Đề thi tốt nghiệp thay đổi theo hướng mở

Những năm gần đây, đề thi, đặc biệt là môn khoa học xã hội trong các kỳ thi quốc gia luôn có xu hướng mở, không bó hẹp chỉ những bài học, tác phẩm được học ở nhà trường. Điều này đã tạo nên một cộng hưởng tốt khi sau đó nhiều địa phương, trường học khuyến khích giáo viên ra đề theo hướng này.

Xã hội đã dần quen thuộc với lối ra đề thi theo hướng mở, giúp học sinh không còn gò bó trong những lối mòn đã định sẵn. Nhưng đến nay đề mở đã có dấu hiệu “đề mẫu” vì trên thị trường sách tham khảo hiện nay đã xuất hiện những cuốn sách đại loại như những bài văn mẫu cho đề mở! Và cách ra đề như trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay của Bộ GD-ĐT, đặc biệt ở môn ngữ văn, được xem như là một nỗ lực vượt qua những gì đã quen thuộc.

Trước nay chúng ta quen với những đề văn nghị luận xã hội dựa trên những thành ngữ, tục ngữ, danh ngôn, câu nói ấn tượng của những người nổi tiếng, thành đạt… Hoặc có khi là những sự kiện, vấn đề nhiều người quan tâm, biết đến như câu chuyện về thần tượng mà đề thi tốt nghiệp THPT năm ngoái đã gây xôn xao dư luận. Cũng có lúc là những gương điển hình trong sách vở…

Câu nghị luận xã hội của đề thi tốt nghiệp môn văn năm nay đề cập đến vấn đề không mới: lòng dũng cảm nhưng dưới cách thức mới. Đây chính là điều được dư luận đánh giá cao. Thí sinh có cảm xúc làm bài, người lớn hào hứng… vì đề vừa mang tính thời sự lại có ý nghĩa nhân văn.

Không đề cập đến mẫu hình một vĩ nhân hay gương người tốt nào đó quá xa xôi với thời cuộc, đề thi chỉ ra một con người bình thường như bao nhiêu người khác, lại là học sinh cùng lứa với những thí sinh hôm nay, và sự việc chỉ mới diễn ra hơn một tháng. Đó là trường hợp của học sinh Nguyễn Văn Nam, lớp 12 Trường THPT Đô Lương 1 (Nghệ An) đã dũng cảm cứu 5 em nhỏ thoát chết đuối, cuối cùng Nam đã hy sinh. Những thí sinh tham gia kỳ thi này, đặc biệt bạn bè ở ngôi trường Nam học, hẳn sẽ không thấy có điều gì quá xa lạ với nhân vật được đề cập. Từ đó, thí sinh có thể sẽ nhìn nhận vấn đề thật hơn, gần gũi hơn với lứa tuổi của mình. Bài học về đạo đức, giá trị sống từ đó dễ dàng đi vào tâm hồn của học sinh hơn.

Với các đề còn lại qua 2 ngày thi, nhiều ý kiến cũng nhận định mang tính thời sự và vận dụng nhiều kiến thức từ thực tiễn cuộc sống. Đề môn địa lý năm nay tiếp tục bàn đến vấn đề nóng bỏng: quan hệ với các nước láng giềng về biển đảo mà theo nhiều giáo viên nếu không đưa kiến thức có được từ thông tin thời sự bên ngoài, thí sinh khó lòng được điểm cao. Ngoài ra, không chỉ tập trung vào vấn đề quen thuộc, nội dung đề thi nói đến những chuyện xã hội đang quan tâm là việc làm và lao động… Ở những môn tự nhiên, theo nhận định của nhiều giáo viên, cách ra đề phần nào giúp thầy và trò thay đổi cách dạy - học. Để làm bài tốt, theo các giáo viên, thí sinh phải biết vận dụng kiến thức trải đều, không thể đoán mò, học tủ, học vẹt…

Dư luận vui mừng với những đề thi hay, không đóng khung với những gì quen thuộc. Thế nhưng điều quan tâm hơn, mọi người hy vọng đây sẽ là cơ sở để thay đổi triệt để cách dạy và học từ chương, máy móc như hiện nay.

 

Thông tin cần biết:

 

Tin bài gốc: thanhnien

Kenhtuyensinh

Theo: thanhnien