Miễn giảm học phí cho đúng đối tượng

Nghị định 49/2010/NÐ-CP của Chính phủ về miễn, giảm học phí đã tạo cơ hội học tập cho rất nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh một số bất cập, vướng mắc cần xem xét, điều chỉnh để bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng được thụ hưởng từ chính sách này.

Từ năm học 2010-2011 đến năm học 2012-2013, tỉnh Bình Thuận đã giải quyết cho gần 5.400 lượt học sinh, sinh viên được hỗ trợ giảm học phí theo Nghị định 49/2010/NÐ-CP của Chính phủ với số tiền gần 8,6 tỷ đồng. Trong đó có gần 1.500 lượt học sinh, sinh viên được hỗ trợ giảm 50% học phí với số tiền gần 2,1 tỷ đồng và gần 3.900 lượt học sinh, sinh viên được hỗ trợ giảm 70% học phí với số tiền gần 6,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay vẫn còn gần 700  hồ sơ đang còn nằm tại các phòng lao động, thương binh và xã hội huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Ngày 14-5-2010, Chính phủ ban hành Nghị định 49/2010/NÐ-CP Quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2010.

Ðến ngày 15-11-2010, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), Bộ tài chính và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch 29/2010/TTLT-BGDÐT-BTC-BLÐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 49. Trong đó, quy định các đối tượng được miễn, giảm học phí học chính quy ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập được hưởng theo số tháng thực học kể từ ngày 1-7-2010. Tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí được cấp 10 tháng/năm.

Cần quy định hợp lý hơn về miễn giảm học phí

Nhưng tại khoản 3, điều 4 của thông tư có quy định: Trường hợp trong quá trình học tập, người học thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập không có đơn đề nghị, kèm theo đầy đủ các giấy tờ cần thiết theo quy định tại thông tư này thì chỉ được cấp bù tiền miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập tính từ ngày cơ quan có thẩm quyền tại địa phương nhận được đầy đủ hồ sơ cho đến khi kết thúc khóa học; không được giải quyết và truy lĩnh tiền cấp bù miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với thời gian đã học từ trước thời điểm người học gửi đơn đề nghị kèm theo các giấy tờ cần thiết có liên quan.

Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LÐTBXH) TP Phan Thiết Ðặng Thị Ngọc Hương cho biết: Theo khoản 3, điều 4 của thông tư, phòng chỉ tiếp nhận, thẩm định trình UBND thành phố ra quyết định chi trả kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ trở đi, không giải quyết cho truy lĩnh khoản tiền được hỗ trợ cho học sinh, sinh viên đã học trước đó. Mặc dù, tại điểm c, khoản 3, điều 3 của thông tư  quy định thời điểm được hưởng theo số tháng thực học kể từ ngày 1-7-2010. Hầu hết các trường hợp này nằm trong diện được hưởng chính sách từ năm học 2010-2011, nhưng đến cuối năm 2012 hoặc đầu năm 2013 mới nộp hồ sơ. Ðơn cử trường hợp em Ðặng Trần Khang, sinh năm (SN) 1992, ở khu phố 5, phường Ðức Thắng, TP Phan Thiết, là sinh viên khoa Ðiện - Ðiện tử Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh khóa 2010-2015. Cuối năm 2012, gia đình sinh viên này mới nộp hồ sơ (học ngành nặng nhọc, độc hại) tại địa phương. Phòng LÐTBXH TP Phan Thiết chỉ giải quyết cấp giảm 70% học phí từ năm học 2012-2013 (tức là học kỳ I, năm thứ ba). Còn lại hai năm học trước đó 2010-2011 và 2011-2012 (bốn học kỳ) không được giải quyết. Hoặc như trường hợp em Trần Tiến Thịnh, SN 1993, ở Khu phố D, phường Thanh Hải, là sinh viên ngành xây dựng cầu đường, Trường cao đẳng Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh khóa 2011-2014. Ðến tháng 9-2012, trường mới ký giấy xác nhận cho em học ngành nặng nhọc, độc hại để được giảm học phí theo Nghị định 49. Vì vậy, hồ sơ nộp muộn nên không được giải quyết những học kỳ trước đó. Hiện nay ở Phòng LÐTBXH còn tồn đọng 106 hồ sơ chưa được giải quyết. Tương tự như vậy, cả tỉnh còn gần 700 hồ sơ chưa giải quyết.

