>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015


​Tận dụng cơ hội để trúng tuyển ngay đợt 1
Đông đảo thí sinh đến với các gian tư vấn của các trường ĐH, CĐ tại ngày hội tư vấn sáng 1-8 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tại hai khu vực tư vấn của ban tổ chức, giờ tư vấn chưa bắt đầu đã kín thí sinh và phụ huynh. Dù hôm qua (1-8) là ngày đầu tiên thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ, nhưng rất nhiều thí sinh vẫn băn khoăn về cách thức xét tuyển cũng như ghi hồ sơ xét tuyển.

Cân nhắc kỹ khi đăng ký xét tuyển

Bắt đầu buổi tư vấn, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, đã cung cấp những thông tin mới nhất về kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015.

Theo ông Nghĩa, những quy định mới về tuyển sinh năm 2015 thuận lợi cho thí sinh, vấn đề là thí sinh cần biết tận dụng tốt những điều này để có thêm cơ hội trúng tuyển ĐH, CĐ.

Năm nay có khoảng 80 trường ĐH và hơn 100 trường CĐ có đề án tuyển sinh riêng. Các trường này đều đã công khai thông tin về hồ sơ đăng ký xét tuyển, thời gian xét tuyển trên website của trường.

Đa số các trường đều sử dụng song song hai phương thức xét tuyển: bằng học bạ và kết quả thi THPT quốc gia.

Với đăng ký xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, năm nay có bốn đợt xét tuyển ĐH và một đợt xét tuyển CĐ. Trong đó, đợt 1 và đợt 2 có thời gian nhận hồ sơ xét tuyển là 20 ngày.

Những đợt còn lại thời gian xét tuyển 15 ngày. Đợt xét tuyển đầu tiên là quan trọng nhất, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin và cân nhắc khi đăng ký xét tuyển để trúng tuyển ngay đợt này.

Ông Nghĩa lưu ý: “Thực tế nhiều năm qua cho thấy những ngành nào, trường nào điểm cao thì năm sau thường điểm chuẩn vẫn luôn cao. Vì vậy khi đăng ký xét tuyển thí sinh phải dựa vào điểm chuẩn của ngành, trường những năm trước. Phổ điểm năm nay tốt hơn năm trước, vì vậy thí sinh phải có điểm cao hơn năm trước mới có thể yên tâm”.

Cần sử dụng tốt “chiếc phao”

TS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng năm nay Bộ GD-ĐT đã trao cho thí sinh “chiếc phao” khi tham gia đăng ký xét tuyển trong đợt 1. Đó là quy định yêu cầu các trường phải công bố thông tin dữ liệu đăng ký xét tuyển.

“Theo quy định, cứ ba ngày các trường phải công bố thông tin một lần, nhưng sẽ có rất nhiều trường cập nhật và công bố sớm hơn. Thí sinh cần theo dõi sát những thông tin này để biết thứ hạng của mình và đưa ra quyết định phù hợp” - TS Hoàng khuyên.

Ông cũng lưu ý: khi thay đổi nguyện vọng thí sinh nên chọn ngành phù hợp với mức điểm của mình, nhưng phải đúng ngành thật sự mong muốn. Nếu trường đó không còn ngành yêu thích, thí sinh nên mạnh dạn rút hồ sơ để nộp vào trường khác có ngành mình mong muốn.

Một thí sinh thắc mắc: “Điểm thi của em tương đương với điểm chuẩn trúng tuyển năm trước, nhưng em nghe thông tin dự báo điểm năm nay sẽ cao hơn. Em có nên nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm?”.

TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), cho biết thắc mắc của thí sinh này cũng đang là tâm trạng chung của rất nhiều thí sinh và phụ huynh.

“Nếu thí sinh có điểm bằng năm ngoái thì có khả năng trúng tuyển, nhưng cũng có thể không trúng tuyển. Thời gian đăng ký xét tuyển đợt 1 là 20 ngày, thí sinh nên chờ thông tin ít nhất sau ngày 10-8 rồi nộp hồ sơ, không nên vội” - thầy Hạ tư vấn.

Khá nhiều phụ huynh thắc mắc về quy định rút hồ sơ đăng ký xét tuyển. Một phụ huynh hỏi: “Giả sử thí sinh đã nộp hồ sơ, nhưng đến ngày 18-8 xem thông tin trên website của trường thấy tụt thứ hạng, nằm ngoài chỉ tiêu. Khi đó các trường có trả hồ sơ để thí sinh rút nộp sang trường khác không?”.

TS Trần Thế Hoàng cho biết: “Một số trường cho phép thí sinh nộp hồ sơ buổi sáng, buổi chiều vẫn có thể rút ra. Chúng tôi sẽ huy động người làm thêm buổi tối và cả ngày chủ nhật để phục vụ thí sinh. Nhà trường sẽ tư vấn cho thí sinh có nên rút hồ sơ hay không”.

