Đồng Nai: Phụ huynh đoán đề Văn ra biển đảo

Sau khi thí sinh vào phòng thi, phụ huynh tập trung phía trước hội đông thi Trường song ngữ Lạc Hồng trò chuyện.

Theo một phụ huynh ở huyện Vĩnh Cửu, đề Văn nhiều khả năng sẽ nói về biển đảo, vừa để các em biết thêm về biển đảo, vừa tăng thêm lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho giới trẻ hiện nay.

Về vụ ô nhiễm biển ở miền Trung, các phụ huynh cho rằng sẽ không ra đề này mà nếu có sẽ ra về chuyến thăm chính thức của tổng thống Obama và Việt Nam.

Thái Nguyên: Phụ huynh mong đề về tình yêu thương cộng đồng

Tại Thái Nguyên, ngày thi thứ hai thời tiết khá thuận lợi, thí sinh đến các điểm thi sớm hơn.

Nhiều phụ huynh cho rằng đề thi môn Văn sẽ hướng nhiều đến quê, hương đất nước và có cả câu hỏi mở.

Ông Lê Trung (giáo viên THPT) bảo rằng ông luôn nói con trai tập trung ôn những phần so sánh về hình tượng người phụ nữ, người nông dân cũng như những tác phẩm sau thời kì đổi mới. Phần kiến thức xã hội, ông Lê Trung dự đoán có nhiều khả năng đề đề cập "tình thương cộng đồng xã hội, lối sống của giới trẻ trong xu thế mới và những suy nghĩ về những vấn đề nóng, xã hội quan tâm".

Thi Ngữ văn 180 phút: "Đã ráng đọc rất nhiều tin tức xã hội"

Quảng Ngãi: Đề nên nói về lòng yêu nước

Trong khi các thí sinh dự đoán đề thi sẽ rơi trúng vào những nội dung bảo vệ chủ quyền biển đảo, hay thế hệ trẻ sống vô cảm, sống ảo.

Thí sinh Lê Văn Thịnh cho biết: “Em nghĩ đề thi nghị luận xã hội sẽ xoay quanh những tin tức thời sự mà báo chí đã nêu là một sự thú vị, nếu bạn nào quan tâm đến kiến thức ngoài sách vở và thời cuộc thì sẽ dễ kiếm điểm trong phần này”.

Dự đoán về đề thi nghị luận văn học các thí sinh đưa ra nhiều phương án, tuy nhiên chiếm số lượng nhiều nhất là bài thơ "Đất nước".

Còn phụ huynh của thí sinh thì kỳ vọng vào một đề thi đánh đúng trọng tâm những vấn đề nóng vừa xảy ra như hạn mặn ở miền tây, ô nhiễm biển ở miền Trung, những vụ án oan thế kỷ và lỗ hổng pháp luật…

Ông Trần Văn Dũng - cha của một thí sinh nói “Tôi hi vọng đề thi năm nay có một phần nghị luận xã hội hào hứng gần gũi với những sự kiện gắn với vận mệnh tổ quốc để các cháu thể hiện suy nghĩ cũng như lòng yêu nước của mình”, ông Dũng nói.

Nghệ An: Làm thử cả những đề văn trên mạng

Tại điểm Trường THPT Hermann Gmeiner, TP Vinh, từ 6g sáng 2-7 đã có nhiều thí sinh có mặt sớm, tranh thủ cầm sách ngữ văn ôn lại bài trước giờ làm bài thi. Nhiều thí sinh tỏ vẻ lo lắng và bày tỏ hy vọng đề ngữ văn “dễ thở” hơn so với hai môn thi trước.

Thí sinh Phạm Thị Thảo Quyên, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, TP Vinh cho biết Quyên đã ôn tập kỹ và làm thử các đề thi ngữ văn trên mạng những năm trước nên nắm cấu trúc đề thi.

“Em nghĩ đề ngữ văn sẽ có nhiều câu hỏi mở cho thí sinh làm bài, nhất là các vấn đề thời sự gần đây như tình trạng ô nhiễm biển ở các tỉnh miền Trung, giới trẻ sử dụng mạng xã hội hiện nay”, Quyên nhận định.

Đưa con đi thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, bà Trần Thị Bé, quê huyện Quỳnh Lưu cho biết năm nay con gái đăng ký dự thi vào Học viện Hành chính quốc gia nên bà rất lo lắng con có làm bài được môn ngữ văn hay không.

