Sự kiện: Giáo dục, tuyển sinh, du học

Đây là năm đầu tiên sau 9 năm thực hiện tuyển sinh theo phương thức "ba chung", Bộ GD-ĐT quy định các trường xét tuyển nguyện vọng 2 (NV2) phải cập số liệu thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) theo ngành hằng ngày để thí sinh có thể nắm được thứ hạng, dự đoán cơ hội đỗ trượt cho mình và quyết định rút hồ sơ hay không. Tuy nhiên, việc cập nhật này có nguy cơ không còn ý nghĩa và mất công khi rất ít trường có cách cập nhật dữ liệu tốt.



Ít trường “chịu khó”

Theo quy định của Bộ, các trường sẽ cập nhật danh sách thí sinh vào máy tính bằng phần mềm tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 và công bố công khai trên website của trường thông tin về hồ sơ ĐKXT của thí sinh bao gồm họ và tên; ngày tháng năm sinh; số báo danh; đối tượng; khu vực; điểm thi từng môn và tổng điểm 3 môn thi; số thứ tự hồ sơ; mã ngành ĐKXT; ngày nhận hồ sơ ĐKXT; ngày trả hồ sơ ĐKXT.



Nhưng chỉ có một số ít trường “chịu khó” cập nhật danh sách này vì quyền lợi của thí sinh một cách thực sự khoa học và đẹp mắt, tức là ngoài cập nhật đủ thông tin như Bộ GD-ĐT yêu cầu, các trường còn sắp xếp hồ sơ theo từng ngành riêng, thứ tự xếp theo điểm từ cao xuống thấp. Thí sinh rất dễ tiện tra cứu và trường sẽ xử lý thông tin thí sinh đỗ vào trường nhanh chóng.

Khảo sát trên 150 trường ĐH-CĐ ở phía Bắc và phía Nam, con số trường cập nhật danh sách theo cách này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong số hơn 100 trường này, chỉ có 17 trường cập nhật tốt, mặc dù nhiều trường như ĐHQG Hà Nội, ĐH Đà Nẵng, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Đại Nam, ĐH Thái Nguyên, ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ĐH Đại Nam…có số hồ sơ nộp rất nhiều, có thể lên tới hàng nghìn hồ sơ.



Tiêu biểu cho những trường cập nhật danh sách thí sinh xét tuyển NV2 khoa học và đẹp mắt là Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc ĐHQG Hà Nội.

Vào trang chủ của website trường, dễ nhận thấy xét tuyển NV2 là một trong những công việc ưu tiên của website vốn được thiết kế khá đẹp này. Thông báo tư vấn xét tuyển nguyện vọng 2 được “treo” ở vị trí đắt nhất cùng với các hoạt động quan trọng khác.


Thí sinh theo dõi thường xuyên dễ dàng biết được mình đỗ hay trượt NV2 với cách sắp xếp danh sách thí sinh theo ngành riêng biệt, mỗi ngành một trang riêng, điểm số theo thứ tự từ cao xuống thấp. Đặc biệt, những thí sinh rút hồ sơ cũng được cập nhật đầy đủ để các em khác có thể cân nhắc cơ hội.

Hầu hết các trường này đều dành vị trí ưu tiên cho xét tuyển nguyện vọng 2. Thí sinh vào website của trường có thể thấy ngay nội dung này ở các vị trí dễ tìm.



Hàng chục nghìn hồ sơ vẫn “trộn đều” các ngành

Dẫn đầu về số lượng hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 cho đến lúc này là Trường ĐH Sài Gòn với hơn 12.000 hồ sơ đã được cập nhật. Tuy nhiên, học sinh sẽ rất choáng váng với danh sách này vì tất cả hồ sơ các ngành đều lẫn lộn vào nhau. Ngoại trừ mỏi mắt tìm kiếm tên mình trong rừng hồ sơ, có lẽ rất ít thí sinh tự đánh giá cơ hội cho mình.



