Phương án tuyển sinh 2015 sẽ được chốt vào tháng 9

Ngày 29/7, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia thay thế hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ. Dự kiến, phương án thi chính thức sẽ được công bố vào tháng 9/2014 để triển khai áp dụng từ năm 2015.

Theo môn hay theo bài?

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2013-2014, triển khai nhiệm vụ năm học 2014-2015 tổ chức sáng 29/7, Bộ GD&ĐT đã công bố ba phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia (gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH-CĐ) để lấy ý kiến.

Theo đó, phương án 1 là thi theo môn. Thí sinh sẽ dự thi ba môn bắt buộc là: Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn: Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa lý.  Thí sinh có quyền đăng ký thêm các môn thi tự chọn còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH - CĐ theo yêu cầu của từng trường.

Ưu điểm của phương pháp này là ít xáo trộn, không gây lo lắng, áp lực tâm lý đối với giáo viên, học sinh, nhất là đối với những học sinh đã hoàn thành chương trình THPT từ năm 2014 về trước. Việc chấm bài thi thuận lợi, dễ dàng; Học sinh dự thi nhiều môn nên có nhiều cơ hội dự tuyển vào các trường ĐH - CĐ. Tuy nhiên, do kỳ thi diễn ra trong bốn ngày (8 buổi thi) nên công việc của giáo viên nhiều hơn, chi phí tổ chức kỳ thi tăng thêm và có thể dẫn đến việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với những môn không thi.

Phương án 2 sẽ thi theo bài. Mỗi thí sinh phải thi ba bài thi bắt buộc là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và tự chọn một  trong hai bài thi: Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa Sinh) hoặc Khoa học xã hội (Sử và Địa). Do có 2,5 ngày thi nên kỳ thi này sẽ gọn nhẹ hơn, giảm chi phí; Có sự tổng hợp, tích hợp các môn thi nên hạn chế việc dạy tủ, học lệch hoặc dồn, cắt xén chương trình đối với những môn không thi. Tuy nhiên, đây là phương pháp mới nên dễ gây lo lắng, tác động đến tâm lý của giáo viên, học sinh và phụ huynh. Ngay cả việc chấm thi cũng phức tạp hơn do một bài thi tổng hợp phải có nhiều giáo viên các môn cùng chấm.

Phương án tuyển sinh năm 2015 sẽ được chốt vào tháng 9

Phương án tuyển sinh kỳ thi chung sẽ được chốt vào tháng 9

Phương án 3 là tổng hợp cả 11 môn học ở lớp 12 THPT thành 4 bài thi gồm: Toán - Tin (Toán và Tin học), Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh và Công nghệ); Khoa học xã hội (Văn, Sử, Địa và Giáo dục công dân); Ngoại ngữ. Mọi thí sinh đều phải thi cả bốn bài thi nói trên trong bốn buổi thi (hai ngày). Phương án này còn rút ngắn kỳ thi hơn ở phương án 2, việc tổng hợp, tích hợp các môn thi thành bài thi cũng mạnh và nhanh hơn; Tuy nhiên, phương án này còn dễ gây “sốc” cho giáo viên, phụ huynh, học sinh hơn phương án 2.

Tại Hội nghị, hầu hết đại biểu đồng tình chủ trương hợp nhất hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH - CĐ thành một kỳ thi THPT Quốc gia, tuy nhiên vẫn băn khoăn về ba phương án thi. Theo bà Vũ Bích Việt - Phó chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, nên áp dụng phương án 1 trước để học sinh và giáo viên miền núi có thể tiếp cận phương án dạy và học theo phương án bài thi tích hợp.  Cần thận trọng, lắng nghe ý kiến rộng rãi
Trao đổi tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ quan điểm: Tất cả những đổi mới nếu khó khăn cho ngành Giáo dục nhưng có lợi cho xã hội thì vẫn nên làm. Nếu cảm thấy một kỳ thi bớt được tốn kém cho xã hội, cho các gia đình, tiệm cận được với mục tiêu đổi mới, thì phải quyết tâm và phải đổi mới quyết liệt, đi đến cùng.

Việc đổi mới thi phải tính để gắn với việc đổi mới chương trình SGK trong tương lai. Phương án 1 và 2 thực chất là một phương án, không bắt học sinh thi hết các môn. Phương án 3 là “học gì thi nấy”. Phương án 1 và 2 chỉ khác nhau ở chỗ thi theo môn và thi theo bài. Các bài liên môn hiện tại chưa có tích hợp mà chỉ tổng hợp kiến thức các môn học. Vì thế chưa có gì trái với chương trình hiện tại.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc nhở Bộ GD&ĐT cần thận trọng, lắng nghe ý kiến rộng rãi, có thể sẽ không chỉ có ba phương án đã đề xuất mà còn có thể có những phương án khác, hợp lý hơn, khả thi hơn. Nhưng dù là phương án nào thì cũng phải dựa vào nguyên tắc không được tách rời chương trình SGK, mục tiêu giáo dục, định hướng đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện đang được triển khai.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ GD&ĐT chưa chốt lại việc chọn phương án nào mà khẳng định sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến, phân tích kỹ để có cơ sở quyết định.

Theo báo GTVT, http://giaothongvantai.com.vn/chinh-tri-xa-hoi/xa-hoi/201407/thang-92014-se-chot-phuong-an-cho-mot-ky-thi-chung-515079/