“Trước khi kỳ thi diễn ra tôi cũng khuyên cháu không nên học tủ mà đọc thêm nhiều sách báo, xem thời sự để có kiến thức xã hội vận dụng phân tích đề thi mở”, bà Bé nói.

Đà Nẵng: Thí sinh quên CMND  và giấy báo thi

Sáng 2-7, tại điểm thi Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, trời nắng nhẹ, hầu hết thí sinh đều thoải mái tự trước giờ thi. Từ sáng sớm, nhiều thí sinh đã “tụm năm, tụm bảy” cùng nhau ôn bài và đoán đề thi văn.

Thí sinh Nguyễn Văn Thành nhận định đề thi về nghị luận xã hội sẽ ra vấn đề ô nhiễm môi trường. “Em thấy mọi năm mà xã hội có vấn đề gì nóng nhất thì các thầy cô đều đưa vào trong câu nghị luận xã hội môn văn. Ở môn địa lý cũng tương tự. Năm nay vấn đề ô nhiễm biển gây bão dư luận nên em đoán đề sẽ ra về vấn đề này. Tối qua em cũng có điện cho các thầy của em, thầy cũng cùng chung suy đoán” -  Thành thổ lộ.

7g10, thí sinh Hứa Thị Thùy Linh đang đứng chờ ở cổng trường cho biết quên mang cả CMND và giấy dự thi nên đang đứng chờ người nhà mang tới.

Các tình nguyện viên đã hướng dẫn em vào phòng thi để kịp giờ. Theo các tình nguyện viên trong trường hợp này, thí sinh có thể bổ sung các loại giấy tờ thi nhưng phải có mặt tại phòng thi trước giờ phát đề. Trong trường hợp mất cả hai loại giấy tờ trên vẫn có thể liên hệ chủ tịch hội đồng thi để viết giấy cam đoan.

Huế: Tự tạo cảm hứng trước giờ thi môn Văn

Sau khi kết thúc ngày thi đầu tiên với nhiều nhiều áp lực, hôm nay các sĩ tử tại điểm thi trường Đại học Nông lâm - Đại học Huế tự tin bước vào ngày thi thứ hai. Trước giờ thi sáng nay, nhiều sĩ tử cố gắng tạo cho mình tinh thần thoải mái nhất, lấy cảm hứng để làm tốt bài thi.

“Em đã chuẩn bị rất kĩ cho bài thi môn văn, bây giờ em muốn tạo cho mình một cảm giác nhẹ nhỏm nhất để làm bài Văn đạt kết quả tốt nhất”, thí sinh Cao Văn Bắc, trường THPT Quốc học cho biết.

Đoán trước đề thi, nhiều thí sinh cho rằng để thi môn văn năm nay nhiều khả năng sẽ có phần mở rộng về các vấn đề thời sự diễn ra trong những tháng qua, đặc biệt là vấn đề thảm họa môi trường.

TP.HCM: Học nhiều tác phẩm quá giờ cũng...hoang mang

Sáng 2-7, vì đã có kinh nghiệm đi thi buổi đầu tiên nên các thí sinh khá thoải mái và kết bạn để chia sẻ những dự đoán đề Văn năm nay. Trước cổng trường, các thí sinh đang tranh thủ ôn bài và ăn sáng. Nhiều phụ huynh liên tục nhắc con mình phải trình bày sạch đẹp thì mới chiếm được cảm tình của thầy cô chấm thi.

Từ 5g sáng, các thí sinh tỉnh Long An đã có mặt tại điểm thi Trường ĐH Sài Gòn, TP.HCM. Thí sinh Nguyễn Quốc Trương, THPT Võ Văn Tần, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, nói vui: “Em học tủ hết tất cả tác phẩm văn học cũng như vấn đề xã hội cho nên rất hoang mang vì nhiều quá. Học Văn không chỉ học trong sách giáo khoa mà còn phải theo dõi dòng thời sự nữa, đòi hỏi kiến thức rộng và kỹ năng làm bài tốt”.

Trương dự đoán câu nghị luận xã hội sẽ rơi vào vấn đề thực phẩm bẩn vì đây là vấn đề nóng, gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.

Trong khi đó, thí sinh Thùy Dương, THPT Đức Hòa, Long An, trông đợi đề Văn sẽ dễ hơn so với đề Toán và tiếng Anh hôm qua.

Thùy Dương cho biết em đã theo dõi những dự đoán đề như chuyến thăm của tổng thống Mỹ Barack Obama, vấn đề ô nhiễm môi trường biển và thấy vấn đề thời sự nào cũng có khả năng xuất hiện. “Em rất tự tin với 3 tiếng thi Văn. Thời gian tương đối dài em sẽ sắp xếp để làm các câu cho phù hợp".


