Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Khi hai "đại học xuất sắc" đi vào hoạt động, đã có không ít băn khoăn về cách thức hoạt động để đạt mục tiêu đến năm 2020 nằm trong danh sách 200 trường đại học hàng đầu thế giới.

Nhiều băn khoăn

Theo GS Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học, mục tiêu phát triển của hai trường này là đến năm 2020 được xếp hạng trong danh sách 200 trường đại học hàng đầu thế giới và là hình mẫu cho các ĐH khác về phương pháp quản lý và chương trình đào tạo, tạo động lực cho đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam. Tuy nhiên, cách thức hoạt động của hai đại học này có nhiều điều gây băn khoăn về mục tiêu trên.

Xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu là trở ngại lớn nhất trên con đường trở thành ĐH đẳng cấp quốc tế.

Chương trình đào tạo có thể hay, giáo viên nước ngoài có thể giỏi, nhưng nếu họ chỉ sang đây giảng bài trong vòng 1-2 tháng thì sinh viên tiếp thu kiến thức như thế nào. Một trong những tiêu chí quan trọng để xếp hạng các trường đại học là thành tích nghiên cứu. Nhưng với đội ngũ giáo viên thỉnh giảng như vậy thì lấy thành tích nghiên cứu ở đâu.

Có thể khắc phục tình trạng này bằng cách tuyển giáo sư nước ngoài đến làm việc lâu dài. Nhưng với trình độ xã hội phát triển còn thấp, chúng ta khó có thể thu hút người giỏi bên ngoài đến làm việc, dù có trả lương họ cao thế nào đi nữa” – GS Ngô Việt Trung nhận định.

Thách thức xây dựng đại học đạt chuẩn quốc tế

Từ năm 2016, thành lập ĐH Công nghệ Việt-Nga.

Theo GS Trung, bài toán giảng viên cơ hữu chỉ giải quyết được bằng cách tuyển người Việt. “Nhưng nếu có nhiều giảng viên Việt Nam quá, thì tên gọi Việt Đức hay sự hợp tác Việt Pháp còn có ý nghĩa gì. Đây sẽ là một bài toán nan giải cho các nhà quản lý”.

Một vấn đề khác, theo GS Trung, là hệ thống các chuyên ngành đào tạo không hoàn chỉnh. Các đại học đẳng cấp quốc tế đều có một hệ thống quy mô các chuyên ngành bổ trợ cho nhau. Có như vậy thì mới giữ được chất lượng đào tạo đỉnh cao. Nhưng các trường đại học do nước ngoài trợ giúp khó lòng làm được việc này. Lý do chính vẫn là đội ngũ giảng viên. Không có cách gì để có thể mời đủ giảng viên nước ngoài cho tất cả các môn học được.

Đánh giá của Ủy ban VHGDTNTN&NĐ cũng cho rằng, một thách thức không nhỏ nữa cũng đặt ra trong quá trình xây dựng các cơ sở GDĐH xuất sắc hiện nay là việc điều hòa mối quan hệ đối tác giữa các trường ĐH “xuất sắc” của Việt Nam với các trường đối tác của nước ngoài làm sao để tránh bị chệch hướng, trở thành các cơ sở liên kết đào tạo của các trường ĐH nước ngoài, mang hình ảnh một cơ sở GDĐH của nước ngoài đóng tại Việt Nam, tránh trở thành địa chỉ tạo thêm việc làm và thu nhập cho một số GV, giáo sư người nước ngoài mà không phải là một trường ĐH công lập được đầu tư lớn và có sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước Việt Nam do có những vấn đề phức tạp liên quan đến các yếu tố lợi ích và văn hóa.

Vẫn tiếp tục

Mặc dù có nhiều ý kiến khác biệt và trái chiều về nhãn hiệu trường ĐH “xuất sắc” cũng như về “cách hiểu” và “cách làm” để nước ta có được các “đại học xuất sắc” có tầm vóc khu vực và thế giới của Việt Nam hiện nay, nhưng một số dự án tương tự đang tiếp tục được tiến hành.

Ngày 24/10/2013, tại Moscow, được sự ủy nhiệm của Bộ trưởng GD-ĐT Việt Nam Phạm Vũ Luận, Đại sứ Việt Nam tại Nga Phạm Xuân Sơn và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học Nga, ông Sergey Ivanets đã ký Biên bản phê duyệt dự án thành lập và phát triển Trường ĐH Công nghệ Việt-Nga tại Hà Nội (VRUT).

Theo dự án trên, phía Nga sẽ cử các giáo viên tới giảng dạy trực tiếp tại VRUT về các chuyên ngành quản lý và tin học trong các hệ thống kỹ thuật; xây dựng hầm và công trình ngầm; kỹ thuật điện tử, kỹ thuật vô tuyến và viễn thông; quản trị, xây dựng những công trình đặc biệt... Về phía Việt Nam, Trường ĐH Kỹ thuật Lê Quý Đôn, sẽ cử giáo viên và sinh viên sang Nga thực tập và nâng cao trình độ nghiệp vụ.

Trước đó, tháng 5/2013 Bộ GD-ĐT công bố Việt Nam đầu tư 150 triệu USD để tạo ra một trường đại học nhà nước về công nghệ tại Hà Nội và Nga là nhà tài trợ về đào tạo. Dự án sẽ có hai bước. Giai đoạn đầu, từ nay đến năm 2016, một học viện đào tạo của Nga sẽ được thành lập như là một đơn vị trực thuộc trường ĐH kỹ thuật 47 tuổi, Lê Quý Đôn. Từ năm 2016, tên của tổ chức sẽ được thay đổi thành ĐH Công nghệ Việt-Nga.

Đề án ĐH Việt-Nhật đang trong giai đoạn khảo sát, thu thập và đánh giá thông tin, với mục tiêu thành lập trường đại học đa ngành, đào tạo đại học và sau đại học đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trường ĐH Việt – Nhật được xây dựng, vận hành về cơ bản bằng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, ban đầu sẽ được đặt tại Khu CNC Hòa Lạc. Diện tích của trường và trường đào tạo sau đại học khoảng 100 ha. Sau 10 năm, dự kiến đào tạo được 6.000 sinh viên, trong đó sinh viên cao học khoảng 2.400 người, ở các ngành: khoa học và kỹ thuật; y tế, y tá, điều dưỡng; nông nghiệp; tiếng Nhật; Luật và kinh tế, quản trị kinh doanh.

Giữa tháng 9/2013 Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc Bộ GDĐT thành lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh thuộc ĐH Đà Nẵng với lưu ý, khi có đủ điều kiện sẽ phát triển Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh thành Trường Đại học Việt-Anh. Được biết, dự án thành lập Trường Đại học quốc tế Việt-Anh được Hội đồng Anh Việt Nam khởi xướng và được sự cam kết hợp tác chiến lược của ĐH Đà Nẵng, ĐH Aston (Vương quốc Anh), và Rolls Royce International.

Tuy nhiên, khi triển khai có lẽ các nhà quản lý sẽ phải chuẩn bị tốt hơn để đối đầu với những khó khăn mà hai trường “tiên phong” đang vướng mắc.

Theo Chi Mai, VNN