Trong đó, có hơn 81.000 thí sinh tự do (chiếm 9%) dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ; hơn 519.000 thí sinh (59%) dự thi với đồng thời cả hai mục đích - xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Còn lại hơn 286.000 thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp. Các cụm thi đã chuẩn bị 1.482 điểm thi với 31.668 phòng thi trên toàn quốc đến thời điểm này, các cụm thi đã sẵn sàng cho kỳ thi.

Tăng tỷ lệ thí sinh dự thi chỉ với mục đích xét tốt nghiệp

Số thí sinh chỉ xét tốt nghiệp tăng cao

Kỳ thi THPT quốc gia 2016 cả nước có 120 cụm thi, trong đó có 70 cụm thi do các trường đại học chủ trì (dùng kết quả để xét tốt nghiệp và làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ) ở 63 tỉnh, thành phố; 50 cụm thi do các Sở GD&ĐT chủ trì và một cụm thi do Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) chủ trì lấy kết quả chỉ để xét tốt nghiệp THPT.

Tổng số điểm thi toàn quốc là 1.482 với 31.668 phòng thi, có tổng số thí sinh dự thi là 887.396 (giảm 118.258 thí sinh so với năm 2015); Thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT: 286.129 chiếm 32% (giảm 4% so với năm 2015 là 28%); Thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ là: 519.497 chiếm 59% (tương đương năm 2015 là 59%);

Thí sinh dự thi chỉ để xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ (thí sinh tự do) là: 81.770 chiếm 9% (năm 2015 là 13%). Cũng theo như số liệu thống kê đưa ra cho thấy, địa phương có số lượng đăng ký dự thi nhiều nhất là Hà Nội với 76.137 thí sinh, ít nhất là tỉnh Lai Châu có 3.405 thí sinh đăng ký.

Còn theo thống kê môn thi, các môn có số lượng thí sinh đăng ký dự thi cao nhất là Toán và Văn, đều trên 850.000 thí sinh, Tiếng Anh có hơn 661.000 thí sinh dự thi. Còn lại là môn Địa lý có trên 436.000 thí sinh, Vật lý với gần 368.000 thí sinh, Hóa học là 347.400 thí sinh, Sinh học có 157.400 thí sinh dự thi và thấp nhất là môn Lịch sử có hơn 131.700 thí sinh.

Trong số các môn ngoại ngữ được thí sinh đăng ký dự thi, Tiếng Anh là môn có số đăng ký cao nhất, các thứ tiếng còn lại đều có số lượng thí sinh dự thi rất ít, theo thứ tự: Tiếng Pháp: 1.040, Tiếng Trung: 680, Tiếng Nhật: 415, Tiếng Nga: 213, còn Tiếng Đức chỉ có 75 thí sinh dự thi.

Được biết, Sở GD&ĐT Hà Nội có lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất với 76.137, còn Sở GD&ĐT Lai Châu có lượng thí sinh đăng ký dự thi ít nhất với 3.405. Về phía cụm thi, Cụm do Trường Đại học Vinh chủ trì tại Nghệ An có lượng thí sinh dự thi nhiều nhất là 21.691. Cụm thi do Trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên chủ trì tại Lai Châu có lượng thí sinh dự thi ít nhất là 1.313. Cụm thi do Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì có số lượng thí sinh dự thi nhiều nhất: 16.442. Cụm thi do Sở GD&ĐT Bạc Liêu chủ trì có số lượng thí sinh dự thi ít nhất: 1.470.

Với hơn 286.000 thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp tại Kỳ thi THPT 2016 (chiếm 32% tăng 4% so với kỳ thi năm 2015), được nhiều chuyên gia cho rằng, đây là tín hiệu mừng, cho dù có đúng là tác động tích cực của công tác phân luồng sau THPT hay không, nhưng tỷ lệ thí sinh dự thi với mục đích chỉ để xét tốt nghiệp chứ không vào đại học giảm như vậy cũng cho thấy, xã hội có những thay đổi về cách nhìn nhận, không phải chỉ có vào đại học mới ra đời kiếm sống được.

Các cụm thi giữ nghiêm quy chế

Theo PGS.TS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT): Để chuẩn bị tốt Kỳ thi THPT quốc gia 2016, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường được giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi, phối hợp với các Sở GD&ĐT và các trường được giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức cụm thi triển khai phương án tổ chức cụm thi theo đúng kế hoạch; bố trí đầy đủ đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ tiêu chuẩn tham gia các khâu của kỳ thi; nghiêm túc triển khai việc tập huấn, quán triệt nhiệm vụ cho những người được cử tham gia tổ chức kỳ thi, nhất là đối với cán bộ tham gia coi thi, chấm thi.

Bộ cũng đặc biệt yêu cầu, các đơn vị cần rà soát tổng thể kế hoạch triển khai kỳ thi; cùng Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh kiểm tra cụ thể sự phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan đoàn thể tại địa phương, bảo đảm an ninh, trật tự, không để xảy ra ách tắc giao thông ở các điểm thi; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, điện nước và làm tốt công tác huy động các tổ chức, cá nhân, các lực lượng xã hội tham gia hỗ trợ cho thí sinh và người nhà trong việc ăn, nghỉ, đi lại; xây dựng các phương án dự phòng để xử lý các tình huống bất thường như thời tiết, thiên tai, cháy nổ...

Đồng thời, kiểm tra, rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, danh sách thí sinh tương ứng với phòng thi, bảo đảm an ninh, an toàn và điều kiện y tế tại các điểm thi.

Các Hội đồng thi tổ chức cho thí sinh điều chỉnh sai sót các thông tin cá nhân trong ngày làm thủ tục dự thi; làm thủ tục cho thí sinh bị thất lạc giấy báo dự thi. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp triển khai thực hiện tốt các công việc về in sao, vận chuyển và bảo quản đề thi tuyệt đối an toàn, coi thi, chấm thi, phúc khảo. Các trường cần có kế hoạch huy động đủ cán bộ chấm thi các môn tự luận để bảo đảm tiến độ chấm thi theo kế hoạch của kỳ thi.

PGS.TS Mai Văn Trinh đặc biệt nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT yêu cầu rà soát kỹ phần mềm chấm thi trắc nghiệm, phần mềm tổng hợp điểm thi đúng theo quy định của quy chế thi hiện hành cũng như tăng cường hạ tầng công nghệ thông tin để bảo đảm việc công bố kết quả thi tốt nghiệp 2016 tại cụm thi được thông suốt. Năm nay, các trường đại học tổ chức cụm thi sẽ công bố kết quả thi, nên nếu không đảm bảo cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tốt thì sẽ không tránh được những trục trặc, ách tắc khiến phụ huynh và thí sinh lo lắng.

Theo Giáo dục Thời đại, tin gốc: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tang-ty-le-thi-sinh-du-thi-chi-voi-muc-dich-xet-tot-nghiep-1985893-b.html

Tuyển sinh, tuyển sinh 2016, điểm chuẩn đại học, kỳ thi THPT quốc gia