Tại hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Q.5, TP.HCM, phụ huynh đưa con đi thi trễ hơn, các thí sinh tỏ ra khá thoải mái trước giờ thi. Đặc biệt, các thí sinh đang rất tò mò về vấn đề thời sự nào sẽ được xuất hiện trên đề.

Em Trần Lâm Mỹ Phụng, học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Q. Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: "Ngữ văn là môn sở trường của em nên em không cảm thấy lo lắng lắm".

Em Trần Thị Thanh Hằng, học sinh Trường THPT Tân Túc, TP.HCM, thì cho biết hôm qua em làm bài tốt nên hôm nay cũng bớt lo hơn. "Em rất trông chờ không biết nghị luận xã hội sẽ ra về vấn đề gì. Em thích ra về thực phẩm bẩn vì đây là một vấn đề thiết thực".

Còn với em Phạm Hoàng Tân, học sinh trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Q. Tân Bình, TP.HCM, thì thích ra các vấn đề liên quan đến kỹ năng sống. Tân cũng mong muốn đề thi sẽ rõ ràng để thí sinh dễ dàng đưa ra nhận định của mình.

Lê Thị Oanh, thí sinh đến từ trung tâm GDTX Tân Phú đã thức dậy từ 4g sáng để đạp xe đến địa điểm thi ở Q.5. Oanh chia sẻ: "Em tham dự kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp nên em không lo lắng lắm. Môn Văn em chưa ôn kỹ nhưng tự tin sẽ làm được".

Thí sinh Nguyễn Thị Anh Thư, Trung tâm GDTX Q.12, TP.HCM, cho biết: "Em mong đề thi sẽ ra bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, em rất thích bài đó vì nó giản dị mà có ý nghĩa vô cùng hay".

Trong khi đó, tại điểm thi trường THCS Lê Qúy Đôn (Q.3, TP.HCM) phần lớn thí sinh đều rất lo lắng nghĩ luận văn học ra phần thơ.

Đi từ Gò Vấp đến điểm thi từ rất sớm, chưa kịp ăn gì, mẹ thí sinh Đình Chỉnh (THPT Nguyễn Huệ, Q.9, TP.HCM) mua vội ổ bánh mì trước cổng trường cho con ăn tạm. Vừa ăn ổ bánh mì vừa lật đề cương để ôn lại bài, Đình Chỉnh lo lắng: “Bài thơ Tây Tiến em đọc mãi chưa thuộc, giờ em đọc lại bài này. Sợ vào thi ra trúng bài này hay yêu cầu so sánh thì em không nhớ được để làm.”

Cũng như Chỉnh, Thu Hương (THPT Nguyễn Trung Trực, Q.Gò Vấp) nói: “Em thấy phân tích thơ rất khó. Câu thơ ngắn nhưng phải hiểu nghĩa và diễn giải ra nữa. Em thích nhất phần nghị luận xã hội vì phần này được nói lên ý kiến cá nhân, thể hiện quan điểm của mình. Ở trên lớp phần văn nghị luận xã hội em làm thường được điểm cao hơn.”

Khá tự tin và sẵn sàng bước vào kì thi, Đỗ Thị Thảo hào hứng: “Hai môn thi hôm qua em làm khá tốt. Tối về em có coi qua phần hướng dẫn giải đối chiếu thấy em làm đúng nhiều. Nay thi Văn là sở trường của em, nên em không sợ. Trong các phần của đề Ngữ Văn, em thích phần nghị luận xã hội và sẽ làm nó trước nghị luận văn học.”

Tại điểm thi Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, khá nhiều thí sinh thi khối A, B được hỏi đều tỏ ra lo lắng trước khi thi môn văn. Tú Anh, học sinh Trường THPT Ngô Thời Nhiệm vừa ngồi ôn bài cùng bạn, vừa cho biết: “Em đang thấy khá hồi hộp, sợ vào phòng thi thì quên hết các ý mà mình đã học” “Ai cũng nói đề toán, tiếng anh năm nay sẽ dễ nhưng làm ra thì ai cũng kêu khó nên em cũng lo”.