Phó Trưởng ban Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Thuận Thanh Thị Kỷ cho biết, qua thực hiện giám sát tình hình thực hiện Nghị định 49 của Chính phủ, tất cả các địa phương trong tỉnh đều phản ánh: Số học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được thụ hưởng của Nghị định 49 làm thủ tục đề nghị thanh toán tiền miễn, giảm học phí đều chậm so với thời gian quy định (Thông tư quy định trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu học kỳ, học sinh, sinh viên phải làm đơn đề nghị cấp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí gửi Phòng LÐTBXH địa phương nơi cư trú). Nguyên nhân chủ yếu là do gia đình học sinh, sinh viên không nắm được chính sách của Nhà nước. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập xác nhận trong hồ sơ đề nghị miễn, giảm học phí thường rất chậm, kéo dài. Nhiều trường chờ nhận đủ hồ sơ của tất cả học sinh, sinh viên trong trường mới tiến hành xác nhận nên có nơi thời gian xác nhận kéo dài hơn sáu tháng. Dẫn tới nhiều học sinh, sinh viên học từ năm 2010, 2011 nhưng đến năm 2012 mới hoàn tất hồ sơ và vì thế nộp muộn, nên không được xét giải quyết. Theo chúng tôi được biết, đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương trong cả nước chứ không chỉ riêng có ở tỉnh Bình Thuận.

Ðể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, nhằm bảo đảm quyền lợi cho các học sinh, sinh viên thuộc diện được thụ hưởng theo chính sách của Nghị định 49, theo chúng tôi, Bộ GD và ÐT, Bộ Tài chính, Bộ LÐTBXH cần xem xét điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung Thông tư 29. Theo đó, giải quyết truy lĩnh tiền miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên đã lập đầy đủ hồ sơ theo quy định nhưng chưa thực hiện chi trả tiền miễn, giảm học phí trong các năm học 2010-2011, 2011-2012. Xem xét, điều chỉnh lại thời gian nộp hồ sơ của học sinh, sinh viên cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Ngoài ra, ngành LÐTBXH không trực tiếp quản lý đối tượng được thụ hưởng chính sách miễn, giảm học phí, cho nên việc xây dựng kế hoạch kinh phí chi trả và quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cũng nên xem xét, điều chỉnh, giao cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập thực hiện chi trả trực tiếp cho các đối tượng này. Bởi vì, chính các trường là nơi nắm chắc số lượng học sinh, sinh viên học ngành nghề theo danh mục được thụ hưởng chính sách. Quá trình học tập của từng học sinh, sinh viên được quản lý và theo dõi chặt chẽ. Chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm đều cụ thể và rõ ràng, do vậy, việc xây dựng kinh phí chi trả thuận lợi và dễ dàng. Từ đó, cũng giảm bớt các thủ tục xác nhận vừa phiền hà, vừa chậm mà bản thân ngành LÐTBXH ở địa phương cũng chưa nắm chắc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học đó có phải là công lập, hoặc đúng ngành nghề nặng nhọc, độc hại hay không.

Nghị định 49 và Thông tư 29 là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Qua hơn hai năm thực hiện đã nảy sinh một số bất cập và vướng mắc. Việc sửa đổi, điều chỉnh và bổ sung là cần thiết để bảo đảm quyền lợi cho học sinh, sinh viên. Tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục học tập và giảm bớt khó khăn cho gia đình thuộc hộ nghèo và hộ gia đình sống trong vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Ðồng thời góp phần cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản nhưng chặt chẽ và thuận lợi cho nhân dân.

 

Bạn cần biết:

Điểm thi đại học

Tỉ lệ chọi 2013

 

Kenhtuyensinh

Theo: nhandan