Mô hình trường học mới (VNEN) bậc THCS được Bộ GD&ĐT triển khai thực nghiệm đối với lớp 6 từ năm học 2014 – 2015,  năm học 2015-2016 được thí điểm ở nhiều địa phương trong cả nước.

Với bộ sách giáo khoa mới bao gồm 8 môn học: Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên (tích hợp Vật lí, Hoá học, Sinh học); Khoa học xã hội (tích hợp Lịch sử, Địa lí), Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học, Hoạt động giáo dục (tích hợp Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật).

Thầy giáo trực tiếp đứng lớp lên tiếng về mô hình lớp học mới (VNEN)Dạy và học theo mô hình VNEN ở bậc THCS tại Hà Tĩnh có nhiều vấn đề cần quan tâm (Ảnh: Lê Văn Vỵ)

Với mục tiêu mà Bộ GD&ĐT đưa ra:

- Đổi mới đồng bộ các hoạt động sư phạm trong nhà trường;

- Bảo đảm cho học sinh được tự quản, tự tin trong học tập, chiếm lĩnh được kiến thức, kĩ năng qua tự học và hoạt động tập thể;

- Phù hợp với mục tiêu đổi mới và điều kiện về năng lực đội ngũ giáo viên, thiết bị giáo dục của hầu hết các trường học Việt Nam.

- Có giải pháp thu hút các gia đình và cộng đồng tích cực tham gia cùng nhà trường thực hiện chức năng giáo dục.

Tuy nhiên, khi đưa vào thí điểm thì bên cạnh cái hay mà mô hình này nêu ra thì cũng gặp không ít những bất cập trong tình hình đặc điểm của giáo dục Việt Nam hiện nay.

Khác với sách giáo khoa truyền thống, sách giáo khoa cho mô hình dạy học mới gồm có 5 hoạt động: “Khởi động”, “Hình thành kiến thức”, “Luyện tập”, “Vận dụng”, “Tìm tòi mở rộng”. Trong đó, ở trên lớp chủ yếu là 3 hoạt động đầu, còn 2 hoạt động cuối là các em thực hiện ở nhà.

Với mô hình mới này thì các lớp học xây dựng được mô hình tự quản trong lớp. Các em thay phiên nhau để điều khiển lớp học tập.

Một số em mạnh dạn hơn, thầy cô chỉ là người định hướng và kết thúc vấn đề còn các em là người chủ động tiếp nhận và thảo luận vấn đề mà sách giáo khoa yêu cầu.

Điều này sẽ tạo cho các em một thế chủ động ngay còn nhỏ, biết làm việc nhóm. Biết tự chủ trước tập thể để phát huy thế mạnh của mình.

Ngoài ra, với mô hình mới này thì mỗi môn học chỉ có một cuốn sách dành chung cho cả giáo viên và học sinh, giáo viên có thể không cần phải soạn giáo án, ít phải ghi bài và ít phải giảng, học sinh không phải thụ động nghe thuyết giảng từ người thầy.

Trong mỗi bài học đều có phần nâng cao (hoạt động 4-5), đòi hỏi các em có thể tìm tòi và mở rộng vấn đề để nâng cao kiến thức cho mình.

Và, mô hình học này cũng đòi hỏi các em phải trình bày sản phẩm học tập của mình để trang trí lớp nên phòng học trông đẹp mắt hơn, không còn hình ảnh 4 bức tường trơn tru với màu sơn, hay màu vôi nham nhở viết, vẽ của học trò.

Song, mô hình dạy học mới này có thực sự phù hợp và có thể áp dụng đại trà ở Việt Nam được chưa? Xin đưa ra những băn khoăn trong quá trình đứng lớp:

Thứ nhất, mô hình này chỉ có một số ít em có thể tiến bộ và phát huy khả năng của mình còn đa số các em sẽ rất khó tiếp cận và phát huy được.

Vì với cách dạy mới này thầy cô không còn là người thuyết giảng nữa mà học sinh sẽ là trung tâm. Nên những em khá sẽ khá hơn nhưng những em dở thì chắc chắn sẽ…dở hơn.

Bởi hoạt động nhóm thì trong khi thảo luận và sau khi hoàn thành bài tập thì chỉ có một số em học khá đại diện đứng lên phát biểu xây dựng bài. (điều này giáo viên cũng không thể bắt bẻ được bởi giao bài tập cho nhóm thì đại diện nhóm phát biểu).