Hải Phòng: mong đề bàn đến đạo đức con người

Sáng 2-7, hàng ngàn thí sinh tại cụm thi số 10 ở Hải Phòng do trường ĐH Hàng Hải Việt Nam chủ trì bước vào ngày thi thứ 2 với tâm thế tự tin.
Tại điểm thi trường ĐH Hàng Hải Việt Nam, hàng trăm thí sinh có mặt từ 5g sáng để tranh thủ ngồi ôn tập. Phần lớn các thí sinh đều có tâm trạng thoải mái.

Từ 6g sáng, các thí sinh xếp thành hai hàng để sinh viên tình nguyện kiểm tra giúp các loại giấy tờ cần mang và không được mang vào phòng thi.
Ngồi ôn bài bên ngoài điểm thi từ hơn 5g sáng trên đường Nguyễn Bình, thí sinh Bùi Thúy Nga, trường THPT 25/10, huyện Thủy Nguyên cho biết năm nay bạn thi khối C, bản thân tập trung ôn tập về vấn đề biển đảo và tình người trong xã hội. Nga mong muốn đề thi sẽ vừa sức để có thể "gỡ gạc" lại điểm thi môn Toán ngày hôm qua.

Tranh thủ ngồi gạch những nội dung chính cần tập trung trong quyển ôn luyện môn ngữ văn, thí sinh Vũ Phương Thoa, trường THPT Lê Hồng Phong mong muốn đề thi sẽ dài, bởi như vậy sẽ có nhiều trích dẫn văn học để thí sinh dễ làm hơn.
"Không phải lo lắng gì cả, đi thi là phải xác định tâm lý thật thoải mái, tự tin mới có thể làm tốt bài được", phụ huynh Lê Tiến Minh, Q. Ngô Quyền, TP Hải Phòng dặn với theo trước khi đưa con trai bước vào buổi thi môn ngữ văn.

Đắk Lắk: thí sinh thư thả, không thấy áp lực

Khoảng 6g20, tại điểm thi Trường Đại học Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) mới chỉ lác đác thí sinh đến dự thi. Các tình nguyện viên cho biết, bước vào ngày thứ hai của kỳ thi các thí sinh thư thả hơn nhiều.

Thí sinh Lý Thị Thơm đi từ ký túc xá qua điểm thi rất gần nên không cần vội vã. "Hơn nữa môn văn mình khá thoải mái, không áp lực nhiều. Nhiều vấn đề xã hội cũng đã được nắm bắt kỹ lưỡng", Thơm nói.

Còn thí sinh Hoàng Thị Minh Tâm thì cho rằng tác phẩm văn học nhiều năm ra truyện ngắn. "Năm nay có thể ra một số tác phẩm thơ về cách mạng, tinh thần yêu nước. Còn đề nghị luận xã hội thì trên... tivi nói nhiều nên không thấy lo", Tâm cười tươi cho biết.

Biển miền Trung sẽ vào đề thi?

Tại điểm thi trường THPT Hồng Đức (TP.Buôn Ma Thuột), thí sinh Ngô Thị Thu Hiền nhận định đề thi năm nay có thể liên quan đến các vấn đề an toàn thực phẩm. Về phần văn học, Hiền chú ý ôn luyện bài "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm.

Còn tại điểm thi Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Đắk Lắk, thí sinh Lê Đăng Khoa (H.Krông Buk) cũng dự đoán đề thi năm nay sẽ liên tới vấn đề môi trường biển ở miền Trung, biển Đông, hạn hán... Tương tự thí sinh Đinh Võ Soái (H.Buôn Hồ) cho biết, đề thi năm nay có nhiều vấn đề nóng như cá chết ở miền Trung, tình trạng tham nhũng..

Trà Vinh: thí sinh đi sớm nhưng lại quên thẻ dự thi

Tại cụm thi Trà Vinh, lúc 6g30 thí sinh đến khá đông và sớm, không xảy ra tình trạng kẹt xe tại điểm thi. Một thí sinh quên mang thẻ dự thi, tỏ ra khá lo lắng. Các sinh viên tình nguyện đã động viên các bạn vào thi, giám thị sẽ cho lăn tay.
Tại điểm thi số 6,7 Trường ĐH Trà Vinh, thí sinh có mặt từ sớm. Thí sinh không ôn bài nhiều chủ yếu chỉ đứng thành từng nhóm tranh thủ trao đổi hướng đề thi.

Nhiều phụ huynh dặn dò con cẩn thận, lưu ý những chủ đề có thể sẽ được cho trong buổi thi sáng nay.