Trường ĐH Lao động xã hội nhận được gần 2000 hồ sơ. Điểm của thí sinh được xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp nhưng thứ tự này không còn ý nghĩa khi điểm số này sắp xếp chung từ tất cả hồ sơ nộp vào các ngành.



Có khoảng hơn 100 trường xét tuyển nguyện vọng 2 được khảo sát áp dụng cách sắp xếp này. Nhiều trường còn thống kê lẫn lộn cả hồ sơ ĐH-CĐ trong một bảng. Ông Mỵ Giang Sơn, trưởng phòng đào tạo ĐH Sài Gòn cho biết:

“Bộ GD-ĐT chỉ quy định cập nhật các thông tin cơ bản, không yêu cầu trường phải cập nhật theo điểm số hay theo ngành. Vì thế, trường chỉ làm đúng như quy định của Bộ.”



Ông Sơn cho biết thêm, trường cập nhật danh sách thí sinh vào phần mềm tin học văn phòng Exel để người nộp hồ sơ tự xử lý thông tin. Bằng các thuật toán thống kê của Exel, ông Sơn nói, người nộp hồ sơ có thể tự thống kê để biết các thông tin cần thiết.



Tuy nhiên, không phải trường nào cũng dùng phần mềm này. Nhiều trường chọn các phần mềm khác hoặc đưa thẳng lên website của trường chứ không phải dưới dạng tài liệu đính kèm để tải về. Đó là chưa nói đến thí sinh ở các vùng khó khăn không có điều kiện học kỹ về tin học khó có thể vượt qua “cửa ải” này.



Bên cạnh đó, lại có những trường “làm khó” thí sinh khiến cho việc cập nhật danh sách này không còn ý nghĩa. Điển hình là ĐH Hàng Hải, cập nhật bằng cách chụp ảnh các trang danh sách thí sinh và đưa lên website. Hơn 9 trang được chụp thành ảnh khiến thí sinh muốn biết “số phận” mình ở ĐH Hàng Hải chỉ có thể căng mắt ra làm phép cộng trừ.



Trường ĐH Công nghiệp Hà nội, ĐH Quốc tế Bắc Hà, ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM lại “một mình một kiểu”, áp dụng cách tra cứu bằng dữ liệu cá nhân.



Thông tin hé lộ số phận thí sinh ở ĐH Công nghiệp Hà Nội là nội dung “vị trí”.

Ông Phạm Văn Bổng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp cho biết, “vị trí” chính là thứ hạng của thí sinh hiện tại trong ngành đăng ký.

Chỉ cần số vị trí của thí sinh thấp hoặc bằng với số chỉ tiêu của ngành đăng ký, thí sinh có thể tính toán khả năng đỗ trượt. Tuy nhiên, những thông tin này không được chỉ dẫn rõ trên website của trường.

Riêng Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM, trừ họ tên, điểm số, ngành xét tuyển của mình, kết quả tra cứu không có thêm thông tin nào như thứ hạng, số người cùng điểm, cùng ngành để thí sinh cân nhắc.

Ngày 10/9 là hạn cuối rút hồ sơ của thí sinh. Cho đến thời điểm này, website của các trường như ĐH Hà Nội, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Nguyễn Trãi, CĐ sư phạm trung ương , … vẫn “làm ngơ” với việc cập nhật thông tin. Thậm chí, website trường CĐ sư phạm trung ương TP HCM chỉ đang tiến hành nhập dữ liệu và chưa hoạt động.

Cho đến hôm nay, danh sách cập nhật của các trường cho thấy, thí sinh rút hồ sơ ra rất ít, chỉ khoảng vài bộ đến vài chục bộ là nhiều.

 

Điểm chuẩnđiểm chuẩn NV2điểm chuẩn nguyện vọng 2điểm chuẩn ĐH

Đăng ký nhận điểm nguyện vọng 2  qua email tại ô bên dưới

Kênh Tuyển Sinh ( Nguồn Vietnamnet)