Sự kiện: Giáo dục, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, diem thi tot nghiep

TPHCM: Hơn 40.000 học sinh sẽ thi lớp 10 công lập

Ông Hồ Phú Bạc - Trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất giáo dục, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2013-2014 có 40.390 thí sinh dự thi. So với năm ngoái, giảm hơn 10.000 em.

Tương đồng với số học sinh giảm thì số hội đồng thi cũng ít hơn 8 hội đồng thi so với năm 2012. Toàn thành phố có tổng cộng 84 hội đồng thi vào lớp 10, trong đó có 73 hội đồng thi thường và 11 hội đồng thi chuyên. Trong tổng số 40.390 học sinh dự thi thì đến 33.728 em đăng ký vào hệ lớp 10 thường, còn 6.662 em đăng ký thi vào hệ chuyên. Được biết, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập năm nay là 60.422 chỉ tiêu, trong đó riêng chỉ tiêu của thi tuyển là 36.071.

Xu hướng đề thi năm nay

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết: Đề thi tập trung ở kiến thức lớp 9, có phần căn bản theo chuẩn kiến thức chung. Các câu khó sẽ chiếm 2-3 điểm ở mỗi môn thi. Vì đây là đề tuyển sinh nên mức độ khó, “gài bẫy” TS cao, đòi hỏi TS phải biết “tháo bẫy” bằng những kiến thức đã học suốt bốn năm THCS. TS dự thi cần bình tĩnh và tỉnh táo phân loại để vận dụng kiến thức đã học mới làm bài tốt. Đối với đề thi các môn thi chuyên, hội đồng ra đề thi còn phân hóa học sinh ở mức độ sâu hơn để chọn những học sinh có năng khiếu thật sự.

Đề Văn thường có bốn câu: Câu 1: Kiểm tra kiến thức văn học, tiểu sử tác giả-tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác; câu 2: Bài tập tiếng Việt; câu 3: Nghị luận xã hội; câu 4: Nghị luận văn học.

Đề Toán: Câu phân hóa luôn nằm ở toán hình học, đặc biệt là toán bài tập. TS nên chọn những câu dễ làm trước ở phần toán đại số (chiếm 6-7 điểm). TS đừng mất thời gian nhiều ở câu khó khi giải quyết mấy câu dễ để “có điểm”, thời gian còn lại làm những câu khó, làm đến bước nào có điểm ở từng bước đó (0,25 điểm).

Môn tiếng Anh: Chọn phần ngữ pháp dễ làm trước, phần yêu cầu thi đọc-hiểu, TS nên đọc lướt (nếu có quá nhiều từ vựng khó mà TS chưa đoán được nghĩa) và chọn phương án theo cấu trúc câu, văn phạm đã học mà mình cho là đúng nhất, câu nào mà TS cảm thấy không biết làm thì cũng nên chọn đại phương án theo kiểu hên-xui, hơn là bỏ trống.

Không có đặc cách

Ông Nguyễn Tiến Đạt lưu ý đặc biệt: Thi tuyển sinh lớp 10 không có chế độ đặc cách cho HS bỏ thi vì bệnh tật, tai nạn giao thông khi đang thi. Các em cần thận trọng trong ăn uống, sinh hoạt để giữ sức khỏe ổn định trong kỳ thi. Nếu gặp sự cố, tai nạn trong kỳ thi, phải đến năm sau mới có cơ hội thi lại. Khi đưa đón con đi thi, phụ huynh nên nhắc nhở các em để điện thoại di động ở nhà để tránh vi phạm và không nên mang theo tài liệu. Thi môn buổi sáng, học sinh nghỉ trưa để thi môn buổi chiều, phụ huynh cần canh giờ để đánh thức, các kỳ thi trước có vài trường hợp các em ngủ quên bỏ thi, vuột mất cơ hội.

Ông Đạt cũng cho biết thêm: Sở GD&ĐT TP.HCM không có chủ trương hạ điểm chuẩn để “vớt” các TS đạt điểm cao nhưng rớt cả ba nguyện vọng. Kinh nghiệm cho thấy công tác tư vấn chọn nguyện vọng sau khi Sở công bố số liệu nguyện vọng ban đầu và đã cho thay đổi nguyện vọng lần cuối TS biết lượng sức đã chọn (một nguyện vọng cao, một nguyện vọng chung và một nguyện vọng thủ thân) nên số TS đạt điểm cao rớt cả ba nguyện vọng mỗi năm ít lại, năm 2012 chỉ còn 11 trường hợp).

Nhiều học sinh trúng tuyển nhưng “chê”…

Mỗi năm có khoảng gần 10 trường hợp TS trúng tuyển vào các trường như THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT Nguyễn Thượng Hiền… nhưng bỏ, không làm thủ tục nhập học vì các em học lớp 9 ở các trường dân lập Nguyễn Khuyến, Trương Vĩnh Ký... Các em này đã quen với môi trường nội trú nên gia đình ngại cho ra ngoài tìm chỗ trọ mới, tiếp tục cho các em học tại các trường dân lập đã học để học tiếp THPT.

Ông NGUYỄN TIẾN ĐẠT, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

Kênh tuyến sinh: Nguồn tin phapluattp