Ông Diệp Minh Hải chạy xe từ huyện Vũng Liêm tỉnh Vĩnh Long sang Trà Vinh để động viên con thi tốt. Ông Hải cho biết ở nhà có lên mạng xem thông tin nắm những vấn đề thời sự để lưu ý con.
“Năm nay đề văn chắc cho đề mở nhiều, cái đề mở thì hi vọng vào biển Đông. Còn cái đề văn thì chắc có lẽ hi vọng vào cái bài của Kim Lân - "Vợ nhặt". Hi vọng vô mấy cái đề đó thì cháu nó dễ làm”, ông Hải nói.

Bến Tre: Phụ huynh mong đề Văn có chuyện thiên tai hạn, mặn

Ông Út Dân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre là một trong số phụ huynh đưa con đi thi có mặt từ rất sớm trước điểm thi trường THPT chuyên Bến Tre, TP Bến Tre. Theo ông Dân, phần nghị luận xã hội năm nay có khẳ năng sẽ gắn liền với các vấn đề thời sự của đất nước, nhất là thiên tai hạn, mặn hoành hành ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Tây trong nửa năm qua.

“Nếu đề ra về vấn đề hạn, mặn thì chắc con tôi sẽ làm tốt vì nó rất quan tâm đến tình hình thời sự. Hơn nữa, mình sống trong cảnh hạn mặn, trong vùng thiên tai nặng nề nhất trong các tỉnh miền Tây nên thấu hiểu”, ông Út Dân nói.

Cùng quan điểm, thí sinh Lê Thị Mỹ, và nhiều thí sinh khác tại điểm thi Trường THPT Mỹ Hóa, TP Bến Tre cũng hy vọng rằng năm nay ngoài các bài học trong sách giáo khoa, phần mở sẽ có các vấn đề nóng bóng của đất nước mà báo đài nói đến nhiều thời gian qua như ô nhiễm môi trường biển hoặc thiên tai hạn, mặn ở các tỉnh miền Tây.

Đắk Nông: thí sinh lo phần nghị luận xã hội

Sáng 2-7, tại điểm trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, từ lúc 5g30 đã có 20 thí sinh trường PTDT nội trú Nơ Trang Lơng được xe chở đến từ rất sớm. Các tình nguyện viên cũng có mặt sắp xếp bàn ghế, nước uống cho phụ huynh thí sinh.

Thí sinh Nông Thị Mỹ Quỳnh (trường PTDTNT Nơ Trang Lơng), cho biết phần làm bạn lo lắng nhất đó là nghị luận xã hội bởi năm nay có nhiều sự kiện thời sự nóng bỏng, sợ rằng sẽ phân tích không sâu.

Trong khi đó, thí sinh Vi Thị Mai (12 A1, Trường THPT Trường Chinh) lại cho rằng đề thi phần nghị luận năm nay sẽ tập trung vào thơ.

“Năm ngoái ra bài “Chiếc thuyền ngoài xa” và hai năm trước đều là bài văn cho nên năm nay mình tập trung vào các bài thơ. Mình nghĩ năm nay sẽ ra một trong hai bài “Tây Tiến” và “Việt Bắc”, Mai nói.

Hà Nội: Đề sẽ ra bài Đất nước?


Tình trạng ùn tắc tại cổng trường không còn xảy ra như hôm qua. Nhiều thí sinh tranh thủ ngồi đọc lại bài trước giờ thi.
Em Bùi Bích Phương (Đông Anh, Hà Nội) cho biết: "Em khá lo lắng nhưng vẫn rất tự tin với môn Văn. Em dự đoán năm nay đề thi sẽ vào bài Đất nước."

Nguyện vọng của Phương là thi vào ĐH Sư phạm Hà Nội, ngành giáo dục tiểu học.

Tại Hà Nội, hôm nay không còn tình trạng thí sinh phải chờ gửi đồ.
Đa số thí sinh rút kinh nghiệm từ hôm qua nên không mang theo nhiều đồ hoặc nhờ bố mẹ cầm hộ.
Các thí sinh vào phòng thi đúng giờ, sẵn sàng cho môn thi Văn.

Ghi nhận tại điểm trường Học viện kỹ thuật quân sự, sáng 2-7, Hà Nội trời bắt đầu mưa nhỏ. Một số thí sinh đi từ các huyện ngoại thành đến điểm trường bị ướt mưa do không mang áo mưa.