Tại ngày hội, rất nhiều thí sinh băn khoăn điểm thi của mình nộp vào trường nào có thể trúng tuyển. Các chuyên gia cho rằng tại thời điểm hiện tại không trường nào có thể biết điểm chuẩn của mình là bao nhiêu, bởi còn tùy thuộc vào lượng thí sinh nộp hồ sơ cũng như mặt bằng điểm của thí sinh.

TS Nguyễn Kim Quang - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), chia sẻ năm nay lượng thí sinh có điểm thi từ 20 trở lên rất nhiều, do vậy thí sinh có điểm từ 20 - 24 hết sức cân nhắc khi xét tuyển vào các trường tốp trên.

Với thí sinh đạt 25 điểm trở lên cơ hội trúng tuyển rất lớn, và có nhiều cơ hội hơn để chọn ngành phù hợp nhất với mình.

​Tận dụng cơ hội để trúng tuyển ngay đợt 1
PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT - tư vấn chuyên sâu cho phụ huynh và học sinh trong Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ 2015 tại Trường ĐH Bách Khoa (ĐHQG TP.HCM) trưa 1-8 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Điểm chuẩn sẽ cao hơn 1 - 2 điểm

“Tốp trên, tốp dưới là những trường nào? Cháu tôi thi khối D, được 19,75 điểm, vậy cháu nên đăng ký vào trường ĐH hay CĐ nào?” - một phụ huynh hỏi.

Chia sẻ băn khoăn này, TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM - cho rằng trường tốp trên hay dưới là do xã hội mặc định, và điều quan trọng nhất là điểm chuẩn các năm trước.

Đối với việc xét tuyển, nhiều trường lấy điểm sàn xét tuyển là 15, nhưng điểm chuẩn có thể tăng từ 1 - 2 hoặc 6 - 7 điểm. Như vậy trường tốp trên hay tốp dưới thường căn cứ vào điểm chuẩn qua nhiều năm.

Tư vấn thêm cho thắc mắc này, PGS-TS Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - cho rằng điểm thi môn tiếng Anh năm nay không tốt, nên sự cạnh tranh ở khối D không cao như các khối còn lại, và điểm chuẩn có thể không cao.

Cùng quan điểm trên, TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - giải thích thêm: điểm trúng tuyển phụ thuộc vào lượng hồ sơ và điểm thi của thí sinh.

Ông dự đoán mặt bằng điểm thi năm nay cao hơn năm ngoái một ít. Nếu sự yêu thích và quan tâm của thí sinh đối với trường không thay đổi thì điểm chuẩn có thể tăng 1 - 2 điểm so với năm 2014.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - đưa ra lời khuyên: “Khi chọn trường thì nên chọn một vài trường mình mong muốn và trường có mức điểm gần với điểm thi của mình. Nếu trường mình mong muốn có điểm chuẩn các năm trước thấp hơn điểm thi của mình một vài điểm thì nên nộp hồ sơ. Nếu thấy cơ hội trúng tuyển không cao thì mình rút hồ sơ ra, và nộp vào ngành đó ở trường có điểm chuẩn thấp hơn. Hiện nay, đậu vào ngành nào chỉ có những thí sinh có điểm rất cao mới chắc chắn được!”.

Nên nộp hồ sơ bằng chuyển phát nhanh

Liên quan đến việc nộp hồ sơ xét tuyển, một thí sinh lo lắng cho biết mình lỡ nộp hồ sơ bằng đường bưu điện (gửi thư bình thường) và có bỏ lệ phí xét tuyển trong bao thư, như vậy là phạm luật.

TS Nguyễn Đức Nghĩa trả lời trường hợp này: “Có thể bưu điện sẽ chuyển trả lại, hoặc trong trường hợp xấu nhất là thư không đến được trường thí sinh muốn xét tuyển, và thí sinh mất luôn giấy chứng nhận kết quả để xét tuyển nguyện vọng 1.

Thí sinh hết sức lưu ý, chúng ta chỉ có một giấy chứng nhận để xét tuyển nguyện vọng 1 và trong trường hợp bị mất sẽ không được cấp lại.

Do vậy, khi xét tuyển thí sinh nên gửi chuyển phát nhanh và nộp lệ phí xét tuyển theo quy định của trường, tránh trường hợp bị thất lạc giấy chứng nhận và mất cơ hội xét tuyển nguyện vọng 1”.


Theo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuyensinh.tuoitre.vn/tin/20150802/tan-dung-co-hoi-de-trung-tuyen-ngay-dot-1/786900.html