Điểm chuẩn luôn "chót vót"

Kinh tế càng phát triển thì nhu cầu nhân lực nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng (TC-NH) càng cao. Theo khảo sát qua cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, trong số 80.000 trả lời cho thấy, có tới 38% đánh giá TC-NH đang là ngành “nóng” nhất, 22% cho là ngành Quản trị kinh doanh.

Tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân, số liệu thống kê cho thấy, khoảng 40% sinh viên nhóm ngành TC-NH tìm được việc làm sau 8 tháng ra trường, một số ngành đạt 78-80% như ngành TC-NH. Tại Học viện Ngân hàng, theo thống kê của nhà trường 90% sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm sau 6 tháng.

Do vậy, nhóm ngành TC-NH luôn là những ngành “nóng” kéo theo điểm chuẩn cao, đặc biệt là ở các trường “tốp” đầu về đào tạo lĩnh vực kinh tế.

Cụ thể, điểm chuẩn Trường ĐH Kinh tế quốc dân điểm sàn chuẩn năm 2010 vào trường khối A là 21, khối D1 là 20. Riêng ngành TC-NH điểm chuẩn khối A: 24,5, khối D1: 23,5. Trong đó, chuyên ngành Ngân hàng, khối A: 25,5; khối D1: 23,5.

Điểm chuẩn ngành TC-NH của Học viện Tài chính năm 2010, có điểm chuẩn 21. Còn của tại Trường ĐH Ngoại thương năm 2010, ngành TC-NH khối A: 24; Khối D: 22.

Đối với Học viện Ngân hàng điểm chuẩn ngành TC-NH luôn cao nhất trong trường: 23 điểm.

Năm 2010, điểm chuẩn ngành TC-NH của Trường ĐH Thương mại là 20 điểm; Trường ĐH Tài chính - Marketing ngành TC-NH khối A, điểm thi cũng tới 16,5, khối D1 là 17,5. Viện ĐH Mở Hà Nội, ngành TC-NH điểm chuẩn khối A: 15,5, khối D: 16.
 
Khu vực phía Nam và miền Trung, điểm chuẩn ngành TC-NH năm 2010 cũng cao không kém như Trường ĐH Ngân hàng TPHCM là 20; Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng là 19,5; Trường ĐH Kinh tế - Luật - ĐH QG TPHCM điểm chuẩn ngành này khối A, D1 cũng là 21;
 
Với nhiều trường cao đẳng, điểm chuẩn ngành TC-NH cũng luôn cao nhất trường như  điểm chuẩn năm 2010, Trường CĐ Tài chính - Hải quan là 19; Trường CĐ Tài chính kế toán NV2 là 13; Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Trung ương  là 10,5 điểm…


Thi ngành Tài chính - Ngân hàng, thí sinh nên cân nhắc kỹ - Ảnh 1
Hình minh hoạ
Vẫn luôn là ngành "nóng"
 
Lãnh đạo của nhiều trường đại học “tốp trên” cho biết, điểm chuẩn vào trường vài năm trở lại đây luôn giữ ổn định, chỉ dao động từ 1 - 1,5 điểm. Ví dụ: Học viện Ngân hàng điểm chuẩn ngành TC-NH năm 2009 là 22, năm 2010: 21 điểm; Trường ĐH Ngân hàng TPHCM điểm chuẩn năm 2009 là 20 điểm, năm 2010 vẫn là 20 điểm…
 
Ông Trần Mạnh Dũng, trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng cho biết: “Điểm chuẩn 3 năm trở lại đây của trường luôn giữ ổn định ở mức cao từ 21 điểm trở lên, nếu có dao động cũng chỉ từ 0,5 đến 1 điểm, ngành TC-NH thường có điểm chuẩn cao nhất trường. Dự báo nguồn nhân lực lĩnh vực này trong thời gian 5-10 năm tới vẫn rất “nóng” không phải bão hòa như nhiều người nhận định vì ngành này phụ thuộc vài phát triển kinh tế đất nước”.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, kết quả tuyển sinh trong năm 2010 cho thấy, nhóm ngành Kinh tế đã chiếm tới gần 28 % tổng số thí sinh trúng tuyển vào các trường. Những năm gần đây, nhóm ngành này vẫn nằm trong tốp đầu những ngành có số thí sinh nộp hồ sơ và trúng tuyển.

Về vấn đề nhiều trường ĐH,CĐ ồ ạt mở ngành học này để đáp ứng nhu cầu xã hội sẽ dẫn đến dư thừa việc làm trong thời gian tới, ông Trần Mạnh Dũng cho rằng: “Để có cơ hội việc làm ngay sau khi ra trường còn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của sinh viên và thương hiệu của từng trường”.

Nếu đăng ký dự thi vào ngành TC-NH, thí sinh nên cân nhắc kỹ vào năng lực của mình để dự thi tránh trường hợp điểm cao vẫn trượt NV1 như nhiều thí sinh đã vấp phải.




Theo Hồng Hạnh- Dantri