Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, học đường

Quy mô mạng lưới các trường mầm non ngoài công lập (MN NCL) phát triển ngày càng mạnh, góp phần giảm tải cho các trường công lập.

Tuy nhiên, tại hội thảo về quản lý giáo dục MN NCL do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức chiều 15/10, một số lãnh đạo phòng GD&ĐT quận, huyện cho rằng, cần tăng cường kiểm tra, đặc biệt là tăng cường công tác quản lý, nâng cao trình độ đối với chủ trường, nhóm lớp MN NCL.

Học hết lớp 9 đã được mở lớp mầm non?

Tại Hà Nội, tính đến tháng 6/2013, có hơn 900 trường mầm non (698 trường công lập; 5 trường dân lập; 202 trường ngoài công lập...). Trường, lớp MN NCL tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành, nơi đông dân như các quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy… Ngoài ra, còn nhiều lớp, nhóm trẻ tự phát xen kẽ các khu dân cư. Theo bà Hoàng Thanh Hương - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT Hà Nội), mặc dù hệ thống trường NCL đã giảm áp lực rất nhiều cho các trường công lập, song bên cạnh những cơ sở mầm non tư thục được cấp phép và hoạt động hiệu quả, vẫn còn những cơ sở hoạt động manh mún, cơ sở vật chất chưa đảm bảo theo quy định. Bàn về vấn đề này, đại diện phòng GD&ĐT quận Long Biên cho biết, Điều 16 của Điều lệ trường MN quy định chủ nhóm lớp chỉ cần tốt nghiệp THCS, hết sức bất cập: "Với các cơ sở hiện nay, yêu cầu giáo viên tại các nhóm trẻ ở trình độ sơ cấp là chưa bảo đảm. Giáo viên của các nhóm trẻ cần được đào tạo qua trung cấp mới nắm vững được tâm lý, kỹ năng chăm sóc trẻ. Theo tôi, cần phải có điều chỉnh, chủ nhóm lớp phải có bằng trung cấp sư phạm MN trở lên. Hay ít nhất có kinh nghiệm 3 năm. Phải tương đương phó hiệu trưởng của một trường". Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Minh Xuyến - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho rằng: Cần phân công các trường công lập tham gia quản lý các nhóm lớp MN NCL, hướng dẫn về chuyên môn. Hiện, nhiều chủ nhóm lớp không có chuyên môn, chỉ qua bồi dưỡng ngắn ngày, đây là một trong những bất cập cần điều chỉnh.

***Khó quản lý các trường mầm non tư thục

giáo dục mầm non

Giờ ăn của các cháu trường Mầm non tư thục Dream For Kids, Từ Liêm. Ảnh: Trần Anh

Kiểm tra 3 nội dung

Theo bà Lê Thị Diệu Hoa - Phó Chánh thanh tra Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT đã ra văn bản về thanh tra, trong đó có giáo dục MN. Điểm mới là bỏ hoàn toàn công tác thanh tra toàn diện các cơ sở giáo dục, thay vào đó là thanh tra hành chính, thanh tra hoạt động chuyên ngành. "Chúng ta phải thực hiện tốt công tác kiểm tra nội bộ của trường, sau đó phòng GD&ĐT phối hợp với quận, Sở thực hiện thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành. Năm nay, thanh tra hành chính trao toàn quyền cho quận, huyện, còn chuyên ngành thì cho Sở. Vì thế, trong tất cả những nội dung Bộ yêu cầu có nội dung liên quan đến MN, gồm 5 vấn đề, trong đó có thanh tra việc thành lập MN NCL" - bà Hoa cho biết.

Xung quanh vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Thị Hồng Nga cho hay, cả nước có 10,6% trẻ MN học NCL, riêng Hà Nội chiếm 15% (khoảng 70.000 trẻ). Với quy định, chủ nhóm trường, lớp chỉ học có 30 ngày về kiến thức chuyên môn, tới đây sẽ tổ chức bồi dưỡng chuyên môn cho chủ trường hàng năm. Các lớp bồi dưỡng về nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ đều phải cho GV MN NCL tham gia và không phải đóng kinh phí. Đối với Ban chỉ đạo kiểm tra liên ngành, việc đầu tiên là kiểm tra được 100% trường, nhóm lớp trên địa bàn. Năm nay, Sở sẽ kiểm tra đột xuất tại quận, huyện, đặc biệt kiểm tra chặt chẽ các trường NCL. Thứ hai, khi thanh tra sẽ kiểm tra việc cam kết công khai 3 nội dung: Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; Điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; Công khai về thu chi tài chính. Đặc biệt, kiểm tra việc thực hiện đúng quy hoạch mạng lưới trường, lớp. Các trường công lập không nhận sĩ số quá đông, để MN NCL được xây dựng khang trang có thể thu hút trẻ theo tỷ lệ 80 - 20%. Ngoài ra, nhất thiết phải có các buổi phổ biến hướng dẫn chăm sóc trẻ tới cha, mẹ học sinh...

Theo Thu Anh, Báo KTĐT