạnh xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia (tức là xét tuyển theo giấy chứng nhận kết quả thi) còn xét tuyển dựa trên học bạ THPT. Do vậy có thể nói cơ hội có một chỗ học ĐH, CĐ cho học sinh sau lớp 12 chưa bao giờ được rộng mở như thế.

Tuy nhiên, rõ ràng cải tiến thi và tuyển sinh có tác động mạnh đến xét tuyển khi mà trong 10 ngày xét tuyển đầu tiên, sân chơi thuộc hẳn về các trường ĐH công lập với số lượng hồ sơ ĐKXT nhiều áp đảo và thu hút các thí sinh đạt điểm cao. Dự báo trong 10 ngày cuối, các thí sinh có điểm xấp xỉ ngưỡng (từ 15-17 điểm) sẽ có quyết định ĐKXT vào ngành nào, trường nào để có cơ hội cao nhất phù hợp với điểm thi của mình.

Nhưng không phải vì thế mà các trường tư thục, ngoài công lập kém thế hơn. Hiện có nhiều trường đã nhận hàng ngàn hồ sơ ĐKXT bằng học bạ THPT, có lẽ phần lớn là các học sinh cảm thấy không thể tham gia vào cuộc đua mà sân chơi thuộc về những thí sinh có điểm cao hơn mình rất nhiều.

Điểm chuẩn tạm thời do các trường công bố có thể xem là kênh thông tin an toàn hơn. Những thí sinh có ngưỡng điểm bằng hoặc thấp hơn điểm chuẩn tạm thời cần suy nghĩ tính toán thay đổi nguyện vọng hoặc rút hồ sơ sớm, tránh tình trạng đợi đến ngày cuối gặp phải quá tải.

Theo:

  • Lao động, tin gốc: http://laodong.com.vn/giao-duc/thi-sinh-diem-cao-van-phap-phong-lo-rut-ho-so-362914.bld
  • Người lao động, tin gốc: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/cuoc-choi-cua-thi-sinh-diem-cao-2015080921283384.htm