Thứ hai, một số em rất khó nắm bắt được nội dung kiến thức bài học bởi các hoạt động trên lớp chỉ thiên về thảo luận nhóm nên nếu các em không chịu hoạt động hoặc không nắm được bài thì về nhà cũng rất khó học được bởi bài vở không ghi chép mà sách giáo khoa thì dài dằng dặc…

Nhất là những môn xã hội như: Ngữ văn, Khoa học xã hội nếu giáo viên không giảng thì liệu những vấn đề xưa xa, những tác phẩm văn học trung đại bằng chữ Hán, chữ Nôm với rất nhiều điển tích, điển cố thì làm sao các em tự tìm hiểu được, mà giảng nhiều thì lại không đúng với tinh thần chỉ đạo với hướng dẫn của mô hình dạy học mới!

Thứ ba, chúng ta biết rằng với lượng kiến thức và cách xếp thời khóa biểu hiện nay thì mỗi buổi học có từ 4-5 tiết, điều này cũng tương đương từ 3-5 môn học.

Vì vậy, sự chuẩn bị ở nhà cho bài học mới của các em là rất lớn. Trong khi lâu nay chúng ta kêu gọi là không giao bài tập về nhà, nhưng mô hình dạy học mới này lại phải chuẩn bị tài liệu, tranh ảnh cho bài học mới là rất  lớn.

Những em ở thành phố, hay những em có điều kiện được gia đình nối mạng Internet, trang bị máy in thì có thể tìm tòi, tra cứu được còn những em có hoàn cảnh khó khăn, những em ở vùng sâu thì rất khó trang bị tài liệu học tập cho mình.

Mà khi học sinh không chuẩn bị bài thì lên lớp làm sao mà học bài được. Trong khi yêu cầu mới là giáo viên chỉ là người gợi mở, dẫn dắt vấn đề…Khi học sinh không chuẩn bị thì chỉ có nước cô-trò nhìn nhau mà thôi.

Thứ tư, Nhà trường và phụ huynh phải đầu tư rất lớn. Nhà trường phải đầu tư thêm bàn ghế mới, máy chiếu, tranh ảnh…

Trong khi ta chưa đủ cơ sở vật chất, sĩ số lớp học thì đông thì áp dụng mô hình học mới này là một điều khiên cưỡng. Chưa nói, cha mẹ học sinh cũng phải đầu tư rất lớn cho sách giáo khoa, tài liệu học tập cho các em so với hiện nay…

Thứ năm, Bộ GD&ĐT chỉ đạo là trong việc đánh giá học sinh.Với mô hình dạy học mới này không kiểm tra định kì nhiều như trước mà chủ yếu là theo dõi quá trình học tập của nhóm, của từng học sinh qua từng bài học, qua từng tháng và chỉ tổ chức kiểm tra định kì giữa và cuối học kì 1 lần.

Kết hợp với đánh giá trên lớp của giáo viên, đánh giá của bạn bè trong lớp, của cha mẹ học sinh và cộng đồng…(cách hướng dẫn có nhiều bất cập, có phải cha mẹ nào cũng thẩm định được kết quả học tập của con em mình đâu (bởi không cho điểm), “cộng đồng” là ai…

Trong khi giáo viên là người trực tiếp giảng dạy, theo dõi lại chỉ là một trong những kênh để đánh giá kết quả học tập của học trò?).

Mô hình VNEN đang được áp dụng thí điểm ở lớp 6 và điều này cũng đồng nghĩa sẽ áp dụng đại trà trong những năm tới. Là giáo viên, bản thân mỗi thầy cô không ngại khó, ngại khổ nếu thực sự sự thay đổi lần này đem lại diện mạo tích cực cho ngành giáo dục.

Thiết nghĩ Bộ GD&ĐT cần lắng nghe những phản hồi của dư luận và thận trọng khi triển khai áp dụng đại trà.

Cách gộp một số môn học lại thành một môn chắc chắn sẽ còn nhiều bất cập nảy sinh trong việc bố trí giáo viên giảng dạy và nội dung gộp môn học cũng chưa nhận được sự đồng tình của giới khoa học và dư luận mà mà môn Lịch sử là một ví dụ điển hình trong thời gian qua.

Theo Giáo dục VN, nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Thay-giao-truc-tiep-dung-lop-len-tieng-ve-mo-hinh-lop-hoc-moi-VNEN-post163999.gd