Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

Tin liên quan:

tang_bien_che_giao_vien_truong_dan_toc_noi_tru_ban_tru

Tăng biên chế GV ở các trường dân tộc nội trú và bán trú


Ngày 7.11, tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo Xây dựng các nội dung đặc thù trong trường phổ thông dân tộc nội trú và trường phổ thông dân tộc bán trú, do Bộ GD-ĐT tổ chức. Đại diện ngành giáo dục của 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long tham gia.

 

Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ của một trường phổ thông, các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) còn thực hiện các nhiệm vụ giáo dục đặc thù như: giáo dục học sinh về truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số và đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; giáo dục lao động và hướng nghiệp, giúp học sinh định hướng nghề phù hợp với khả năng của bản thân và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; giáo dục học sinh ý thức phục vụ quê hương sau khi tốt nghiệp; tổ chức đời sống vật chất, tinh thần cho học sinh…

 

Theo báo cáo từ Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ GD-ĐT), đối với học sinh đồng bào dân tộc đang theo học bán trú, kể từ ngày 1.1.2011, đã được hỗ trợ 40% mức lương tối thiểu, hưởng 9 tháng/năm học. Với mức hỗ trợ này, phần nào giảm được những khó khăn cho các em người dân tộc.

Do vậy, theo thống kê, số học sinh PTDTNT hưởng học bổng chính sách ở nội trú có tỷ lệ là 95%, trong đó, cấp THCS là 94%, cấp THPT là 97,6%. Tại các tỉnh như Lào Cai, Điện Biên, Đắk Lắk, Nghệ An... các trường PTDTBT đã tổ chức bếp ăn dân tộc nội trú cho các em nhỏ.

 

Về học tập, năm học 2010-2011, cả nước dạy 7 thứ tiếng dân tộc trong trường phổ thông, gồm: Hmông, Êđê, Jrai, Bahnar, Chăm, Khmer, Hoa tại 20 tỉnh, thành phố.

 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đặc biệt nhấn mạnh: mục tiêu cuối cùng là làm sao cho con em vùng dân tộc được đi học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các vùng cao...

 

Vì vậy, ngoài thực hiện kế hoạch giáo dục theo mục tiêu, chương trình của các cấp học phổ thông tương ứng, các trường PTDTNT, PTDTBT còn bổ sung kiến thức về lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thiểu số và địa phương. Thứ trưởng nhấn mạnh, nhất thiết, mỗi giáo viên giảng dạy ở các trường PTDTNT, PTDTBT và vùng dân tộc đều phải cố gắng biết tiếng dân tộc.

 

Về phía Bộ GD-ĐT, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, sẽ chủ động trong việc xây dựng chế độ cho đội ngũ giáo viên ở các trường PTDTNT, PTDTBT. Trước mắt, Bộ GD-ĐT sẽ có sự hỗ trợ về mặt pháp lý để tăng biên chế giáo viên cho các trường có tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.




Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (Theo: giaoduc.net.vn)