Không tăng kịch trần

Ngày 24-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị quyết về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014-2017. Theo đó, cơ sở giáo dục khi cam kết tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện. Quyền tự chủ này cho phép các trường quyết định mức học phí bình quân (của chương trình đại trà) tối đa bằng mức trần học phí do Nhà nước quy định cộng với khoản chi thường xuyên ngân sách nhà nước cấp bình quân cho mỗi sinh viên công lập trong cả nước. Mức học phí phải được công bố trước khi tuyển sinh. Bên cạnh học phí, Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu các trường phải quy định cụ thể và công khai những khoản thu sự nghiệp ngoài học phí, theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí và tích lũy hợp lý.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, từ năm 2009, Bộ GD-ĐT đã giao nhiệm vụ cho 6 trường ĐH thí điểm tự chủ. Tuy nhiên, từ đó đến nay, các trường chỉ được tự chủ về cơ chế chi, việc thu học phí và thu phí không được vượt quá quy định mức trần học phí theo Nghị định 49 năm 2010 của Chính phủ. "Bộ không cấp kinh phí chi thường xuyên nhưng các trường lại không được mở rộng nguồn thu, chỉ tự chủ chi mà không được tự chủ thu là khó khăn đối với các trường, khiến trường ĐH phải mở rộng các hệ đào tạo không chính quy, liên kết đào tạo nên chất lượng không được cao như mong muốn. Khi được tự chủ nguồn thu, các trường sẽ tập trung vào công tác đào tạo chính quy, không phải mở rộng hệ vừa học vừa làm hay các hệ đào tạo khác, điều đó giúp nâng cao chất lượng. Mô hình tự chủ mới có tác động nâng cao chất lượng, thiết thực hơn trước đây", Thứ trưởng Bùi Văn Ga phân tích.

Trường đại học tự chủ tài chính cho tăng học phí vẫn lo

Sinh viên Trường Đại học Ngoại thương tại một buổi đào tạo liên kết với Công ty Phần mềm Epicor

Khẳng định rằng lần này các trường tự chủ toàn phần như ĐH Hà Nội đã được tháo gỡ khó khăn lớn nhất - tự chủ thu học phí, nhưng ông Bùi Kim Cương, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Hà Nội cho biết, đây không phải là vấn đề có thể đưa ra quyết định một cách dễ dàng. "Theo Nghị quyết về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động các trường đại học công lập thì trường chúng tôi được phép thu đến 25 triệu đồng/năm/sinh viên nhưng vào thời điểm kinh tế khó khăn, mức độ cạnh tranh giữa các trường đại học quyết liệt như hiện nay, không thể nào thu học phí ở mức quá cao được", ông Bùi Kim Cương nói.

Đó là một trong những bài toán khó mà 4 trường ĐH thí điểm tự chủ toàn phần lần này phải đối mặt. Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Ngoại thương cho biết, đề án tự chủ tài chính của trường đang được xây dựng với nhiều điều chỉnh theo Nghị quyết mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo bà Lê Thị Thu Thủy, nhà trường dự kiến hoàn thành đề án với mong muốn được xét duyệt ngay trong năm 2014 để áp dụng mức học phí mới vào năm 2015. Được biết, Trường ĐH Ngoại thương dự kiến lộ trình tăng học phí áp dụng ngay đối với sinh viên khóa mới nhập học năm 2014 - 2015; với sinh viên các khóa trước thì vẫn áp dụng mức thu dựa theo Nghị định 49 của Chính phủ. Nếu được thực hiện, dự kiến mức học phí mới ở học kỳ II có thể sẽ tăng thêm 50% so với hiện tại, tức vào khoảng 9 triệu đồng/sinh viên/năm đối với chương trình đại trà. Mức thu ở các năm sau sẽ tiếp tục tăng dần. Năm học 2015 - 2016 có thể thu ở mức 11-12 triệu đồng/sinh viên/năm. Các chương trình đặc biệt không tăng nhiều như đại trà bởi hiện đã thu ở mức cao.

Với Trường ĐH Hà Nội, ông Bùi Kim Cương cho biết: "Chúng tôi dự kiến có 3 khung học phí cho 3 khối ngành khác nhau. Với những sinh viên đang học, mức học phí tăng không nhiều vì nhà trường cũng ý thức rõ rằng không nên gây xáo trộn về tài chính đối với họ". Mức tăng với sinh viên của trường này, nếu được phê duyệt, vào khoảng 1-1,5 triệu đồng/năm học - tức khoản thu sẽ là 7,5 hoặc 8 triệu đồng/người/năm học. Mức học phí mới của ĐH Hà Nội không kịch trần, và thấp hơn mức thu của ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân vì "các trường đó có thương hiệu".

Tăng cường giám sát chi tiêu

Theo quy định của Chính phủ, trách nhiệm của cơ sở giáo dục ĐH công lập thực hiện thí điểm tự chủ tài chính là phải cam kết bảo đảm chất lượng đào tạo, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản của Nhà nước giao và các nội dung tự chủ khác theo quy định của pháp luật, thực hiện kiểm toán theo quy định. Bên cạnh đó, trường thí điểm tự chủ phải xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ bảo đảm tính công khai, minh bạch và kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng trường, bảo đảm thực hiện giám sát toàn bộ hoạt động của cơ sở. Các trường cần có cơ chế để cán bộ, giảng viên, người lao động, sinh viên và các tổ chức xã hội tham gia giám sát hoạt động của trường. Về việc này, ông Bùi Kim Cương cho biết, về mặt lý thuyết, nhà trường phải cam kết với người học về chất lượng đào tạo khi tăng học phí nhưng trước mắt, trong thời gian 3 năm học thì khó có thể tạo đột biến. Trong thời gian ngắn như vậy thì không thể hoàn thành được toàn bộ chương trình đào tạo cho 4 năm. "Không làm được thì không nên nói trước. Tuy nhiên, điều mà trường có thể thực hiện được ngay là tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên và bổ sung theo lộ trình cơ sở vật chất", ông Bùi Kim Cương cho biết.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, những trường nói trên đã thực hiện tự chủ từ nhiều năm nay, có cơ sở để triển khai. Tuy nhiên, với cơ chế "cởi trói" mới, Bộ sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quyền tự chủ của các trường, đặc biệt là về các mặt thu chi cũng như mở ngành, liên kết đào tạo.

Theo Quỳnh Phạm, Hà Nội mới, tin gốc: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/725910/thi-diem-mo-hinh-tu-chu-tai-chinh-tai-co-so-giao-duc-dai-hoc-cho-tang%E2%80%A6-van-so-