Tăng cường dạng câu hỏi trắc nghiệm cho bài kiểm tra

Ông Nguyễn Duy Hoàng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La - cho biết: Đối với việc kiểm tra đánh giá, Sở GD&ĐT Sơn La đã yêu cầu các trường THPT, các trung tâm GDNN-GDTX huyện trên địa bàn tăng cường dạng câu hỏi trắc nghiệm trong các bài kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ; giảm bớt những câu hỏi mang tính chất hàn lâm, yêu cầu ghi nhớ máy móc.

Đối với kiểm tra miệng, cần tăng cường nhiều dạng câu hỏi nhỏ, cụ thể để kiểm tra việc hiểu bài chứ không phải kiểm tra học thuộc lòng như trước đây.

Kịp thời điều chỉnh nội dung dạy học chính khóa

Với đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT cho kỳ thi THPT quốc gia 2017, theo ông Nguyễn Duy Hoàng, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường tổ chức cho giáo viên thuộc các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, tiếng Anh, Giáo dục công dân của đơn vị mình giải đề đề thi minh họa do Bộ GD&ĐT công bố trên website chính thức của Bộ GD&ĐT; các tổ/nhóm chuyên môn phân tích đề thi minh họa để xác định chính xác mức độ yêu cầu (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao) của từng câu hỏi, xác định tỉ lệ các mức độ yêu cầu của đề.

Trên cơ sở phân tích đề minh họa, chỉ đạo các tổ/nhóm chuyên môn (đặc biệt đối với môn Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) xây dựng các câu hỏi, bài tập trong phạm vi chương trình lớp 12 dưới hình thức trắc nghiệm với các mức độ yêu cầu khác nhau.

Bên cạnh đó, các trường cần kịp thời điều chỉnh nội dung dạy học chính khóa theo hướng: Đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành; tăng cường dạy học phân hóa phù hợp với đối tượng học sinh; giảm lượng kiến thức hàn lâm; chú trọng hướng dẫn học sinh nắm được vấn đề cốt lõi của bài học, hiểu rõ bản chất của nội dung được học; chú trọng việc vận dụng kiến thức vào cuộc sống thực tiễn đồng thời định hướng được thái độ, hành vi cho học sinh.

Giáo viên cần xác định rõ hệ thống câu hỏi với mỗi bài học

Nhấn mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, Sở GD&ĐT Sơn La lưu ý việc áp dụng các phương pháp dạy học phù hợp để nâng cao hiệu quả các giờ dạy: Đối với mỗi bài học giáo viên cần xác định rõ hệ thống câu hỏi nhằm giúp học sinh nắm được kiến thức trọng tâm, cơ bản, hiểu bản chất vấn đề được tiếp thu và tổ chức cho học sinh nghiên cứu dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên;

Sau mỗi bài học cần có hệ thống câu hỏi, bài tập (tốt nhất là theo hình trắc nghiệm) củng cố và kiểm tra việc nhớ kiến thức, mức độ hiểu bài của học sinh và kịp thời điều chỉnh việc dạy học sau mỗi bài học.

“Chúng tôi cũng khuyến khích giáo viên sử dụng kỹ thuật “Bản đồ tư duy” đối với những bài học phù hợp và đối với những tiết ôn tập, hệ thống hóa kiến thức” - ông Nguyễn Duy Hoàng cho hay.

Tránh tình trạng để dồn kiến thức đến cuối năm

Lưu ý các nhà trường kịp thời có định hướng giúp học sinh ôn tập những nội dung kiến thức từ đầu năm học, tránh tình trạng để dồn kiến thức đến cuối năm, gây hiện tượng quá tải, Sở GD&ĐT Sơn La cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Đồng thời, chỉ đạo các tổ/nhóm chuyên môn chuẩn bị tham luận về các nội dung sau: Những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm trong việc nghiên cứu, khai thác đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT và áp dụng vào quá trình dạy học, ra đề kiểm tra, ôn tập; kinh nghiệm xây dựng kế hoạch, nội dung ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017;

Kinh nghiệm hướng dẫn học sinh ôn tập. Nội dung tham luận sẽ được trình bày tại hội thảo về công tác chuẩn bị ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 do Sở GD&ĐT chủ trì, dự kiến tổ chức vào tháng 11/2016.

Kinh nghiệm xây dựng kế hoạch, nội dung ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017; kinh nghiệm hướng dẫn học sinh ôn tập.

“Nội dung tham luận sẽ được trình bày tại hội thảo về công tác chuẩn bị ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 do Sở GD&ĐT chủ trì, dự kiến tổ chức vào tháng 11/2016” - ông Nguyễn Duy Hoàng chia sẻ.


Tuyển sinh 2017

Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tang-cuong-dang-cau-hoi-trac-nghiem-cho-cac-bai-kiem-tra-2408815-v.html