Em Nguyễn Thị Bằng (quê ở Đông Anh) được anh trai đưa đón đến điểm trường cho hay, em dự định thi khối Toán - Văn - Địa nên khá lo lắng, mong muốn đề sẽ ra hướng nghị luận xã hội nhiều hơn vì thích đề tài này. Em muốn điểm thi môn Văn cao để có thể nộp hồ sơ vào trường mình yêu thích.
Chị Nguyễn Thị Hòa (quê Hoài Đức) có con đi thi tại điểm trường này cũng định thi khối Toán - Văn - Địa - Ngoại ngữ, chị chia sẻ con chị học được nên chị nghĩ con mình sẽ làm được môn này. Ngồi phía ngoài điểm trường đợi con, chị bồn chồn lo lắng cho con ở phía trong.(THU HẰNG  -

Cần Thơ: Em đã ráng đọc nhiều tin tức trên mạng!

Từ hơn 5g sáng, hai cha con ông Phan Hoài Trung Tính, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) đã đến điểm thi. Tranh thủ trước khi vào phòng thi, ông Tính đã mua một ít thức ăn để con gái lót dạ. Ông Tính cho biết đã xin nghỉ làm để đưa đón con gái trong những ngày thi THPT quốc gia này.
“Tui không quan trọng kết quả con đạt như thế nào, miễn sao cháu đủ sức khỏe và cố gắng hết mình để làm bài thi”, ông Tính vừa nói, vừa động viên con.

Thí sinh Lê Nguyễn Bích Ngọc, học sinh trường THPT Trần Đại Nghĩa, cho biết mình rất thích học nghị luận xã hội, với lại trong năm vừa qua có quá nhiều sự kiện để bàn đến. “Em rất thường xuyên đọc báo và tin tức trên mạng, cho nên cũng trang bị được một số vốn kiến thức xã hội, hy vọng hôm nay sẽ làm bài thật tốt."

Cô Cao Thị Ngọc Hà, hiệu trưởng trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ hy vọng đề thi môn Văn hôm nay trước tiên phải là những kiến thức cơ bản trọng tâm đạt yêu cầu vừa nằm trong khung chuẩn kiến thức chương trình, vừa phân hóa được học sinh, nhưng không quá không đánh đố học sinh.

“Đối với chương trình môn Văn học thì học sinh được học cả hai mảng xã hội và tác phẩm văn học ở sách giáo khoa. Mỗi học sinh có một thế mạnh riêng về nghị luận xã hội hoặc nghị luận văn học cho nên không chỉ thí sinh học môn chuyên mới có khả năng làm bài bài tốt, chỉ cần các em am hiểu và nhạy bén thì có thể đạt điểm cao”, cô Hà chia sẻ.

Bình Dương: Văn mà, tự tin !

Tại Bình Dương, đa số thí sinh cho biết đều cảm thấy khá thoải mái và tự tin với môn ngữ văn. Vì đây là môn thi chính trong các kỳ thi từ trước đến nay nên thí sinh đã ôn luyện kiến thức rất kỹ. Hơn nữa, đây là môn thi tự luận nên theo đánh giá của thí sinh thì "dễ ăn" hơn các môn tính toán như Toán, Vật lý, Hóa học.

Nhận định trước khi vào phòng thi, một thí sinh hi vọng đề ngữ văn sẽ bám sát kiến thức trong chương trình học cơ bản. Phần tự luận sẽ có các câu hỏi liên hệ với các sự kiện thời sự trong nước được dư luận quan tâm trong thời gian qua.

Vĩnh Long: hi vọng nghị luận sẽ trong chương trình 12

Sáng sớm 2-7, nhiều thí sinh thoải mái trước khi chuẩn bị thi môn văn. Nhiều bạn dự đoán đề ra theo hướng mở, những sự kiện thời sự nổi cộm như môi trường biển, đời sống của bà con ngư dân ở miền trung sẽ được đưa vào đề văn nên có thể thoải mái trình bày quan điểm.

Bạn Phạm Hồng Phấn tâm sự: “Trong phần nghị luận xã hội thường từ 2 - 3 điểm nên Phấn mong rằng nghị luận xã hội sẽ là đề mở. Còn phần nghị luận văn học thì mong rằng đề sẽ cho trong chương trình 12, chứ đừng nằm trong chương trình 11 bởi chương trình lớp 11 em đã học qua hơn 1 năm rồi, không thể nắm kỹ bằng chương trình lớp 12 được. Nếu cho theo hướng như vậy, hi vọng em sẽ đạt 7,8 điểm…”

Xem thêm:

Theo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160702/thi-ngu-van-180-phut-da-rang-doc-rat-nhieu-tin-tuc-xa-hoi/1129318.html