Theo Quy chế thi THPT quốc gia mới được ban hành, hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi: trước ngày 30 - 4 hằng năm. Khi hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo kịp thời cho Hiệu trưởng trường phổ thông hoặc Thủ trưởng đơn vị nơi đăng ký dự thi hoặc cho Hội đồng thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung.

Các trường hợp đặc biệt được phép bổ sung các loại giấy chứng nhận để được hưởng chế độ ưu tiên, hưởng cộng điểm khuyến khích phải thực hiện trước ngày tổ chức kỳ thi mới có giá trị.

Hồ sơ xét công nhận tốt nghiệp THPT được thí sinh hoàn thiện và nộp tại nơi đăng ký dự thi theo quy định trong hướng dẫn hằng năm của Bộ GDĐT.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT tại buổi giao lưu trực tuyến sáng 27-2 do báo Tuổi trẻ tổ chức cho biết: "Theo Quy chế thi THPT quốc gia thì thời gian kết thúc đăng ký dự thi là ngày 30-4. Dự kiến thời gian bắt đầu thí sinh đăng kí dự thi là ngày 1-4". Ông Trần Văn Nghĩa cũng nhắc các thí sinh: Khi làm hồ sơ, thí sinh cần lưu ý xác định mục đích tham dự kì thi (chỉ để xét tốt nghiệp THPT, hay nhằm cả mục đích xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ) và phải đánh dấu vào ô tương ứng trong phiếu đăng kí dự thi.

Thí sinh phải xác định chính xác môn thi: Để xét công nhận tốt nghiệp thì thí sinh phải đăng kí 4 môn thi, trong đó có các môn bắt buộc và môn tự chọn. Để xét tuyển vào các trường ĐH- CĐ thí sinh cần căn cứ vào quy định xét tuyển của trường mà mình có nguyện vọng vào học để lựa chọn môn thi.

Các em có thể đăng kí tối đa 8 môn thi. Nếu đăng kí nhiều môn thi thì cơ hội xét tuyển nhiều hơn, Nhưng các em cần cân nhắc để lựa chọn số lượng môn thi phù hợp, đảm bảo cho việc ôn thi đạt kết quả cao nhất.

Trong khi đăng kí dự thi, các em cần phải điền thông tin cá nhân đặc biệt là thông tin liên quan tới chế độ ưu tiên trong tuyển sinh. Các em cần phải điền đúng thông tin này, vì theo quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy, thí sinh phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin này. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu do những sai sót khi khai chế độ ưu tiên dẫn đến việc thí sinh không đủ điểm trúng tuyển.

Theo Quy chế, thí sinh đăng ký dự thi tại trường phổ thông nơi học lớp 12. Đối với thí sinh tự do đăng ký tại địa điểm do sở GD-ĐT quy định.

Hồ sơ đăng ký dự thi gồm: 02 Phiếu đăng ký dự thi giống nhau; Học bạ THPT; học bạ hoặc Phiếu kiểm tra của người học theo hình thức tự học đối với GDTX (bản sao); Các giấy chứng nhận hợp lệ để được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Để được hưởng chế độ ưu tiên liên quan đến nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, thí sinh phải có bản sao Sổ đăng ký hộ khẩu thường trú; 02 ảnh cỡ 4x6 cm và 02 phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh.

Thí sinh tự do, phải có thêm: Giấy khai sinh (bản sao); Giấy xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú theo nội dung quy định tại điểm c khoản 2 Điều 12 Quy chế này nếu thuộc trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12; Giấy xác nhận của trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi đăng ký dự thi về xếp loại học lực đối với những học sinh xếp loại kém về học lực quy định tại điểm c khoản 2 Điều 12 Quy chế này; Bằng tốt nghiệp THCS hoặc trung cấp (bản sao); Giấy xác nhận điểm bảo lưu (nếu có) do Hiệu trưởng trường phổ thông nơi thí sinh đã dự thi năm trước xác nhận.

Đối với thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT: 02 Phiếu đăng ký dự thi giống nhau; Bằng tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp (bản sao); 02 ảnh cỡ 4x6 cm và 02 phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh.

Theo Nhân dân, tin gốc: http://www.nhandan.org.vn/giaoduc/tuyen-sinh/item/25689802-thi-sinh-can-luu-y-khi-dang-ky-ky-thi-thpt-quoc-gia.html

Kỳ thi THPT quốc gia 2015, thông tin tuyển sinh 2015